Kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống lực lượng văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra (31-12-1951 - 31-12-2016)
Rạng sáng 22-8-2003, các tổ công tác với các trinh sát, cảnh sát đặc nhiệm, cảnh sát cơ động... chia thành 4 mũi áp sát một nông trại ở xã Xuân Tân, huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai - nơi được xác định là hang ổ của Phạm Văn Hạnh (tức Hạnh “Cầm”), tội phạm nguy hiểm bị truy nã và là một trong những “ông trùm” khét tiếng của đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia có quy mô đặc biệt lớn.
Vì thành phố bình yên
Đánh hơi có người lạ, con chó trong nhà cất tiếng sủa. Không chần chừ, các tổ công tác lập tức tấn công vào các mục tiêu theo kế hoạch. Dù chống cự quyết liệt, Hạnh “Cầm” vẫn nhanh chóng bị lực lượng công an khống chế. Khám xét nơi ở của Hạnh “Cầm”, ngoài số lượng lớn ma túy chưa kịp tiêu thụ và những chứng cứ liên quan đến hành vi phạm tội, tổ công tác còn thu giữ 1 hộ chiếu giả, 2 CMND giả, 1 giấy phép lái xe giả và 1 sổ hộ khẩu giả. Đây là những thứ Hạnh “Cầm” dùng để thay đổi thân phận thành người khác thêm một lần nữa, như cách hắn đã làm để lẩn trốn nhiều năm qua.
Với việc bắt giữ Hạnh “Cầm”, Công an TPHCM đã xóa sổ đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia có quy mô lớn nhất nước, tính đến thời điểm bấy giờ; bởi trước đó vài giờ, đồng loạt các “ông trùm” khác của đường dây như Nguyễn Văn Hải (tức Hải “Luận”), Trần Văn Lệ (Lệ “Mập”), Nguyễn Viết Dũng (Dũng “Lừng”) cũng đã tra tay vào còng. Mang trên mình lệnh truy nã đặc biệt (riêng Lệ “Mập” từng là Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy - Công an huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) nên các đối tượng cầm đầu tổ chức đường dây mua bán ma túy rất chặt chẽ, tinh vi, sẵn sàng dùng “hàng nóng” chống trả lực lượng chức năng, tử thủ nếu bị vây bắt. Cho đến lúc bị triệt phá, đường dây này là “nhà phân phối” chính heroin từ miền Trung vào các tỉnh phía Nam. Kết thúc chuyên án, Công an TPHCM bắt tạm giam 29 đối tượng, thu giữ 38,426kg heroin, 101 viên ecstasy; 6 bộ khuôn ép heroin, 10 mặt nạ; 5 khẩu súng ngắn, 66 viên đạn, 3 nòng giảm thanh, 2 lựu đạn; 6 xe hơi cùng số lượng lớn tiền mặt và nhiều tài sản có giá trị khác. Tổng cộng đường dây này đã đưa vào Việt Nam tiêu thụ 2.354 bánh heroin (tương đương hơn 820kg). Tại phiên xử vào tháng 5-2005, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM đã tuyên án tử hình đối với 4 “ông trùm” cùng 12 đàn em; 9 án tù chung thân đối với các bị cáo khác.
Cuộc đấu trí, đấu lực với những đối tượng nguy hiểm, hung hãn thành công đã khẳng định bản lĩnh, ghi thêm dấu son vào thành tích của cán bộ - chiến sĩ Công an TPHCM (trong đó có lực lượng điều tra viên), góp phần bảo vệ sự bình yên cho thành phố.
Ông Nguyễn Văn Khỏe bị bắt giam khi đang đương chức Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn
Không khoan nhượng tội phạm tham nhũng
|
Cuối năm 2004, thực hiện mô hình mới theo Pháp lệnh điều tra hình sự 2004, các đội điều tra án được chuyển về các Phòng Cảnh sát Hình sự, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Phòng Cảnh sát Ma túy. Dù vậy, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an TPHCM, các điều tra viên và cán bộ điều tra vẫn tiếp tục phối hợp chặt chẽ để khám phá, khởi tố nhiều vụ án lớn. Đặc biệt, lực lượng điều tra của Công an TPHCM có thể xem như tiên phong trong đấu tranh với tội phạm tham nhũng. Điển hình là “vụ án Gò Môn”. Quá trình điều tra xác định Trần Kim Long, lúc bấy giờ đang giữ chức Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, ký duyệt để hợp thức hóa việc sang nhượng trái pháp luật hơn 11ha đất tại phường 12 quận Gò Vấp, tạo điều kiện để “cò đất” Phạm Thị Tuyết Lan nâng giá đất để chiếm đoạt tiền của Công ty Xây dựng Gò Vấp (sau đổi tên là Công ty Địa ốc Gò Môn, nay là Công ty cổ phần Địa ốc 6), qua đó được “lại quả” 540 triệu đồng; chỉ đạo đưa tiền “chạy án” tổng cộng 30.000 USD và 20 triệu đồng để vụ việc không bị thanh tra, xử lý hình sự; từ năm 1996 đến cuối năm 2004, lợi dụng chức vụ của mình để buộc Giám đốc Công ty Xây dựng Gò Vấp thanh toán cước phí điện thoại di động hơn 131 triệu đồng. Tháng 10-2005, Trần Kim Long bị bắt. Dù biết việc chuyển nhượng đất đai trái pháp luật đang diễn ra, nhưng chẳng những không ngăn chặn mà còn lợi dung việc này để khống chế, buộc những người sai phạm phải “trả ơn” 800 triệu đồng, Nguyễn Văn Tính cũng bị bắt khi đang giữ chức Bí thư Quận ủy quận Gò Vấp. “Vụ án Gò Môn” trở thành một trong những vụ án về tham nhũng lớn đầu tiên của Công an TPHCM, có tính chất điển hình của cả nước trên mặt trận đấu tranh chống tham nhũng.
