Giá trị nghệ thuật và giá bán nghệ phẩm

Giá trị nghệ thuật và giá bán nghệ phẩm

Tôi ngưỡng mộ Nguyễn Phan Chánh ngay từ khi còn là học sinh lớp năm khi được xem hình những tranh lụa Chơi ô ăn quan hay Cô hàng xén… Bức Người bán gạo (lụa - 1932) mới được bán với giá kỷ lục - 390.000USD - rất đặc trưng cho Nguyễn Phan Chánh đầu những năm 1930, ngay sau khi ông tốt nghiệp khóa I Trường Mỹ Thuật Đông Dương: Bảng màu nâu đen, cách tạo mảng bẹt, nét viền lớn đơn giản, tạo hình nhân vật và bố cục hầu như không có dấu vết cơ thể học và luật xa gần châu Âu.

Sau này, khi giảng dạy lịch sử Mỹ thuật Việt Nam và trong hai cuốn sách của mình, tôi luôn coi Nguyễn Phan Chánh và Lê Phổ là hai họa sĩ hàng đầu khắc họa điển hình bậc nhất con người Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20 với hai phong cách nghệ thuật độc đáo mà tôi tin rằng những người am tường nghệ thuật ở châu Âu, nhất là Pháp, cũng phải công nhận.

Lúc đó ít ai biết đến chuyện đấu giá và hốt hoảng với giá tranh kỷ lục như bây giờ! Với hai nhân vật ăn vận đặc Việt Nam, với nón quai thao nổi tiếng cùng các đặc điểm nghệ thuật trên, thật đáng trách anh thực tập sinh của nhà đấu giá Christie Hồng Công khi đó nhầm đó là một bức tranh vô danh của Trung Quốc. Hoàn toàn có thể đọc hai cột chữ Hán và hàng chữ Nguyễn Phan Chánh - 1932 rất rõ ràng.

Có lẽ thông tin này chỉ là chiêu trò hấp dẫn khách hàng của nhà đấu giá vì sau đó anh chuyên giá cao cấp J-F Hubert đã khẳng định: “Nguồn gốc bức tranh không thể lẫn được. Nó vẫn còn khung gốc của nhà đóng khung Gadin ở Paris và đã được triển lãm năm 1934 tại Napoli (Triển lãm quốc tế Nghệ thuật thuộc địa lần thứ hai tại Italia)”. Bức lụa này về phong cách rất gần với bức Chơi ô ăn quan cũng được đưa đi châu Âu dự triển lãm thuộc địa hồi đó rồi sau được nhà sưu tập Đức Minh mua mang về Hà Nội. So với giá tranh của Nguyễn Phan Chánh cũng ở Christie năm 2002 - 2008 thì giá bức Người bán gạo năm nay đã cao hơn gấp 10 lần.

Một tác phẩm của Bùi Xuân Phái.

Một tác phẩm của Bùi Xuân Phái.

Phần lớn họa sĩ và người làm lịch sử nghệ thuật thực sự không hiểu được thị trường nghệ thuật và giá cả các nghệ phẩm. Việc các nhà đấu giá, chủ phòng trưng bày tranh… được truyền thông và công chúng coi là những người, những nơi có thẩm quyền định giá trị thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật cho các tác phẩm, tác giả, các nền nghệ thuật dân tộc, quốc gia là một sự thật ngô nghê của thế giới nghệ thuật quốc tế. Người yêu tranh nghĩ sao khi một cái giường gỗ đời Thanh Trung Quốc mục nát được bán với giá 3 triệu HKD bằng bức Người bán gạo, một con bò xẻ ra ngâm phoóc-môn của một họa sĩ trẻ người Anh bán với giá gấp 100 lần (hoặc hơn nữa). Giá trị nghệ thuật tương đương 8 tỷ đồng của bức tranh quý hiếm này sẽ chẳng là gì so với 100 - 400 tỷ đồng cho những tượng đài hoành tráng ở các địa phương?

Giá bán nghệ phẩm trên thị trường (hoặc theo hợp đồng) luôn chỉ là một thông số tham khảo trong tiếp cận nghệ thuật thực thụ. Theo giá tranh mà phân định thứ hạng cao thấp; vẽ bản đồ nghệ thuật thế giới, theo các khuynh hướng phong cách bán chạy mà “làm hàng” là nguy hại nhất cho cả sáng tác lẫn thưởng thức, giáo dục, đánh giá nghệ thuật. Mặt khác đó là chuyên môn của thị trường mà ta đang thiếu một thị trường nghệ thuật nội địa thực thụ, mạnh về tiền, với một giới sưu tầm mạnh về thẩm mỹ, am tường nghệ thuật. Lúc đó ta sẽ có biểu giá nghệ phẩm của mình mà người ta sẽ phải tham khảo! Cái cần nhất ở Việt Nam, với nghệ thuật Việt Nam chính là gây dựng một thị trường nghệ thuật chuyên nghiệp.

Nhiều chuyên gia nghệ thuật nước ngoài cũng đồng ý rằng nghệ thuật Việt Nam thế kỷ qua, chủ yếu là hội họa, có những phẩm chất đặc biệt, những giá trị di sản thẩm mỹ cao với nhiều tác giả và tác phẩm xuất sắc. Và thỉnh thoảng, một vài cái giá kỷ lục cho nghệ phẩm Việt Nam ở các nhà đấu giá quốc tế nên là những cú hích để các nhà kinh doanh tự tin trong việc hình thành thị trường này hơn là một dịp để tự ti hay tự tôn hão về “nghệ thuật nước nhà” trên truyền thông!

NGUYỄN QUÂN

Tin cùng chuyên mục