Già làng sóc Cây Me

10 năm dựng sóc
Già làng sóc Cây Me

“Két...” chiếc xe máy dừng gấp trước sân nhà. Mạnh mẽ, nhanh nhẹn, người đàn ông được giới thiệu là già làng tên Lâm Cốp rất khác so với mường tượng của tôi. Không phải một cụ già râu bạc, không vận “xà-rông”(hôl) truyền thống của người Khmer, giản dị trong chiếc áo phông úa màu, với làn da đen bóng cùng nụ cười rất tươi, trông ông trẻ hơn nhiều so cái tuổi 60 của mình.

Già làng Lâm Cốp (áo xanh dương) kể chuyện về quá trình vận động con em trong ấp đến lớp với cán bộ biên phòng. Ảnh: THU HƯƠNG

Già làng Lâm Cốp (áo xanh dương) kể chuyện về quá trình vận động con em trong ấp đến lớp với cán bộ biên phòng. Ảnh: THU HƯƠNG

10 năm dựng sóc

Chiếc xe lệch khỏi lối mòn, chao đảo như muốn hất chúng tôi xuống vũng sình. Đất đỏ bắn tung tóe lên áo anh lính biên phòng. Cứ thế, xe chúng tôi vượt gần 15 cây số đường rừng để đến với sóc Cây Me (xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) khi đã xế chiều. Những vạt nắng cuối ngày ánh vàng trên từng nhánh hoa dại, tụi trẻ kéo nhau ra khu đất trống giữa sóc nô đùa, những trai làng trở về sóc sau một ngày miệt mài ngoài nương rẫy, các chị em tất bật chuẩn bị bữa cơm tối cho gia đình. Buổi chiều ở sóc Cây Me rộn ràng như thế!

Câu chuyện giữa chúng tôi chỉ mới bắt đầu thì hình như lũ muỗi đánh hơi được mùi khách lạ, tấn công tới tấp. Con nào cũng đen sì, sẵn sàng “hạ cánh” bất kỳ chỗ nào còn trống trên người chúng tôi.

Già làng khẽ cười: “Dạo này, nhờ bộ đội xịt thuốc, muỗi đỡ nhiều rồi, chứ khi dân làng mới đến, con trâu, con bò còn bỏ chạy mà”.

Đôi mắt hơi nhíu lại, nhìn xa xăm, già làng Lâm Cốp kể lại những ngày đầu về sóc Cây Me này. Mới đó mà hơn chục năm rồi, vào khoảng những năm 1986 - 1987, cả gia đình Lâm Cốp còn ở ấp 3 xã Lộc Hưng. Đất đai chật hẹp, không sống nổi nên ông quyết đi khai khẩn đất hoang trên vùng đất Lộc Thịnh.

Lúc đầu sóc Cây Me hoang vắng lắm nên gia đình và họ hàng ông vẫn ở chỗ cũ, còn ông đi đi về về giữa 2 nơi. Với khoảng 15km đường rừng, từ 6 giờ sáng, ông phải rời nhà để qua rẫy, 3 giờ chiều lo về nhưng đến 7 - 8 giờ tối mới về đến nhà. Nhiều lần gặp mưa rừng, nước ống theo suối chảy ra, khó khăn lắm ông mới băng qua được dòng nước xiết ấy để về nhà. Quãng đường xa xôi, khó khăn, nguy hiểm, ông quyết định mang gia đình rời Lộc Hưng về sinh sống hẳn trên mảnh đất gần 4 ha, ông khai khẩn được ở xã Lộc Thịnh, vừa làm nhà, vừa trồng trọt.

Đưa cánh tay gân guốc, chỉ về hướng con suối cạn gần nhà, ông bảo: “Khi ấy, vùng này vắng vẻ và âm u lắm. Ở gần con suối kia, có 4 - 5 hộ dân thôi. Họ về đây sinh sống trước khi tôi đến”. Nhưng một đêm năm 2000, mưa nhiều lắm, mưa như trút nước, từng đợt nước từ rừng sâu đổ về, cuốn trôi những căn nhà lá vốn dĩ yếu ớt và tạm bợ. Bà con chỉ kịp tay bồng tay bế những đứa trẻ chạy về phía nhà ông tránh nước. Chỉ qua một đêm, nhà cửa, ruộng vườn của họ tan tác cả. Thương bà con, ông đưa họ lên đây, chia đất cho làm nhà. Sóc Cây Me ra đời như vậy. Có cái nhà ở, ông còn chia đất cho bà con trồng cây, kiếm kế sinh nhai. Ông hướng dẫn bà con cách trồng trỉa theo kinh nghiệm ông được ông bà chỉ dạy trước đó. Sóc Cây Me mỗi ngày một đông, tiếng bi bô của bọn trẻ ngày càng nhiều hơn. Năm 2007, ông chính thức trở thành già làng.

“Mình giàu, bà con cũng phải giàu!”

