Gia cố các “chốt chặn” bảo vệ môi trường

Theo dự kiến, ngày 17-11, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua, ngay trước khi Quốc hội bế mạc kỳ họp thứ 10 - chậm hơn 1 tuần so với chương trình dự kiến.

Lý do được cơ quan thẩm tra giải thích là để có thêm thời gian để hoàn thiện, bổ sung dự luật. Đây là sự thận trọng cần thiết, bởi lẽ đạo luật này khi được thông qua với nhiều nội dung đột phá, sẽ có ý nghĩa quyết định sự bền vững của “trụ cột thứ 3” trong quá trình phát triển: kinh tế - xã hội - môi trường. 

Dự thảo Luật BVMT sửa đổi có những điểm mới rất căn bản. Một trong số đó là thay đổi phương thức quản lý theo tiêu chí môi trường đối với các dự án đầu tư. Cụ thể, dự luật chia các dự án đầu tư thành 4 nhóm: có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao; có nguy cơ; ít có nguy cơ; không có nguy cơ. 

Tương ứng với từng đối tượng dự án cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường sẽ áp dụng các cơ chế quản lý phù hợp. Chỉ các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao (nhóm 1) mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường (ĐTM). 

Thực tế cho thấy đây là điểm mới, hợp lý, bởi với việc phân chia theo mức độ rủi ro này, chúng ta sẽ sàng lọc dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở các mức độ khác nhau. Chỉ riêng điều này đã khắc phục một số hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành, giảm thủ tục hành chính cho nhiều nhà đầu tư. Trừ các dự án thuộc nhóm 1, các dự án khác sẽ không phải đánh giá sơ bộ ĐTM, giúp tiết kiệm được thời gian và chi phí cho chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, nội dung về thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM cũng rất đáng lưu ý. Cơ quan soạn thảo dự luật đã thiết kế 2 phương án. Phương án 1 là giao các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định báo cáo ĐTM thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình. Phương án 2 là giao UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành. 

Phương án 1 có ưu điểm là tích hợp giải quyết thủ tục thẩm định báo cáo ĐTM với thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của một số dự án. Các bộ liên quan hiện nay đều có bộ phận chuyên môn về môi trường, quá trình thẩm định thời gian qua vẫn đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nhược điểm là chưa bảo đảm quản lý thống nhất tại địa phương. Việc thẩm định ĐTM không đi đôi với kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường của dự án (gắn với chức năng quản lý địa bàn). Trong khi đó, phương án 2 có ưu điểm quan trọng là bảo đảm quản lý thống nhất tại địa phương, thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát, cấp phép (nếu có) sau này và phù hợp với xu hướng phân cấp cho địa phương hiện nay của Chính phủ. Phương án 2 được xem là tối ưu hiện nay, bởi phương án này sẽ nâng cao trách nhiệm của địa phương trong việc phê duyệt, quyết định đầu tư cũng như chịu trách nhiệm trước những bất cập mà dự án đó gây ra ở địa phương.

Với những điểm mới nêu trên, kỳ vọng Dự thảo Luật BVMT sửa đổi sẽ là “chốt chặn” đáng tin cậy để bảo vệ môi trường.

Tin cùng chuyên mục