Dự kiến ngày 21-7 khai mạc kỳ họp thứ nhất QH khóa XIII

*  Tăng cường tuyên truyền để tránh bầu hộ

*  Tăng cường tuyên truyền để tránh bầu hộ

(SGGP).- Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc sáng 25-4. Ngay sau phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 9 của QH khóa XII và dự thảo tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII.

Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất QH khóa XIII, theo dự kiến bước đầu, kỳ họp kéo dài 22 ngày, trong đó có 3 ngày thứ bảy. Phiên khai mạc tiến hành vào ngày 21-7 và bế mạc vào ngày 16-8. Công tác tổ chức, nhân sự của các cơ quan nhà nước được dành nhiều thời gian hơn (14 ngày), trong khi việc xem xét, thảo luận các báo cáo và quyết định các vấn đề quan trọng được dành 5 ngày và công tác lập pháp được dành 3 ngày.
 
Cho ý kiến về các nội dung trên, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh, theo thông lệ, bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư tại kỳ họp đầu tiên của QH khóa mới sẽ là văn bản chính trị có ý nghĩa pháp lý rất quan trọng, với nội dung định hướng hoạt động cho QH và bộ máy nhà nước trong những năm tới.

Về một số ý kiến khác trong UBTVQH e ngại việc các ĐBQH khóa mới chưa kịp làm quen với công tác lập pháp, người đứng đầu UB Pháp luật cho rằng, công tác lập pháp của QH có sự kế thừa và cần đảm bảo tính liên tục, do đó vẫn nên đưa vào chương trình kỳ họp việc xem xét, cho ý kiến vào các dự án luật. Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng và Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên ủng hộ quan điểm này.
 
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước và nhiều thành viên khác trong UBTVQH cũng cho biết, qua quá trình giám sát, lắng nghe ý kiến cử tri, nhiều cử tri bày tỏ lo ngại về tình hình lạm phát tăng cao (tháng 4 đạt đến mức kỷ lục trong 3 năm trở lại đây), ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.

“Trong khi đó, lương công nhân không rõ sẽ được điều chỉnh thế nào, mà đây lại là tầng lớp chịu ảnh hưởng rất nặng nề của “bão giá” - Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba phát biểu. Bên cạnh đó, theo phản ánh của nhiều thành viên UBTVQH, cử tri mong muốn việc xử lý trách nhiệm của lãnh đạo và các thành viên Chính phủ trong vụ việc Vinashin sớm được làm rõ. Theo Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, cử tri thắc mắc nhất ở chỗ thông tin đưa ra còn sơ sài, chưa thuyết phục.

Tổng Bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cũng nhận định, nội dung báo cáo của Chính phủ trước QH về kiểm điểm trách nhiệm tập thể và cá nhân liên quan đến sai phạm tại Vinashin nêu chưa đầy đủ kết luận của Bộ Chính trị về Vinashin.
 
Được mời tham gia phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giải trình về hai vấn đề trên với UBTVQH. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc, lạm phát hiện là thách thức chung của các thị trường mới nổi. Nhưng những giải pháp đồng bộ đã được vạch ra. Nếu nghiêm túc và quyết liệt thực hiện thì những tháng tới lạm phát sẽ giảm. Tháng 5 có thể chưa rõ rệt, do độ trễ của chính sách, nhưng từ tháng 6 sẽ có chuyển biến.

Về vụ việc Vinashin, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thời gian tới sẽ có kết quả chính thức việc thanh tra toàn diện Vinashin cũng như kết quả xét xử các cá nhân sai phạm. Sau đó, Chính phủ sẽ công khai và xác định rõ trách nhiệm của những người có liên quan chứ không né tránh.

ANH THƯ


* UBTV Quốc hội cho ý kiến về chuẩn bị bầu cử: Tăng cường tuyên truyền để tránh bầu hộ

(SGGP).- Trong phiên họp chiều 25-4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), ông Phạm Minh Tuyên, Tổng Thư ký Hội đồng Bầu cử Trung ương đã trình bày báo cáo tiến độ triển khai công tác bầu cử ĐBQH khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Báo cáo nhận định: công tác chuẩn bị bầu cử được triển khai khẩn trương, nghiêm túc, đảm bảo đúng pháp luật và đúng tiến độ. Hội đồng Bầu cử đã ban hành quyết định phân bổ những người ứng cử ở trung ương về 63 tỉnh thành trực thuộc trung ương để ứng cử ĐBQH khóa XIII. Việc phân bổ được thực hiện trên cơ sở 7 tiêu chí công khai, minh bạch.

