Gập ghềnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Bài 3: Khung pháp lý mới cho sự sáng tạo

Việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) nhằm mục tiêu tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp hình thành và phát triển, tạo ra giá trị vượt trội. Vì vậy, hệ sinh thái cần thiết phải có hành lang pháp lý, chính sách cụ thể, được trợ lực từ trung ương đến các địa phương, huy động nguồn lực trong nước lẫn ngoài nước.

Cần đột phá về thể chế

Cả nước hiện có gần 200 khu làm việc chung, khoảng 70 vườn ươm doanh nghiệp, 30 tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 108 quỹ đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, nguồn lực quan trọng nhất hỗ trợ cho khởi nghiệp ĐMST chính là hành lang pháp lý thuận lợi cùng chính sách ưu đãi; nguồn lực tài chính phù hợp và sự liên kết chặt chẽ giữa khu vực doanh nghiệp với các trường đại học, viện nghiên cứu…

Ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở KH-CN Đà Nẵng, cho rằng hiện chúng ta chưa có cơ chế, chính sách nào đặc thù đủ mạnh cho khởi nghiệp ĐMST, đây là lỗ hổng. Theo ông, cần phải có chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân cho các hoạt động kinh doanh, mua bán chuyển nhượng vốn liên quan hoạt động ĐMST; chính sách ưu đãi đối với thu nhập từ lương, tiền công chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo làm việc tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức KH-CN.

cn2b-2759.jpg
Giới trẻ tìm hiểu về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, một hoạt động thường xuyên được Sở KH-CN TPHCM tổ chức. Ảnh: TẤN BA

Thực tế hoạt động khởi nghiệp ĐMST thời gian qua nảy sinh những nhu cầu thực tiễn, cần sự can thiệp, hỗ trợ từ Nhà nước. Trước hết, cần thiết hoàn thiện hành lang pháp lý.

Điều quan trọng nhất, doanh nghiệp khởi nghiệp cần có sự hỗ trợ về mặt tài chính từ ngân sách cho hoạt động của các tổ chức hỗ trợ, trung tâm khởi nghiệp ĐMST. Đặc biệt là các trung tâm thuộc khu vực công ở giai đoạn ban đầu, như: hỗ trợ nguồn lực ban đầu (hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật, công cụ, dữ liệu, tài khoản,..), nguồn lực con người, vận hành (lương và hoạt động bộ máy), các nhiệm vụ cụ thể (nghiên cứu, thử nghiệm, tổ chức hội nghị, đào tạo, nâng cao năng lực,…) theo các thời kỳ với cơ chế tài chính đặc thù riêng cho khởi nghiệp ĐMST.

Không hạn chế bởi các bộ máy hành chính

TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ và là người phụ trách nhóm đề án “Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp ĐMST quốc gia tại miền Trung” cho hay, trở ngại lớn nhất trong phát triển khởi nghiệp hiện nay chính là tư duy “phải có khuôn khổ pháp lý trước rồi mới làm”. Trong khi đó, việc ĐMST thuộc về tư duy, không nên bị hạn chế bởi các bộ máy hành chính.

“Chính phủ Singapore dùng phương pháp “sandbox” để “nhốt những hạt cát” - những doanh nghiệp khởi nghiệp với những sản phẩm, giải pháp, công nghệ hoàn toàn mới trong một khung thử nghiệm, với một chính sách ngắn hạn và đột phá dành riêng trong khuôn khổ này, trong thời gian không gian và đối tượng áp dụng cụ thể. Những “sandbox” này là tiền đề cho các nhà làm chính sách có thể nghiên cứu, thử nghiệm và điều chỉnh dần chính sách cho phù hợp với sự phát triển mới…”, TS Trần Du Lịch phân tích.

Các mô hình kinh doanh - công nghệ mới ra đời trong bối cảnh pháp luật chưa điều chỉnh kịp thời, trong khi đó các quốc gia trên thế giới đang triển khai các thể chế mới như khung thử nghiệm pháp lý (sandbox), khu đổi mới sáng tạo (innovation zone), đổi mới sáng tạo mở (open innovation) để thu hút đầu tư và khuyến khích khởi nghiệp ĐMST…

Cùng quan điểm, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN (Bộ KH-CN), đề xuất: “Chính phủ, các tập đoàn lớn phải là người “dẫn dắt” và “đặt hàng”, là người sử dụng những sản phẩm này, từ đó lan tỏa cả nền kinh tế, quốc gia. Những người đi trước là những cố vấn thúc đẩy thế hệ trẻ không ngừng ĐMST, sẵn sàng làm lại, tụ hội với nhau thành sức mạnh cộng đồng chung trong bối cảnh vừa phải hợp tác, vừa phải cạnh tranh với quốc tế”.

Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp theo yêu cầu mới, TPHCM đã triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” với mục tiêu hỗ trợ 300 dự án, 100 doanh nghiệp, trong đó 20 doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm; đồng thời thực hiện ươm tạo, phát triển 200 dự án khởi nghiệp ĐMST.

Đánh giá về hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong thời gian qua, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, TPHCM xác định khởi nghiệp ĐMST là động lực tăng trưởng quan trọng và đã triển khai nhiều giải pháp, như: hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, thị trường, công nghệ và nhân lực chất lượng cao; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh; nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của khởi nghiệp ĐMST.

Với Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội, TPHCM đang tích cực triển khai các chính sách ưu đãi phát triển KH-CN, thúc đẩy ĐMST và khởi nghiệp, như miễn giảm thuế và các chính sách hỗ trợ. TPHCM chuẩn bị ra mắt Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp, ĐMST; chuẩn bị đề án hình thành Viện Công nghệ tiên tiến và ĐMST; Trung tâm Cách mạng 4.0, với vai trò hạt nhân kết nối các trung tâm nghiên cứu phát triển và ĐMST thành mạng lưới hợp tác bền vững… Những sự chuẩn bị này là tiền đề hướng đến phát triển TPHCM trở thành đô thị sáng tạo ngang tầm khu vực trong 10 năm tới.

* Thứ trưởng Bộ KH-CN HOÀNG MINH:

Địa phương phát triển hệ sinh thái riêng

Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, được giao trách nhiệm chủ trì triển khai KH-CN và ĐMST, Bộ KH-CN nhận thấy cần thiết phải có hành lang pháp lý, chính sách, và các chủ thể hỗ trợ mạnh, Cụ thể là các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST làm hạt nhân để huy động, khai thác, liên kết và tối ưu hóa các nguồn lực trong hệ sinh thái tại địa phương và trung ương, từ khu vực tư nhân và cả từ nước ngoài.

Bên cạnh đó, địa phương cũng cần xây dựng chiến lược phát triển hệ sinh thái riêng của mình, trên cơ sở khai thác nguồn lực, thế mạnh của địa phương, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, nỗ lực kiến tạo hệ sinh thái ĐMST mở với sự tham gia của chính quyền, các doanh nghiệp lớn, các chuyên gia giỏi trong và ngoài nước để giải quyết các thách thức mới về kinh tế, xã hội, môi trường của quốc gia và toàn cầu.

* Giám đốc Sở KH-CN TPHCM NGUYỄN VIỆT DŨNG:

Thu hút nguồn lực với các chính sách miễn, giảm thuế

Chính sách này tác động tích cực đến vườn ươm KH-CN, doanh nghiệp khởi nghiệp và đặc biệt là các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư khởi nghiệp ĐMST. Nghị quyết 98 cũng có một số chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn và giúp huy động nguồn lực xã hội để thúc đẩy hoạt động ứng dụng KH-CN, khởi nghiệp ĐMST. Trong đó, thu hút nguồn lực của xã hội với các chính sách miễn, giảm thuế cho các cá nhân, tổ chức tham gia tích cực vào hoạt động nghiên cứu phát triển và khởi nghiệp ĐMST có ý nghĩa rất lớn.

Các chính sách đặc thù ưu đãi về khởi nghiệp ĐMST của Nghị quyết 98 có thời hạn 5 năm nên, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện để mang lại hiệu quả cho các doanh nghiệp, vườn ươm, hoạt động khởi nghiệp ĐMST của TPHCM. Trong đó, các đơn vị, cá nhân quan tâm cần lưu ý 2 nhóm chính sách miễn thuế và hỗ trợ kinh phí không hoàn lại. Sau khi hết 5 năm thí điểm, phải đánh giá lại để xem các chính sách có thúc đẩy được khởi nghiệp ĐMST hay không.

Tin cùng chuyên mục