Sóc Cây Me hiện nay có khoảng 27 hộ dân, phần lớn người dân tộc Khmer. Trước đây, bà con chỉ biết lên rừng bẻ măng, nhặt điều bán lấy tiền mua gạo, nên cái nghèo, cái khổ từ đời cha mẹ cứ lẽo đẽo theo chân đến lũ trẻ. Nhờ tiếp xúc khá sớm và thường xuyên với bộ đội biên phòng, già làng Lâm Cốp học được cách chọn giống, chọn loại cây trồng hiệu quả cao, rồi cách trồng như thế nào để thu hoạch được nhiều hơn... Ông truyền đạt tỉ mỉ cho từng gia đình. Cứ thế, 1 năm, 2 năm, rồi nhiều năm sau nữa, cái đói dần bị đẩy ra xa sóc Cây Me.

Những năm gần đây, được bộ đội biên phòng vận động, già làng hiểu được: “Cái bụng no rồi, giờ lũ trẻ phải có thêm con chữ”. Có “thầy bộ đội” rồi, phải có trường. Thế là già làng cho bộ đội mượn căn nhà lá bên cạnh để dạy học. Từ căn nhà lá này, Lâm Phi - đứa con thứ 2 của ông trở người đầu tiên của sóc học đến lớp 10. Nhưng nhà lá thì nhỏ, tối om, trời mưa dột ướt cả, già làng nhìn thấy lũ trẻ học mà xót cái ruột. Đầu năm 2010, nghe bộ đội biên phòng Đồn 809 có ý định xây cho lũ trẻ ngôi trường, già làng liền xung phong hiến 240m² đất vườn. Dẫn chúng tôi xuống thăm ngôi trường mới, già làng vui lắm, mắt ông sáng quắc như ngọn đuốc cháy giữa núi rừng.

Là người đầu tiên của sóc thử nghiệm, áp dụng cách trồng cao su mới, nên hiện nay riêng gia đình ông có 4 ha cao su, thu nhập một năm khoảng 80 triệu đồng. Ông còn trồng lúa nước, thu hoạch khoảng 50 - 60 bao/vụ. “Mình giàu, bà con cũng phải giàu!”, già làng Lâm Cốp luôn tự nhủ mình như vậy.

Gặp chúng tôi, cụ Lâm Khắc (65 tuổi), một người dân trong sóc tâm sự: “Gia đình tôi ơn già làng lắm, đất này, rẫy kia nhờ già làng mới có cả. Hồi trước mới lên đây, không có cái gì, vậy mà giờ đây tôi có được cái nhà, con cái có cái ăn, tôi cũng có cái xe máy đi rẫy. Có hôm con tôi ốm, già làng phải chạy ra đồn nhờ quân y vào chữa cho nó khỏi cái bệnh đấy”.

Nói về già làng, thượng úy Trần Xuân Cường, nguyên đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn 809 chia sẻ: “Già làng giỏi lắm, bộ đội truyền đạt gì đều ghi nhận và làm ngay. Làm cho mình và làm cả cho dân trong sóc nữa”.

Trung úy Võ Minh Tân, Đồn biên phòng 809, cho biết: “Có già làng Lâm Cốp, việc nào khó truyền đạt đến dân đều xuôi cả. Già làng nói dân trong sóc nghe liền. Cũng phải thôi vì bà con biết già làng rất lo cho họ”.

Mỗi ngày, già làng đi đi về về giữa xã và sóc như con thoi. Sáng ông lên rẫy, có lúc tranh thủ về sớm chạy ngay ra Đồn 809 hay ủy ban xã xem thử hôm nay cán bộ có truyền đạt gì mới cho dân bản, rồi ông lại chạy về xem bà con có cần giúp hay không. Cứ thế, ông thuộc lòng từng khúc đường, từng bờ cây, con suối ở đây. Ngày nắng cũng như ngày mưa, hễ cán bộ cần là ông có mặt. Già làng Lâm Cốp coi bộ đội biên phòng như những đứa con của mình.

Ngày ông về đây với 2 bàn tay trắng, nhờ bộ đội, ông đã có rẫy cao su xanh ngắt, đứa con đã học đến lớp 10, dân bản được dạy cho cái chữ, dân bản bệnh đã có quân y chăm sóc. Ở cái sóc Cây Me này, đâu đâu cũng in đậm dấu giày của các anh bộ đội biên phòng. Cũng như ông, dân sóc biết ơn cán bộ, tôn trọng cán bộ. Không ít anh bộ đội biên phòng đã được bà con cho nhập họ, xem như họ hàng máu mủ của mình.

Cầm trên tay bức vẽ một ngôi nhà xây cao vút của Lâm Phi, mắt già làng Lâm Cốp ánh lên niềm tin. Ông tin rằng với thế hệ Lâm Phi, chắc chắn cuộc sống dân sóc sẽ thay đổi, sẽ có những nhà xây mái ngói đỏ tươi.

Nguyễn Tường Hân

Tin cùng chuyên mục