Một nghiên cứu của Ngân hàng châu Á (ADB) cũng cho thấy, các mạng lưới giao thông đường bộ của TPHCM được dự báo sẽ đặc biệt dễ bị tổn thương đối với thiệt hại và gián đoạn do ngập cực đoan cũng như ngập thường xuyên, tính đến năm 2050. Sự gián đoạn kinh tế thành phố có thể xảy ra khiến người lao động không đến được nơi làm việc, hàng hóa không di chuyển được từ cảng và các khu công nghiệp.
Theo đó, đến năm 2050, với tình trạng ngập cực đoan và nếu không có kế hoạch kiểm soát ngập, tất cả các loại tuyến đường sẽ bị ngập, bao gồm tuyến đường trục 45km; đường vành đai 176km; đường tỉnh lộ và quốc lộ 115km. Đồng thời, cảng và giao thông đường thủy có thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Để giảm những rủi ro từ tác động của biến đổi khí hậu, các chương trình hành động ưu tiên của thành phố đối với ngành giao thông trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu cần phải dựa vào những đánh giá, tiêu chuẩn thiết kế về cơ sở hạ tầng, bao gồm cả đường sá, cầu cống và đê, sao cho phù hợp với tình hình ngập lụt và thời tiết dự báo. Các cơ sở hạ tầng giao thông đường sắt, metro nên được rà soát đối chiếu với các hệ quả của biến đổi khí hậu và nên được thiết kế lại, nếu cần.
Các kế hoạch giao thông công cộng và các tuyến thay thế trong các trường họp ngập nên được khuyến khích thêm, nhằm làm cho thành phố có khả năng ứng phó tốt hơn với sự gián đoạn giao thông do ngập gây ra (cũng như những lợi ích chung như giảm tắc đường, ô nhiễm không khí đô thị và sự phát thải các khí nhà kính).
Việc nâng cấp và thiết kế cảng mới nên tính đến sự tăng biên độ, để đảm bảo các cầu cảng đủ cao và bảo vệ các phương tiện, kho bãi, hoạt động lưu thông trên đất liền. Các kênh giao thông thủy lợi cần phải được nạo vét thường xuyên nếu phù sa từ xói lở đất trong lưu vực và sự sạt lở bờ sông tăng lên do các hiện tượng biến đổi khí hậu.
Liên quan đến lĩnh vực này, đại diện Sở TN-MT TPHCM cũng cho biết, để thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực giao thông, sở này đã phối hợp với Sở GTVT triển khai kế hoạch mục tiêu giảm thiểu 70% khí thải từ các hoạt động giao thông bằng các hoạt động cụ thể, như tuyên truyền hạn chế xe cá nhân, phát triển phương tiện giao thông công cộng, khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, khí CNG. Đồng thời, sử dụng các thông số quan trắc không khí giao thông để đánh giá kết quả và đưa ra những giải pháp phù hợp nhất.