Giải pháp hợp lý hơn cho xe buýt

Tính từ năm 2018 đến nay, tại TPHCM đã có tới gần chục tuyến xe buýt có trợ giá phải tạm ngưng hoạt động. 

Hợp tác xã (HTX) Vận tải 19-5 vừa xin chủ trương với Sở GTVT TPHCM ngưng chạy tuyến xe buýt số 41 (lộ trình Bến xe An Sương - Bến xe miền Tây), do tuyến xe buýt này (có 17 xe đang hoạt động) suốt 2 năm liền bị lỗ, tiền trợ giá và doanh thu không đủ chi trả để vận hành.

Trước đó, HTX Vận tải 19-5 cũng đã xin ngưng chạy tuyến xe buýt số 66 và được Sở GTVT TPHCM chấp thuận.

Vào đầu năm nay, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TPHCM cũng đã thông báo ngưng tuyến xe buýt số 54 (Bến xe miền Đông - Bến xe buýt Chợ Lớn). Tính từ năm 2018 đến nay, tại TPHCM đã có tới gần chục tuyến xe buýt có trợ giá phải tạm ngưng hoạt động. 

Theo số liệu thống kê của ngành GTVT TPHCM, giai đoạn 2014-2018, bình quân mỗi năm số lượt hành khách đi xe buýt trên địa bàn TPHCM giảm 6,6%, riêng năm 2019 giảm đến 13% so với năm 2018.

8 năm trước, năm 2012 có 305 triệu lượt hành khách đi xe buýt; đến năm 2020 chỉ còn 159 triệu lượt, đã giảm đến 146 triệu lượt. Số lượt hành khách đi xe buýt tụt dốc không phanh, khiến thu không đủ bù chi.

Ngân sách TPHCM cũng đã hỗ trợ cho các tuyến xe buýt hoạt động, tuy nhiên mức trợ giá quá thấp, các HTX vận tải xe buýt lỗ suốt từ năm 2017 đến nay. Ngoài ra, việc bị áp sản lượng hành khách quá cao đã làm các HTX vận tải xe buýt không còn khả năng chịu đựng. 

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, nguyên nhân chủ yếu khiến số lượt hành khách đi xe buýt tụt giảm là do tình trạng thường tắc đường, kẹt xe ở TPHCM thời gian qua. Gần đây, sự phát triển của xe ôm và xe hợp đồng dưới 9 chỗ theo đề án thí điểm sử dụng công nghệ cũng đã cạnh tranh quyết liệt với xe buýt. Nhiều người đã sử dụng dịch vụ này cho các chuyến đi ngắn do cơ động, tiện lợi, nhất là giá cước chỉ ngang với chi phí đi xe buýt. Mặt khác, hạ tầng giao thông, bến bãi trên địa bàn TPHCM đang thiếu hụt, phân bố không đồng đều giữa các quận huyện, đã làm tăng sự trùng lặp của các tuyến xe buýt.

Từ năm 2010, TPHCM đã xác định phát triển xe buýt là nhiệm vụ rất quan trọng để phát triển vận tải hành khách công cộng, hạn chế dần xe cá nhân lưu thông gây tắc đường và ô nhiễm môi trường.

Với thực trạng giao thông TPHCM hiện nay, để tăng số lượt hành khách đi xe buýt thì xe buýt phải đảm bảo đúng giờ, đảm bảo an toàn, thuận tiện và tiện nghi. Muốn vậy, nên tính đến phương án thay thế dần xe buýt lớn bằng các loại xe từ 7 đến 15 chỗ để cơ động hơn, tránh gây kẹt xe ở giao lộ giờ cao điểm và hạn chế được cảnh hành khách phải đứng chen chúc dễ bị trộm cắp, móc túi.

Để khuyến khích người dân đi xe buýt, ngân sách không nên hỗ trợ giá trực tiếp cho nhà xe, vì có thể sinh ra việc gian lận, mà nên trợ giá trực tiếp cho hành khách là người diện chính sách, người lao động nghèo, sinh viên... Địa phương hoặc đơn vị quản lý sẽ là nơi nắm thông tin để biết người nào cần đến trợ giá xe buýt. Các đối tượng này được trợ giá vé khi mua vé tháng, đi nhiều thì được hỗ trợ nhiều, đi ít thì được hỗ trợ ít.

Tin cùng chuyên mục