Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động vẫn còn tình trạng “luật khung”, “luật ống”

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, dự thảo Luật Cảnh sát cơ động vẫn còn tình trạng "luật khung", "luật ống" khi vẫn có 3 nội dung giao cho Chính phủ quy định, 9 nội dung giao cho Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp

Tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 2, ngày 8-10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã tổ chức thẩm tra dự án Luật Cảnh sát cơ động. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự họp và phát biểu chỉ đạo. Dự án Luật Cảnh sát cơ động đã được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 3 (tháng 9 vừa qua). Hồ sơ dự án Luật đã được hoàn thiện thêm một bước.

Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động vẫn còn tình trạng “luật khung”, “luật ống” ảnh 1 Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cụ thể hóa nhiều nội dung trong dự thảo Luật 

Tại phiên họp, trình bày dự thảo Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát cơ động nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, “ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng”, trong đó có lực lượng cảnh sát cơ động. Đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập sau 7 năm thực hiện Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ góp phần xây dựng cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới.

Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động vẫn còn tình trạng “luật khung”, “luật ống” ảnh 2 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức trình bày dự thảo Báo cáo thẩm tra dự án Luật
Về nguyên tắc hoạt động của cảnh sát cơ động (Điều 4), Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản tán thành với nội dung quy định tại dự thảo Luật vì phù hợp nguyên tắc hoạt động của lực lượng Công an nhân dân, trong đó có lực lượng cảnh sát cơ động. Tuy nhiên, còn có ý kiến đề nghị nghiên cứu để thể hiện rõ nguyên tắc chấp hành mệnh lệnh trong lực lượng vũ trang; chấp hành kỷ luật, nghiêm minh, tuyệt đối phục tùng và triệt để thi hành mệnh lệnh cấp trên; nguyên tắc cấp dưới phục tùng cấp trên, địa phương phục tùng Trung ương, không ghi chung chung như quy định tại Khoản 5 “bảo đảm sự chỉ huy, chỉ đạo tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương” như quy định tại dự thảo Luật.

Một số ý kiến đề nghị nội dung quy định về kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm cho cảnh sát cơ động tại Điều 20 của dự thảo Luật cần bám sát các quy định liên quan tại Luật Công an nhân dân. Đáng lưu ý, có ý kiến đề nghị tại Điều 28 cân nhắc bỏ nội dung “thực hiện chính sách về nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động theo quy định của pháp luật”…

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động của Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng như Ban soạn thảo. Tuy nhiên, theo Thượng tướng Trần Quang Phương, dự thảo Luật vẫn còn tình trạng "luật khung", "luật ống" khi vẫn có 3 nội dung giao cho Chính phủ quy định, 9 nội dung giao cho Bộ trưởng Bộ Công an quy định (tổng cộng 12/31 điều). “Những vấn đề đã rõ, đã chín, được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng và nếu dễ làm, dễ thực hiện, dễ hiểu thì quy định ngay trong Luật”, ông nói.

Nhất trí về cơ bản với dự thảo Luật về vị trí, chức năng của cảnh sát cơ động, song Phó Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý đến quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát cơ động. Theo ông, mặc dù Ban soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội song vẫn cần rà soát, chỉnh sửa dự thảo để tránh mâu thuẫn, chồng chéo ngay trong các lực lượng công an như cảnh vệ, cảnh sát bảo vệ, cảnh sát thi hành án hình sự, hỗ trợ tư pháp, lực lượng quân đội như biên phòng, cảnh sát biển…

Tin cùng chuyên mục