Phản hồi bài báo “Vì sao giá giữ xe tăng gấp 5 lần”:

Giá ở chung cư, áp theo Thông tư 02 của Bộ Xây dựng

Vì mức giá trước đây được áp dụng từ năm 2012 nên không còn phù hợp, dẫn đến việc thời gian qua các bãi xe trung tâm TP vi phạm về giá, gây khó khăn trong công tác quản lý.

Sau bài “Vì sao giá giữ xe tăng gấp 5 lần” đăng trên Báo SGGP số ra ngày 17-11 phản ánh Quyết định 35/2018/QĐ-UB của UBND TPHCM về việc tăng giá giữ ô tô và xe gắn máy đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn TPHCM (trong đó giá giữ ô tô các quận 1, 3, 5 tăng từ 1 triệu đồng lên 5 triệu đồng/tháng), Sở Tài Chính trả lời như sau: Vì mức giá trước đây được áp dụng từ năm 2012 nên không còn phù hợp, dẫn đến việc thời gian qua các bãi xe trung tâm TP vi phạm về giá, gây khó khăn trong công tác quản lý.

Trong khi thực hiện Luật Giá thì trong các loại hàng hóa, dịch vụ do nhà nước quy định mức tối đa, tối thiểu, trong đó có giá giữ xe. Do vậy, qua khảo sát thị trường, UBND đã ban hành khung giá mới quy định mức giá tối đa đối với dịch vụ giữ xe.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ cư dân phản ứng mức giá quá cao như thế sẽ gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân ở các chung cư. Về việc này, Sở Tài chính cho rằng, giá giữ xe ở các chung cư được điều chỉnh bởi Luật Nhà ở và Thông tư 02/2018/TT-BXD.

Cụ thể, Khoản 1 Điều 101 Luật Nhà ở quy định “Chỗ để xe phục vụ cho chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư bao gồm ô tô, xe động cơ 2 - 3 bánh, xe đạp và xe cho người khuyết tật thì chủ đầu tư phải xây dựng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, thiết kế được phê duyệt và được sử dụng đúng mục đích. Việc bố trí chỗ để ô tô của khu nhà chung cư phải bảo đảm nguyên tắc ưu tiên cho các chủ sở hữu nhà chung cư trước, sau đó mới dành chỗ để xe công cộng”.

Trong đó, đối với chỗ để xe đạp, xe cho người khuyết tật, xe máy 2-3 bánh của người sử dụng chung cư thì thuộc thẩm quyền sở hữu, sử dụng chung của các chủ sở hữu nhà chung cư. Còn đối với chỗ giữ ô tô thì chủ sở hữu, sử dụng chung cư mua hoặc thuê theo hợp đồng. Tuy nhiên chủ đầu tư không được tính vào giá bán, giá thuê mua chi phí đầu tư xây dựng chỗ để xe này.

Và theo Thông tư 02 thì việc đóng phí trông giữ xe do các bên thỏa thuận trong hợp đồng và theo thỏa thuận với nhà cung cấp dịch vụ. Quyết định 35/2018/QĐ-UB của UBND TPHCM chỉ quy định mức giá tối đa, do vậy các bên có quyền thỏa thuận nhưng không được cao hơn mức này.

Thế nhưng, phía cư dân phản ứng rằng, chủ đầu tư xây dựng căn hộ thì buộc phải xây dựng bãi giữ xe cho cư dân nên giá giữ xe không được tính trên cơ cở giá đầu tư xây dựng bãi xe mà chỉ tính trên giá dịch vụ trông giữ xe. Do vậy, không thể lấy giá đầu tư xây dựng bãi xe để cấu thành giá giữ xe ở chung cư được.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài chính đã gởi Văn bản 7784 kiến nghị về việc giữ xe tại các chung cư như sau: kiến nghị UBND TPHCM có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng hướng dẫn nội dung vướng mắc nêu trên và phương thức xử lý cụ thể đối với trường hợp khi các bên không thỏa thuận được giá giữ xe tại chung cư.

Đồng thời kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở Xây dựng tham mưu hướng dẫn 24 quận, huyện thực hiện thống nhất đối với chi phí giữ xe tại các chung cư; UBND 24 quận, huyện yêu cầu các ban quản lý chung cư thực hiện theo Thông tư 02 là phải lấy ý kiến người dân thông qua hội nghị nhà chung cư để quyết định giá giữ xe cụ thể nhưng không được vượt quá khung giá quy định tại Quyết định 35/2018/QĐ-UB của UBND TPHCM.

Còn riêng vấn đề vì sao giá giữ ô tô tại TPHCM được Sở Tài chính tham mưu cho UBND TP quy định mức cao nhất đến 5 triệu đồng/tháng, quá cao so với mức lương nhà nước của người tốt nghiệp đại học (3 triệu đồng/tháng) và cao hơn hơn 50% mức sống cơ bản của người dân được Bộ Tài chính quy định căn cứ vào mức giảm trừ gia cảnh (9 triệu đồng/tháng), thì không được Sở Tài chính TPHCM trả lời. Và với mức giá quá cao như thế, sẽ dễ dẫn đến phát sinh tranh chấp trong các chung cư khi các bên không thể thống nhất được giá.

Tin cùng chuyên mục