Niềm tin nơi người dân vào sự công minh của pháp luật đối với cán bộ đương chức phạm tội, càng được củng cố khi Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TPHCM khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Văn Khỏe, vào thời điểm năm 2007 khi đang là Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn. Nhận tiền hối lộ 1,4 tỷ đồng, mượn tiền và nhận tiền, quà của Trần Thị Hà (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng, thương mại và kinh doanh nhà Thành Phát) và Hà Văn Hòa (chồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Công ty Thành Phát) 830 triệu đồng, 10.000 USD và 1/2 sừng tê giác trị giá 10.000 USD, Nguyễn Văn Khỏe đã tạo điều kiện cho vợ chồng Hà - Hòa lập giả hồ sơ để Công ty Thành Phát được UBND TPHCM cho chuyển mục đích sử dụng 72.000m2 đất đầu tư dự án cụm dân cư tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. Hành vi của Nguyễn Văn Khỏe đã giúp sức cho Trần Thị Hà vay tiền, lừa đảo chiếm đoạt hơn 10,5 tỷ đồng của chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Chợ Lớn; kéo theo giám đốc chi nhánh này cũng bị khởi tố, xử lý hình sự. Vụ án trên một lần nữa chứng minh năng lực và bản lĩnh của lực lượng điều tra viên Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TPHCM, quyết tâm không để cán bộ đương chức tiêu cực, phạm tội nào là không thể bị phát hiện và xử lý.
Điều tra nhanh, dân yên lòng
Chiều 29-10-2002, tại Trung tâm Thương mại quốc tế Sài Gòn (ITC) xảy ra vụ cháy kinh hoàng, gây hậu quả nghiêm trọng khi có tới 60 người tử vong. Có thể nói, đây là vụ cháy cao ốc gây thiệt hại nhân mạng lớn nhất từ trước đến nay. Nhiều nguyên nhân được đồn đoán, trong đó có giả thiết khủng bố tại trung tâm TPHCM, gây hoang mang dư luận. Xác định phải nhanh chóng tìm ra nguyên nhân vụ cháy để trả lời trước Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, các điều tra viên, giám định viên kỹ thuật hình sự của Công an TPHCM cùng nhóm chuyên gia cháy nổ - giám định viên của Phân viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an đóng tại TPHCM hầu như không chợp mắt suốt 2 ngày đêm, xem xét kỹ từng ngóc ngách tại hiện trường, từng vết lửa táp, từng đám tro bụi, từng dây điện bị cháy... Đến chiều 31-10-2002, “chân dung bà hỏa” trong vụ cháy đã được khẳng định: xuất phát điểm vụ cháy là vũ trường Blue nằm ở tầng 2 tòa nhà ITC; nguyên nhân gây cháy là trong quá trình hàn điện tại vũ trường, các tia lửa hàn nhiệt độ cao hơn 1.000oC bắt vào vật liệu cách âm gây ra ngọn lửa không kiểm soát được. Kết luận này đã xóa bỏ đồn đoán về một vụ khủng bố, tạo sự yên lòng cho người dân. Và cũng chỉ trong một thời gian ngắn, cơ quan điều tra đã tổ chức nhận dạng, giám định và giao trả những người bị thiệt mạng về cho gia đình an táng, qua đó phần nào an ủi gia đình nạn nhân.
TPHCM là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội lớn trong cả nước, cũng là “vùng trũng” cho tội phạm kéo về nương náu, hoạt động. Để giữ cho thành phố bình yên, rất nhiều mồ hôi và xương máu của cán bộ - chiến sĩ Công an TPHCM đã đổ ra trên nhiều trận tuyến; trong đó có lực lượng điều tra viên để đưa tội phạm ra trước ánh sáng, chịu sự trừng trị của pháp luật. Phần thưởng cao quý nhất dành cho sự hy sinh thầm lặng đó là niềm tin yêu, trân trọng của người dân thành phố.
| |
ÁI CHÂN