Đưa vật liệu xây dựng “xanh” vào công trình xây dựng: Cần cơ chế đồng bộ

Đưa vật liệu xây dựng “xanh” vào công trình xây dựng: Cần cơ chế đồng bộ

Ông Phan Đức Nhạn

Ông Phan Đức Nhạn

Kiến trúc xanh là xu hướng phát triển tất yếu của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, tuy nhiên điều kiện để thực hiện còn khá nhiều cản ngại. Một trong những cản ngại là do ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng vẫn chưa được tạo điều kiện phát triển đúng mức; thị trường VLXD “xanh” vẫn chưa đa dạng và đặc biệt chưa có nhiều sản phẩm giá rẻ, phục vụ cho nhu cầu xây dựng công trình xanh...

Nhận định về vấn đề này, ông Phan Đức Nhạn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho rằng, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đã đặt ra cho nhà quản lý, nhà thiết kế nhiều bài toán về kiến trúc, xây dựng và chủng loại VLXD trong công trình.

Tuy nhiên, để giải quyết bài toán về kiến trúc xanh, VLXD “xanh”, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường đòi hỏi phải có thời gian và một cơ chế chính sách đồng bộ. Quy hoạch phát triển đô thị, quy định về thiết kế công trình xanh sẽ tạo tiền đề cho công nghệ sản xuất VLXD “xanh” và việc tăng sản lượng sản xuất sẽ làm hạ giá thành sản phẩm.

Ngoài ra, cần thời gian để tuyên truyền và định hướng sử dụng loại VLXD phù hợp với khí hậu và thời tiết của Việt Nam. VLXD xanh ở nước ngoài đang du nhập vào Việt Nam nhưng chưa được sử dụng nhiều vì những khác biệt về điều kiện thời tiết, khí hậu. Hơn nữa, việc sử dụng loại VLXD mới thay thế những VLXD truyền thống xưa nay là một quá trình thay đổi suy nghĩ của người sử dụng, không thể một sớm chiều là có thể phát huy được.

- PV: Xin ông cho biết quy hoạch phát triển VLXD TP đến năm 2020 tại TPHCM và việc triển khai thực hiện quy hoạch này hiện nay như thế nào?

Ông Phan Đức Nhạn: Theo quy hoạch phát triển VLXD TP đến năm 2020, TP định hướng phát triển VLXD không nung để thay thế gạch đất sét nung truyền thống. Ngoài ra, TP cũng định hướng sản xuất VLXD tại Khu công nghiệp Hiệp Phước huyện Nhà Bè, Khu công nghiệp Đông Nam huyện Củ Chi, Khu công nghiệp Phong Phú huyện Bình Chánh; chỉ đạo các ngành và quận, huyện rà soát lại các cơ sở sản xuất VLXD trên địa bàn TP để có kế hoạch di dời vào các khu công nghiệp hoặc các vùng lân cận; xây dựng và ban hành các tiêu chí để đánh giá tình hình công nghệ sản xuất VLXD làm cơ sở thẩm định và phê duyệt khi chủ đầu xây dựng dự án VLXD theo quy hoạch.

Từ định hướng trên, với nỗ lực của các sở - ngành và địa phương, từ năm 2011, các lò gạch thủ công đã được xóa bỏ hoàn toàn trên địa bàn TP. Hiện Sở Xây dựng đang tiến hành xây dựng kế hoạch làm việc với 7 tỉnh lân cận như Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tiền Giang để trao đổi tìm nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất VLXD cao cấp, tạo điều kiện để DN của TP tham gia đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất VLXD tại các địa phương này.

Giá thành vật liệu xây dựng “xanh” còn cao, chưa khuyến khích chủ đầu tư đưa vào công trình (Ảnh: KS Rex - một trong những “tòa nhà xanh” tại TPHCM). Ảnh: Huy Anh

Giá thành vật liệu xây dựng “xanh” còn cao, chưa khuyến khích chủ đầu tư đưa vào công trình (Ảnh: KS Rex - một trong những “tòa nhà xanh” tại TPHCM). Ảnh: Huy Anh

- Chính phủ quy định, từ năm 2011, các công trình vốn ngân sách phải sử dụng gạch xây không nung để bảo vệ môi trường. Quy định này được triển khai tại TPHCM như thế nào, thưa ông?

VLXD “xanh” được người tiêu dùng quan tâm trong việc sử dụng nhằm bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, việc sử dụng các loại VLXD “xanh” trong các công trình xây dựng, nhất là các công trình có nguồn vốn ngân sách gặp nhiều vướng mắc.

Cụ thể, về phía chủ đầu tư (CĐT): các công trình vốn ngân sách thông thường được thẩm định và phê duyệt dựa trên suất đầu tư của Bộ Xây dựng ban hành. Suất đầu tư này được xây dựng trên mặt bằng chung các VLXD thông thường, vì vậy việc thay đổi chủng loại VLXD “xanh” là điều mong muốn nhưng để thực hiện được cần phải có các quy định để thuyết phục CĐT khi sử dụng, nhất là không bị khiếm khuyết trong quá trình thanh tra kiểm tra về quản lý đầu tư xây dựng.

Đối với nhà tư vấn: để thuyết phục được CĐT sử dụng VLXD này, kiến trúc sư phải có đủ thông tin từ lợi ích về môi trường, về giá cả, về thời gian sử dụng để CĐT có cơ sở chọn lựa. Tuy nhiên, khi tư vấn chọn các loại VLXD “xanh” thì giá thành sẽ tăng lên nên ít được các nhà đầu tư lựa chọn. Chính vì thế, mặc dù QĐ 567/QĐ-TTg của Chính phủ quy định các công trình nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên) sử dụng tối thiểu 30% VLXD không nung loại nhẹ trong tổng số VLXD nhưng hiện nay VLXD “xanh” phần lớn chỉ được sử dụng trong các công trình có nguồn vốn tư nhân, các công trình xây dựng có nguồn vốn từ ngân sách tại TPHCM chỉ chiếm một lượng nhỏ không đáng kể.

- Hiện các công trình vốn ngân sách vẫn chưa thực hiện được quy định này là do thiếu cơ chế?

Giá thành là một trong những lý do khiến nhiều CĐT ngại sử dụng VLXD “xanh” trong công trình xây dựng. Chính vì thế để thực hiện việc này, TPHCM đã có những cơ chế ưu đãi về sản xuất và tiêu thụ VLXD không nung như miễn thuế nhập khẩu vật tư, thiết bị và miễn, giảm thuế thu nhập DN cho các dự án chế tạo thiết bị sản xuất VLXD “xanh”; cho vay lãi suất thấp hoặc không lấy lãi đối với dự án sản xuất thử nghiệm nhằm hoàn thiện công nghệ chế tạo thiết bị hiện đại với chi phí thấp thay thế nhập khẩu; hỗ trợ 50% lãi vay cho các dự án đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ cho các ngành sản xuất VLXD mới...

Tuy nhiên, ngoài những cơ chế trên cần phải kiện toàn lại hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của VLXD không nung trong công tác thiết kế, thi công và nghiệm thu vì đây là điều kiện cần thiết để có cơ sở pháp lý buộc các CĐT phải sử dụng loại VLXD này vào công trình. Song song đó, cần phải có những biện pháp chế tài CĐT khi không tuân thủ quy định sử dụng VLXD không nung trong khi hiện nay vẫn chưa có văn bản pháp luật nào quy định về việc này. Vấn đề trên UBND TP đã có văn bản kiến nghị với Bộ Xây dựng.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Huy

Tin cùng chuyên mục