Én nhỏ kiên cường

Khi bong bóng chưa bay đã nổ...
Én nhỏ kiên cường

“Chị Yến đi học kìa”. Trẻ con khu phố 12 phường 10 quận Gò Vấp thường vẫy tay chào cô gái có gương mặt xinh xắn ngồi trên xe lăn, dù ngày mưa hay ngày nắng, cô vẫn đều đặn đến trường. Nụ cười tươi luôn nở trên môi nhưng Nguyễn Thị Hoàng Yến rất kiệm lời khi nói về mình, ngay cả khi Yến vừa trúng tuyển vào khoa Kinh tế, Đại học Quốc gia TPHCM. Chỉ những trang nhật ký thầm lặng – mà chúng tôi lược trích dưới đây – đã chứng kiến nỗ lực của Yến và cả gia đình quyết không đầu hàng nghịch cảnh.

Khi bong bóng chưa bay đã nổ...

18 tuổi, mình tràn trề mơ ước như quả bong bóng căng tròn chỉ chờ ngày bay cao trên bầu trời lộng gió. Học xong lớp 12, thi vào đại học sẽ là khởi điểm để mình thực hiện kế hoạch trở thành nhà ngoại giao. Vậy mà sáng 29 tết lại là dấu chấm hết cho ước mơ đi đây đi đó.

Én nhỏ kiên cường ảnh 1

Nụ cười lạc quan luôn nở trên môi Hoàng Yến.

Bệnh đến lặng lẽ, không hề có một triệu chứng báo trước. Mình đau lưng dữ dội, mẹ liền chở mình đi khám ở Trung tâm y tế quận 4. Vào phòng cấp cứu được ít phút, mình thấy khó thở và 2 chân mất dần cảm giác. Mẹ hoảng sợ đến tê cứng người, cả dòng họ mình chưa ai bị như thế này. Bác sĩ đến khám còn tưởng mình mè nheo nhõng nhẽo vì cơ thể không bị chấn thương ở đâu, lưng không có vết bầm hay trầy xước nào mà sao không thể đứng lên. Mẹ dìu mình đứng dậy nhưng chân mình lại bị sụm xuống. Trung tâm y tế quận lập tức chuyển mình qua cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bác sĩ chụp hình MRI, kết luận mình bị máu tụ ngoài màng tủy. Sau ca mổ, hy vọng tắt lịm và hồ sơ bệnh án ghi rõ, mình bị tổn thương tủy từ thắt lưng trở xuống chân. Bác sĩ kêu mẹ ra nói nhỏ: Phải theo sát bệnh nhân, sợ cháu buồn đưa đến quẫn trí tự tử.

Mình nghe tiếng mẹ thảng thốt: “Cả cuộc đời con của mẹ phải gắn chặt với chiếc xe lăn hay sao?”. Mình cố lạc quan và động viên lại cả nhà: “Buồn không giúp được gì, không làm con đứng dậy được đâu. Mẹ phải giữ sức khỏe. Mẹ bệnh, con không  lo cho mẹ được. Con còn đôi bàn tay và  cái đầu lành lặn mà”. Nói vậy cho mẹ yên tâm chứ tận đáy lòng, mình biết, những ngày sắp tới sẽ nhiều chông gai và dông bão. Nếu số phận của mình là như thế, mình quyết sẽ không đầu hàng.  

Bao giờ trở lại ngày xưa ấy?

Đứa trẻ khi đã cứng cáp có thể tập đứng, tập đi. Còn mình, hành  trình khổ luyện nhọc nhằn đến mấy cũng chỉ dừng lại ở chỗ tập ngồi cho vững, ngồi cho thẳng. Mình chưa thể đứng chống nạng, muốn leo lên ngồi trên xe lăn cũng cần phải có người dìu, người đỡ. Chuyện vệ sinh cá nhân phải có người giúp. 3 năm điều trị chưa thấy dấu hiệu khả quan, nơi nào nghe có thầy hay là mẹ đưa mình đến.

Vì khoản nợ ngập đầu, mẹ phải bán nhà mà chân mình cũng chẳng động đậy được. Có lần mình ăn súp, nước canh đổ vào chân làm da đỏ ửng lên, thế mà mình chẳng có cảm giác gì, chỉ có mẹ là đau xót, quay mặt đi chùi vội mấy giọt nước mắt vừa trào ra. Biết đến bao giờ mới trở lại ngày xưa ấy? Lâu lâu, mình lại mơ những giấc mơ huyền ảo, mình có thể chạy nhảy tung tăng trên chính đôi chân của mình.

Điều trị bệnh là cả quá trình, không thể nôn nóng, mình chỉ sốt ruột vì chưa được đi học. Có tấm bằng trong tay, mình sẽ kiếm sống, đỡ đần chút ít chi phí thuốc men giúp mẹ. Mẹ khuyên mình hãy ráng điều trị cho tốt, việc học là cả đời và mẹ sẽ giúp mình thực hiện mơ ước của mình. Còn một lý do tế nhị là tìm đâu ra ngôi trường không có lầu để mình di chuyển xe lăn dễ dàng? Nhưng mình đã bỏ lỡ 3 năm, bạn bè cùng lứa sắp tốt nghiệp đại học gần hết. Rồi chị Hai vì nuôi bệnh cho mình mà tạm ngưng đại học đến 2 năm. Chị Hai đi khắp nơi để tìm chỗ học giúp mình thực hiện mơ ước được trở lại trường. 

