Giáo sư Vũ Khiêu: Một học giả uyên bác

Dẫu biết nhiều năm qua, Giáo sư, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Vũ Khiêu đã nằm trong khu vực chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), song khi biết ông đã rời cõi tạm ở tuổi 106 cũng làm cho chúng tôi, những thế hệ học trò kính trọng, yêu quý ông đau buồn. Ông đã đi xuyên qua thế kỷ bằng sự minh triết, giản dị, đức độ của một học giả, nhà văn hóa, tài năng, nhân cách lớn.
 GS Vũ Khiêu
GS Vũ Khiêu

Chia sẻ sự học

Tôi không học trực tiếp ông, song qua các cuốn sách ông viết, các bài thuyết giảng của ông ở nơi này nơi khác, với tôi, ông thực sự là một người thầy lớn. Đó là một người có đầu óc uyên bác, một trí tuệ uyên bác trong các trí tuệ. Đọc nhiều, hiểu rộng, kiến thức uyên thâm nên các tác phẩm của ông đều chuẩn mực.

Là người được thừa hưởng truyền thống hiếu học của gia tộc Đặng Vũ, sau khi tốt nghiệp tú tài Trường Bonnal (Ngô Quyền - Hải Phòng) từ thời Pháp thuộc, ông đã bền bỉ nghiên cứu văn hóa Đông - Tây, từ cổ đại đến hiện đại. Với vốn kiến thức được tích lũy trong suốt cuộc đời, ông trở thành một nhà nghiên cứu văn hóa lớn. Giáo sư là nhà khoa học hàng đầu, uyên thâm cả về văn hóa phương Đông và phương Tây, có những đóng góp to lớn trong nghiên cứu lịch sử tư tưởng và văn hóa Việt Nam.

Ông đã xuất bản hơn 70 đầu sách. Đó đều là những công trình có giá trị cao về lịch sử và văn hóa nước nhà. Sách của ông bao trùm nhiều lĩnh vực: triết học, mỹ học, đạo đức học, văn học, nghệ thuật, văn hóa, xã hội, nghiên cứu và giới thiệu thơ văn, cuộc đời của một số thi hào, danh nhân... Nhiều tác phẩm của ông nghiên cứu sâu về học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Các tác phẩm của ông về vấn đề văn hóa được giới nghiên cứu và bạn đọc rộng rãi đánh giá rất cao.

GS Vũ Khiêu có tình yêu đặc biệt dành cho Hà Nội, ông dành nhiều tâm huyết để hoàn thành nhiều công trình đồ sộ trong các lĩnh vực khoa học nghiên cứu về thủ đô. Ông đã dồn tâm sức tham gia biên soạn bộ Bách khoa thư Hà Nội, trực tiếp thực hiện tác phẩm Lịch sử khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hà Nội; đồng thời làm Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học bộ sử Ngàn năm Thăng Long gồm hơn 100 cuốn. Gần đây nhất là bộ Văn hiến Thăng Long gồm 3 tập, dày 2.400 trang… GS Vũ Khiêu còn trực tiếp tham gia hàng trăm hội thảo về Hà Nội - Thăng Long cùng nhiều đề tài văn hóa xã hội khác.

GS Vũ Khiêu cũng là người có biệt tài viết câu đối và văn tế biền ngẫu (phú, văn tế, văn bia), một bậc thầy về thể văn phú, nhất là thể hiện về đề tài lịch sử, văn hiến dân tộc. Đây là những thể cổ văn rất khó, thế nhưng ông thể hiện vừa tề chỉnh niêm luật mà vẫn phóng khoáng, nhịp điệu trầm hùng đầy mỹ cảm, ngồn ngộn dữ liệu lịch sử, văn hóa mà vẫn thanh tao, hào hoa, nhã tiệp. Hệ thống các bài văn tế, văn bia, hoành phi, câu đối tại hầu khắp đền thờ anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa và đài tưởng niệm liệt sĩ trong cả nước để ngợi ca khí phách anh hùng, tâm hồn cao cả của hàng vạn anh hùng, chiến sĩ đã hy sinh anh dũng vì độc lập, tự do của dân tộc, từ bài văn tế anh hùng liệt sĩ Cách mạng Tháng Tám, văn tế Giỗ Tổ Hùng Vương, văn tế Trần Hưng Đạo... cho đến các bài minh về các vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa tiêu biểu như: Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm… đều mang đậm dấu ấn của ông.

Tri thức uyên bác, GS Vũ Khiêu luôn rộng rãi mà chia sẻ sự học cao hiểu rộng của mình tới mọi người, bất kể giàu sang hay nghèo khó, miễn là có lòng với những giá trị truyền thống của dân tộc. Ở thầy có sự “duyên dáng” khi trình bày về một chủ đề nào đó. Kiến thức của ông quá rộng, nhưng ông luôn quy nạp lại để giúp người nghe hiểu và nắm câu chuyện rõ ràng, khúc chiết. Khi được nghe ông thuyết giảng, ý nghĩa của câu nói “Nghe một tiếng bằng nghe một tuần. Nghe một bài bằng đọc cả một cuốn sách” lại đúng hơn bao giờ hết.

Trọng nghĩa tình

Không chỉ là một người thầy lớn, GS Vũ Khiêu và bố tôi, nhà thơ Lê Đại Thanh, còn có mối quan hệ rất đặc biệt từ những thời gian khó. Tôi vẫn nhớ trong những ngày gia đình tôi còn ở Hải Phòng và gặp vô vàn khó khăn, thì chỉ có hai người ở Hà Nội mở cửa đón bố tôi khi ấy là chú Chiêu Dương và chú Vũ Khiêu. Nhớ lại những năm khi còn làm ở đoàn kịch Hải Phòng, mỗi lần lên Hà Nội diễn, tôi thường đến thăm và mời thầy đến xem những đêm diễn mà vé cực kỳ khó trong những năm 60-70 của thế kỷ XX tại Nhà hát Nhân dân Hà Nội - Cung văn hóa Hữu nghị Việt - Xô hiện nay. Lúc ấy, thầy Vũ Khiêu vui lòng ngồi với tất cả mọi người để xem những vở diễn của đoàn kịch Hải Phòng của tôi khi đó. Dù không trực tiếp, dù có khoảng cách về tuổi tác, kiến thức nhưng giữa tôi và thầy Vũ Khiêu hình như vẫn có ngọn lửa của người làm nghề từ người này chuyển sang người khác.

GS Vũ Khiêu được nhiều học giả, chính khách trong và ngoài nước đánh giá là một nhà văn hóa, trí thức tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh trong thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, một nhân vật hội tụ nhiều phẩm chất cao đẹp của thời đại: có tư duy uyên bác, tầm nhìn xa trông rộng, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng, khát vọng dân tộc chân chính, luôn gần gũi và gắn bó với các tầng lớp nhân dân… Những người đến với GS Vũ Khiêu dù là chính khách hay bình dân đều được ông đón tiếp chân tình.

Ông luôn tự hào về cuộc sống vật chất có phần thanh đạm nhưng đổi lại có hàng ngàn, hàng vạn bạn bè thân hữu khắp các vùng miền của đất nước, cùng đồng tâm, đồng chí với ông hàng ngày hàng giờ nỗ lực nghiên cứu học tập, lao động, sáng tạo, đóng góp công sức, trí tuệ, tinh thần và vật chất cho nền văn hiến Việt trường tồn phát triển mãi mãi. Với ông, đó là niềm tin yêu cuộc sống, là động lực nghiên cứu sáng tạo, cống hiến không ngừng.

Tin cùng chuyên mục