Trước sức ép buộc phải giảm giá cước vận tải hành khách, chiều 24-2, 54 doanh nghiệp vận tải hành khách tại Bến xe miền Đông và Bến xe miền Tây đã hoàn tất hồ sơ kê khai lại bản hạ giá cước.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP về việc thực hiện kê khai lại giá cước vận tải hành khách, Phó Giám đốc Bến xe miền Đông Thượng Thanh Hải cho biết, tại bến có 28 doanh nghiệp vận tải do TPHCM quản lý, hiện bến đã nhận được hồ sơ kê khai lại giá cước của 5 doanh nghiệp, 21 doanh nghiệp khác cũng đã gửi hồ sơ kê khai lên Sở Tài chính nhưng bến vẫn chưa nhận được. Đối với 7 doanh nghiệp chưa kê khai, hôm nay sẽ hoàn tất hồ sơ, nếu không kê khai Sở Tài chính sẽ xử lý vì các doanh nghiệp này đã được kiểm tra và nhắc nhở trong ngày 23-2. Tại Bến xe miền Tây, đã có 26 doanh nghiệp đang hoạt động tại bến kê khai lại bản giá cước với mức giảm từ 2% - 5%.
Theo Hiệp hội Taxi TPHCM, hiện có 9/14 hãng taxi đã nộp bản kê khai lại giá cước, nhưng chỉ có 3 hãng giảm với mức giảm 1,16% - 2,4% và có 6 hãng giữ nguyên. Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh giảm giá cước 500 đồng/km đối với xe 4 chỗ và 600 đồng/km với xe 7 chỗ. Mức giảm áp dụng chính thức từ ngày 26-2 và chỉ đối với thị trường TPHCM. Các thị trường còn lại, Công ty Mai Linh cũng sẽ căn cứ trên tình hình thực tế của mỗi địa phương để điều chỉnh giảm giá cước phù hợp. Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), Hoàng Long cũng quyết định giảm giá cước 500 đồng/km, áp dụng từ ngày 26-2. Hiện tại, các đơn vị vận tải đã có kế hoạch giảm giá cước đồng loạt; song thị trường được áp dụng mức giá giảm bị giới hạn, thường tập trung ở những thành phố lớn, đặc biệt là TPHCM.
Mặt dù, từ đầu năm 2016 đến nay, giá xăng, dầu tiếp tục giảm sâu, nhưng mức giảm của các doanh nghiệp chỉ ở mức nhỏ giọt so với mức giảm của xăng dầu. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, các xe chạy dầu tuyến cố định phải giảm giá cước 4,8% sau các đợt giảm gần đây, còn xe sử dụng nhiên liệu xăng phải giảm khoảng 4,2%. Trong cơ cấu giá thành vận tải, chi phí nguyên liệu chiếm 25% - 35% giá thành đối với xe chạy xăng và 35% - 45% đối với xe chạy dầu, còn lại là các chi phí khác. Như vậy, nguyên liệu ảnh hưởng không nhỏ đến giá cước vận tải. Nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp vận tải giảm giá cước rất ít so với giá xăng dầu hiện nay. Minh bạch giá cước là trách nhiệm của các doanh nghiệp, vì vậy giá cước phải tính trên cơ sở khoa học để định giá.
Tới đây Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính sẽ sửa đổi Thông tư liên tịch 132 về việc kê khai và niêm yết giá cước vận tải, dự kiến sẽ ban hành trong tháng 3 tới nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải, đồng thời đưa ra những chế tài mạnh để xử lý các doanh nghiệp nào vi phạm về giá.
QUỐC HÙNG