Có công tìm kiếm rồi cũng ra. Trung tâm Giáo dục thường xuyên Gò Vấp thích hợp với hoàn cảnh của mình. Nhưng điều bất tiện là quận Gò Vấp với  quận 4 – nơi mình cư ngụ – giống như ở hai đầu nỗi nhớ. Mình thuyết phục mẹ xin được tự lập bằng cách đi ở trọ. Mẹ sửng sốt và không dám mạo hiểm để 2 chị em ở quá xa nhà. Mình đã quyết tâm thì sẽ học được. Ngày còn bé, một lần đi ngang Trường THCS Vân Đồn, mình thấy thích ngôi trường này và khẳng định với mẹ: “Con nhất định sẽ vào trường này”. THCS Vân Đồn thuở ấy chỉ tuyển học sinh giỏi từ lớp 4 qua một kỳ thi đầu vào và mình đã thực hiện được mong ước. Lên cấp 3, mình cũng đã học hành chăm chỉ để thi đậu vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong...

Bây giờ, mỗi ngày, mình chào ông mặt trời lúc 4 giờ 30 sáng để tập vật lý trị liệu. Đến 6 giờ 30, chị Hai đẩy xe đưa mình đến lớp. Đúng là không dễ dàng gì khi ta có 2 mục tiêu phải làm cùng lúc. Đối với mình, tập vật lý trị liệu và việc học quan trọng như nhau. Ước gì một ngày dài hơn 24 tiếng. Vì mỗi ngày mình mất 8 giờ tập luyện, chưa kể học chừng 2 tiếng ở trường là đầu các ngón chân mình bị run, co giật, phải xoa bóp tại chỗ. Úi chà, phải sắp xếp thời  khóa biểu khoa học và tuân thủ theo đó nghiêm ngặt. Năm nay là năm cuối cấp và chỉ còn ít tháng phải vượt “vũ môn”.

Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ

Én nhỏ kiên cường ảnh 2

Hoàng Yến và mẹ đi chơi tại khu du lịch Suối Tiên, TPHCM, sau khi thi xong đại học. Ảnh: YẾN YẾN

Trường cử mình đi thi học sinh giỏi hóa học cấp TP. Biết được tin này chắc mẹ mừng lắm! Hôm mình lãnh học bổng “Chắp cánh ước mơ”,  mẹ vui và tự hào, mắt đỏ hoe. Mẹ không dám rơi nước mắt vì sợ mình lại khóc theo. Dù gì sau khi mình bệnh, hai mẹ con đã ngoéo tay không ai được khóc nữa. Lần này coi như xí xóa. Ngẫm nghĩ lại, nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ. Tình mẹ thương con vô bờ bến, dạt dào hơn cả đại dương.

Từ khi mình bệnh đến nay, mẹ nghiễm nhiên trở thành “bác sĩ” tốt nhất. 5 tháng đầu tiên, 5 tháng khó khăn nhất để làm quen với hoàn cảnh bại liệt, không đêm nào mẹ ngủ tròn giấc. Chừng 2 tiếng, mẹ lại xoa lưng, bóp chân vì sợ mình nằm một chỗ cứng người. Rồi khi mình chuyển về trọ ở quận Gò Vấp, mỗi tối mẹ chạy từ quận 4 lên Gò Vấp tập cho mình. Mẹ ngồi trước, đỡ cho hông mình đứng thẳng trong khoảng 20 phút. Khi mình mệt, mẹ xoa bóp chân cho mình, rồi lại tiếp tục đỡ hông. Quá trình tập luyện này kéo dài đến 2 tiếng đồng hồ. Chỉ có tình thương mới tạo sức mạnh cho đôi bàn tay gầy guộc của mẹ đỡ thân mình nặng hơn nửa tạ.

Gần 10 giờ, mẹ lại tất tả chạy về quận 4. Đường sá xa xôi, xe cộ đông đúc nguy hiểm, ngày nào mẹ cũng chạy lên chạy xuống như thế. Khi mẹ về được đến nhà, mình mới yên tâm. Nhưng chẳng thể yên lòng khi chỉ một mình mẹ thui thủi trong nhà.  Mẹ nói mẹ có ti vi bầu bạn, chỉ cần bật ti vi lên coi một chút là mỏi mắt và đi vào giấc ngủ. Mình biết, mẹ vẫn cố hy vọng “ngày mai trời lại sáng”. 

Mình trúng tuyển đại học trong mùa tuyển sinh năm 2007 sau một thời gian dài bỏ dở việc học. Món quà vô giá đó củng cố thêm niềm tin của mẹ, rằng một ngày nào đó, đôi chân mình sẽ hồi phục (dù bác sĩ cho rằng điều này khó thành hiện thực). Nhưng chẳng phải cuộc sống luôn có những bất ngờ mà y học không thể giải thích được sao?

Chỉ còn vài ngày nữa, cuộc đời mình – cô tân sinh viên ngồi trên xe lăn – sẽ mở ra một trang mới, thêm những thử thách mà mình phải tiếp tục đương đầu, chinh phục. Nhưng đằng sau mình luôn luôn có mẹ…

Hồng Liên

Tin cùng chuyên mục