Qua hai đợt giám sát, các đoàn giám sát của Hội đồng Bầu cử đánh giá cao công tác chuẩn bị bầu cử ở các địa phương, ghi nhận các kiến nghị của địa phương về: điểm bỏ phiếu, số lượng hòm phiếu, màu phiếu thống nhất trong toàn quốc; hướng dẫn ban bầu cử kiêm nhiệm vụ của tổ bầu cử… Hội đồng bầu cử đã kịp thời hướng dẫn để địa phương thực hiện.

Từ nay đến ngày bầu cử, UBTVQH và Hội đồng Bầu cử sẽ chỉ đạo chặt chẽ, sát sao việc thực hiện công bố danh sách người ứng cử; niêm yết danh sách người ứng cử, tổ chức các cuộc gặp gỡ tiếp xúc với cử tri; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và điều kiện cần thiết phục vụ ngày bầu cử; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bầu cử dưới các hình thức đa dạng, nhất là về người ứng cử. Đặc biệt, cần tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đề phòng sự phá hoại của các thế lực thù địch; dự kiến mọi tình huống phức tạp và kiên quyết không để các thế lực thù địch lôi kéo quần chúng, phá hoại cuộc bầu cử; tạo không khí phấn khởi, tin tưởng của nhân dân trong dịp bầu cử…

Tại phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Trung ương Nguyễn Phú Trọng nhận định, vừa qua các cơ quan đã có sự phối hợp khá nhịp nhàng trong công tác chuẩn bị bầu cử. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng cho biết thêm, theo đề nghị của nhiều địa phương, Hội đồng Bầu cử đã cân nhắc, quyết định bổ sung thêm kinh phí cho công tác chuẩn bị và tổ chức bầu cử cho các địa phương.

Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, trong thời gian tới công tác tuyên truyền cần được tăng cường theo hướng hết sức cụ thể để tránh tình trạng bầu hộ, bầu cho xong… ảnh hưởng đến chất lượng bầu cử. Cùng quan điểm này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhận xét: “Công tác tuyên truyền cho bầu cử ĐBQH cơ bản là tốt, nhưng tuyên truyền về bầu cử HĐND, nhất là cấp huyện, xã dường như chưa tới”.

Trong danh sách người ứng cử, cơ cấu đại biểu là dân tộc thiểu số, là nữ giới đều thấp, ngay cả đối với ứng cử viên HĐND các cấp ở các tỉnh Tây Nguyên. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc lo lắng: “Tỷ lệ đại biểu dân tộc thiểu số, đại biểu nữ trong danh sách người ứng cử đã thấp rồi thì khi bầu cử xong có thể còn thấp hơn. Danh sách đã “chốt” rồi, không thay đổi được nữa, nhưng khi vận động bầu cử rất nên chú ý điều này”.
 
Chủ tịch UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm, Chủ nhiệm UB Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Lê Quang Bình cũng đặc biệt quan tâm đến thực tế này và nhấn mạnh, công tác chuẩn bị nhân sự là một nhiệm vụ cần tiếp tục làm tốt hơn nữa về lâu về dài.

Bên cạnh đó, ông Lê Quang Bình khuyến nghị các cơ quan bầu cử quan tâm giải quyết tốt công tác khiếu nại tố cáo, không để hình thành các “điểm nóng”.

A.THƯ

- So với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, lần bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII có cơ cấu tái cử đạt tỷ cao hơn. Các cơ cấu khác là phụ nữ, dân tộc thiểu số, ngoài Đảng, trẻ tuổi có tỷ lệ thấp hơn. Chất lượng ứng cử viên cao hơn, có 305 người có trình độ trên Đại học, đạt tỷ lệ 36,75% (so với 28,65% của bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII).

- Tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được bầu của 63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương là 3.832 đại biểu, cấp huyện là 21.131 đại biểu, cấp xã là 281.491 đại biểu.

Tin cùng chuyên mục