Đường bờ biển dài, nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng trong nước và quốc tế… là hàng loạt điểm cộng cho du lịch biển đảo Việt Nam. Thống kê của một công ty chuyên nghiên cứu thị trường cho thấy, khoảng 70% du khách quốc tế đến nước ta chọn tour biển đảo. Đối với thị trường trong nước, dù còn hơn 3 tháng nữa mới hết năm 2016, nhưng nhiều tour du lịch đầu năm 2017 đã nhận đặt chỗ và gần kín lịch.
“Nóng” tour tự thiết kế
Ngoài các tour tuyến được lên lịch trình sẵn, du khách có xu hướng tự thiết kế hoặc nhờ các công ty lữ hành thiết kế tour riêng cho nhóm hoặc đoàn của mình, nhưng vẫn đảm bảo chuyến hành trình vui, bổ ích. Trao đổi với một số công ty du lịch, lữ hành tên tuổi tại TPHCM, lãnh đạo các đơn vị này cho biết, tuy gọi là thiết kế tour riêng nhưng giá cũng ngang với các tour thông thường trong trường hợp khách vẫn đặt mua tour từ công ty. Công ty hạn chế nhận thiết kế tour riêng biệt, trừ trường hợp đó là khách đoàn lớn. Hiện tại, tour du lịch Phú Quốc (Kiên Giang) 3 ngày 2 đêm, giá khoảng 4 triệu đồng/người (máy bay khứ hồi giá rẻ). Tại đây, khách được tham quan các địa điểm như lò chế biến rượu sim, Dinh Cậu, thiền viện Trúc Lâm Hộ Quốc, nhà tù Phú Quốc, tắm biển tại bãi Sao… Ngoài ra, du khách cũng có thể khám phá vẻ đẹp thiên tạo, lung linh của Phú Quốc bằng dịch vụ thuê xe máy.
Anh Mai Xuân Trương, ngụ tại Bà Hạt, quận 10, vừa lên kế hoạch đưa cả gia đình 7 người đi du lịch Phú Quốc vào giữa tháng 1-2017. Vợ chồng anh đã đặt vé máy bay khứ hồi hết 9 triệu đồng. “Cả gia đình cùng đi nên tiền ăn uống, nghỉ ngơi cũng không quá đắt. Nhẩm tính, vé máy bay, tiền vui chơi, câu mực, vé tham quan Vinpearl … hết tổng cộng hơn 26 triệu đồng. Nếu so với giá tour lữ hành, giá này không rẻ hơn, nhưng bù lại gia đình có thể đủng đỉnh tham quan, không phải đua theo lịch trình tour nên đỡ mệt, chủ động thời gian”. Ngoài các địa điểm du lịch khám phá đảo xanh đầy hoang sơ kỳ bí của phương Nam, du khách còn có thể tìm đến những danh lam thắng cảnh ở miền Trung như Nha Trang (Khánh Hòa), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)… Cứ nhìn cảnh người dân rồng rắn, đặt kín tour ra thăm đảo Lý Sơn thời gian gần đây đủ thấy sức nóng của những điểm du lịch đầy hoang sơ nhưng quyến rũ, níu chân người này. Một công ty du lịch tại quận 1 chia sẻ, tính đến ngày 26-9, công ty đã nhận đặt tour cho hàng chục đoàn đi du lịch biển đảo đầu năm 2017, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2015.
Du khách tắm biển tại đảo Bình Ba (Cam Ranh, Khánh Hòa)
Theo ông Bùi Bá Thanh Phương, Giám đốc Công ty Du lịch Nắng và Gió (TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), nhận định, thời gian qua nhiều địa phương đã quan tâm đầu tư phát triển cho loại hình du lịch biển đảo như lặn biển, khám phá hệ sinh thái biển, lướt sóng, thuyền buồm, dự lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại đảo Lý Sơn… Rõ ràng, đây là một trong những cách khai thác, giữ gìn, tôn tạo giá trị văn hóa lịch sử cũng như vẻ đẹp biển đảo quê hương đầy hiệu quả, thiết thực.
Nâng chất lượng dịch vụ
Cách đây 3 năm, Bộ VH-TT-DL đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch biển đảo và vùng ven biển đến năm 2020. Trong đó, nhấn mạnh vào các điểm chính, gồm: Phát triển du lịch biển nhanh và bền vững; ưu tiên phát triển du lịch biển chất lượng cao; phát triển du lịch biển gắn với mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng; phát triển du lịch biển cần đặt trong quan hệ phát triển tổng thể chung về kinh tế, xã hội. Theo một khảo sát của Bộ VH-TT-DL, nhìn chung, khách du lịch hiện nay có xu hướng tự thân trải nghiệm, tìm hiểu các vùng miền, địa phương, hải đảo… Họ tự trang bị kiến thức, nâng tầm hiểu biết của mình kết hợp với nguồn thông tin đồ sộ trên các thiết bị điện tử thông minh để khám phá nhiều vùng miền. Do vậy, nếu không chủ động nâng chất lượng phục vụ, đưa ra các mức giá tour cạnh tranh thì các công ty lữ hành rất khó trụ vững trong thời buổi kinh doanh đầy khốc liệt này.
Ông Lê Đình Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, nhìn nhận, nước ta có rừng vàng biển bạc, được ca ngợi mãi rồi và ai cũng biết điều đó. Thế nhưng suốt thời gian qua, dường như chúng ta vẫn đắm đuối “ăn” sẵn những gì thiên nhiên ban tặng mà chưa biết cách để khai thác du lịch biển đảo sao cho hiệu quả. Chẳng hạn, ở vùng đất phương Nam, Phú Quốc và Côn Đảo được mệnh danh là những viên ngọc bích lung linh. Thậm chí, Phú Quốc còn được kỳ vọng sẽ phát triển thành một Singapore trong tương lai. Tuy vậy, nếu quan sát kỹ, du khách sẽ phát hiện ra hàng loạt hạt sạn, đã và đang có nguy cơ làm nhạt nhòa vẻ đẹp của nơi này. Ví dụ, các tòa nhà cao tầng, khách sạn mọc san sát nhau, che mất tầm nhìn ra biển… Điều này cho thấy công tác khai thác, quản lý; chiến lược quy hoạch, phát triển du lịch biển đảo cần tầm nhìn xa, rộng nhưng phải có chiều sâu. Quy hoạch vững bền, dài hơi chứ không thể ăn vội được.
“Nếu không quy hoạch tốt, thời gian tới khi nhìn lại chúng ta sẽ thấy mình thua xa các nước bạn xung quanh. Thậm chí thua cả quốc gia không có biển đảo”, ông Lê Đình Chiến trăn trở.
THI HỒNG