Gian nan tìm sản phẩm mỹ thuật ứng dụng mang màu sắc Việt

Ngày 5-3, tại Hà Nội, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã phát động Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 4. Kể từ năm 2004, năm đầu tiên mỹ thuật ứng dụng “tách ra ở riêng” đến nay, nỗi lo làm thế nào có những sản phẩm mỹ thuật mang màu sắc Việt, làm thế nào để thu hút được các nghệ sĩ trẻ kế cận, vẫn luôn thường trực.

Xu hướng tất yếu

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Trần Khánh Chương chia sẻ: Mỹ thuật ứng dụng là một lĩnh vực rộng lớn. Bất cứ một đồ vật gì ở xung quanh chúng ta đều cần đến bàn tay của người làm mỹ thuật ứng dụng, đặc biệt trong nền kinh tế thị trường hiện nay ở Việt Nam. Chính vì thế không quá nếu gọi đó là xu hướng tất yếu của mỹ thuật.

Đồng tình nhận định này, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, cho biết, tỷ lệ đào tạo mỹ thuật trên thế giới đã thể hiện rất rõ xu thế này khi mà chỉ có 8/10 người được đào tạo mỹ thuật chọn chuyên ngành mỹ thuật ứng dụng. Tại Việt Nam, dù khoa mỹ thuật ứng dụng đã thành lập từ năm 1959 và sau đó là có trường trung cấp, cao đẳng và nay là Đại học Mỹ thuật công nghiệp, nhưng họa sĩ theo đuổi lĩnh vực này không nhiều. Với nhu cầu cao về nhân lực, vài năm gần đây các khoa đào tạo mỹ thuật ứng dụng tại Việt Nam bắt đầu có sức hút hơn. Song thực chất, nó vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn và đòi hỏi cần phải đổi mới toàn diện từ quan điểm, mục tiêu, chương trình đào tạo tới đội ngũ các thầy cô giáo, cũng như không ngừng hoàn thiện trang thiết bị, cơ sở vật chất tại các đơn vị đào tạo.

Gian nan tìm sản phẩm mỹ thuật ứng dụng mang màu sắc Việt ảnh 1 Sản phẩm mỹ thuật ứng dụng chưa được nhìn nhận đúng giá trị
Cùng đó, mối liên hệ giữa nhà trường với doanh nghiệp cũng cần cải thiện để sinh viên theo học chuyên ngành mỹ thuật ứng dụng có điều kiện, môi trường thực tập, đồng thời gắn thực tế với nguồn lực được đào tạo đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

Nguy cơ trở thành “công xưởng làm thuê”

Họa sĩ Trần Khánh Chương thừa nhận: “Sang đến Lào, Campuchia, tôi còn chọn mua được vài món đồ lưu niệm mang dấu ấn của bản địa như: móc chìa khóa, bấm móng tay mang hình chùa That Luang chẳng hạn, nhưng quà lưu niệm của Hà Nội thì chẳng tìm ra loại nào”. Lãnh đạo Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng thẳng thắn chia sẻ việc bao phen phải “chữa cháy” tại các triển lãm mỹ thuật ứng dụng công nghiệp bởi nhiều cuộc triển lãm, cận ngày khai mạc mới chỉ nhận được chục tác phẩm tham dự.

Lý giải về việc các họa sĩ không mặn mà với mỹ thuật ứng dụng, ông Chương cho biết, phần nhiều là do thu nhập từ nghề không thực sự thỏa đáng. Mỹ thuật công nghiệp đòi hỏi sự đồng bộ không chỉ về mặt thẩm mỹ mà còn phải có tính ứng dụng cao, đảm bảo các tiêu chí về kỹ thuật cho mỗi sản phẩm. Vì thế, để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh không phải chuyện dễ dàng.

Cụ thể như một bức tranh, một tác phẩm điêu khắc có thể bán giá hàng ngàn USD thậm chí cao hơn, nhưng ít người chịu bỏ ra tiền triệu chỉ để thiết kế một cái thiệp cưới, thiệp mời, dù rằng phải làm đồ họa, phải in ấn. Hay như một cuốn thơ, tác giả có khi cũng chỉ được vài triệu đồng nhuận bút thì ai bỏ ra khoản tiền lớn để đầu tư cho thiết kế bìa? Đây cũng là nguyên nhân chính khiến các họa sĩ thích vẽ tranh, làm tượng hơn là sáng tạo tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.

Một nguyên nhân khác cũng được chỉ ra là việc đào tạo mỹ thuật ứng dụng không được coi trọng và đồng bộ nên dù có say mê nhưng các họa sĩ theo đuổi cũng chỉ phát triển mạnh ở thể loại không đòi hỏi kết nối cao như đồ họa, gốm sứ, thiết kế quảng cáo…

Sự bế tắc về mẫu mã sản phẩm khiến nhiều làng nghề truyền thống dù sở hữu nhiều thợ thủ công có tay nghề cao nhưng cũng chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng, mẫu mã của nước ngoài. Nguy cơ Việt Nam trở thành công xưởng làm thuê cho các thiết kế của nước ngoài đang hiện hữu. Vì thế, Cục Mỹ thuật kỳ vọng, với triển lãm này, bên cạnh việc tôn vinh, khuyến khích nghệ sĩ sáng tạo ra các mẫu mã của Việt Nam, các sản phẩm mang bản sắc văn hóa Việt Nam, còn là dịp để hội nhập với quốc tế mà không sợ bị hòa tan.

Triển lãm dự kiến khai mạc trong tháng 9 và kéo dài trong một tháng. Sản phẩm tham gia là những sáng tác trong 5 năm gần đây gồm các sản phẩm đã được sản xuất, ứng dụng trong đời sống có tính thẩm mỹ, công năng sử dụng tốt, thân thiện với môi trường...

Mỗi tác giả, nhóm tác giả được gửi tối đa 5 tác phẩm theo 3 nhóm: Thiết kế sáng tạo; sản phẩm trang trí; sản phẩm ứng dụng. Tác giả có tác phẩm trưng bày tại triển lãm sẽ được trao giấy chứng nhận của ban tổ chức, sách giới thiệu về triển lãm và thù lao trưng bày theo quy định. Ban tổ chức nhận ảnh tác phẩm tham dự từ ngày 22-6 đến 30-6 tại Phòng Triển lãm và mỹ thuật ứng dụng, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, 38 Cao Bá Quát, Hà Nội.

Ban tổ chức sẽ trao giải thưởng cho các nhóm tác phẩm, sản phẩm xuất sắc, gồm: thiết kế sáng tạo; sản phẩm trang trí; sản phẩm ứng dụng. Mỗi bộ giải thưởng gồm 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba và 4 giải khuyến khích.

Tin cùng chuyên mục