Theo các chuyên gia y tế, một trong những nguyên nhân chính khiến “căn bệnh thế kỷ” này gia tăng có liên quan tới thực phẩm bẩn và hầu như bất cứ loại thực phẩm nào hiện nay cũng có thể gây ngộ độc và tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh ung thư. Hiểm họa đang tiềm ẩn trên từng mâm cơm của mỗi gia đình, cảnh miếng ăn - miếng lo đã và đang đe dọa sức khỏe, tính mạng của cả cộng đồng và ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi.
Thực tế cho thấy, nhiều cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh thực phẩm lợi dụng nhu cầu tiêu thụ dịp cuối năm tăng cao mà trà trộn những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc; thực phẩm nhập lậu, thực phẩm có chất phụ gia, chất bảo quản không đúng quy định trong danh mục cho phép; thực phẩm ôi thiu, mốc hỏng, quá hạn sử dụng để cung cấp cho người tiêu dùng.
Rất nhiều loại hàng hóa không có nguồn gốc, hạn sử dụng không rõ ràng, một số loại thịt gia cầm làm sẵn, thịt heo và nội tạng động vật được tẩm hóa chất đóng trong các thùng xốp đã bốc mùi hôi thối. Bằng nhiều cách, các loại thực phẩm bẩn đã đến nhà hàng, bàn ăn của nhiều gia đình. Chỉ vì lợi nhuận, nhiều người bị đồng tiền làm mờ mắt, khi họ bất chấp tất cả, kể cả việc làm hại cộng đồng. Đó là tội ác, là hệ quả của việc thượng tôn pháp luật chưa thực sự được coi trọng.
Thậm chí, người đứng đầu Ban Quản lý ATTP TPHCM, bà Phạm Khánh Phong Lan, phải nhìn nhận, việc quản lý ATTP hiện nay mới chỉ xử lý được “phần ngọn”, tức là chỉ kiểm tra, tịch thu, tiêu hủy, xử phạt… trong khi gốc rễ vấn đề là phải có được thực phẩm sạch đến người tiêu dùng và xây dựng nhận thức cộng đồng, chung tay ủng hộ thực phẩm sạch, biết cách tự bảo vệ chính mình. Chính quyền địa phương và người dân lại không thể chỉ trông chờ vào sự tự giác của người sản xuất và kinh doanh thực phẩm để rồi thờ ơ với những hành vi sai phạm, mà cần có hành động mạnh mẽ bảo vệ bản thân và giống nòi.
Trước thực trạng đó, để đảm bảo ATTP cho người dân, UBND TPHCM vừa có văn bản gửi Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính về đề xuất dự án thực phẩm nông nghiệp an toàn TPHCM giai đoạn 2021-2026, trong đó tập trung tại các quận nội thành và huyện ngoại thành như Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ. Dự án với tổng mức đầu tư dự kiến gần 841 tỷ đồng, nhằm cải thiện hệ thống và cơ sở hạ tầng về quản lý ATTP, giảm thiểu nguy cơ ATTP, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng, sản lượng trong chuỗi giá trị phát triển bền vững trên địa bàn TPHCM, hướng tới mục tiêu xuất khẩu. HĐND TPHCM đang có chương trình giám sát ATTP trước Tết Tân Sửu từ nhiều ngày qua, từ các chợ đầu mối của thành phố đến các quận huyện.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho xã hội ở mọi nơi mọi lúc, chỉ quyết tâm thôi chưa đủ. Được dùng thực phẩm sạch, an toàn phải trở thành hiện thực trong tương lai gần. Toàn xã hội phải nói không với tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh. Các ngành chức năng phải ngăn chặn triệt để tình hình buôn lậu thực phẩm qua biên giới, quản lý chặt việc quảng cáo, bán những thực phẩm, nhất là thực phẩm chức năng, không để vàng thau lẫn lộn và xử lý thật nghiêm các cơ sở vi phạm.
Cùng với đó, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng CNTT trong công tác quản lý ATTP và huy động xã hội cùng chia sẻ thông tin về những loại thực phẩm, cửa hàng sạch an toàn; phát hiện vi phạm các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn. Việc xử lý những sai phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm phải thực hiện kiên quyết và triệt để, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa”. Đã đến lúc phải coi hành vi buôn bán, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ thực phẩm bẩn là tội ác. Những vi phạm nghiêm trọng phải được xử lý thích đáng, thậm chí truy tố trước pháp luật.