Nhọc nhằn cơ sở mầm non

Từ sĩ số tăng gấp đôi
Nhọc nhằn cơ sở mầm non

Khó khăn chồng chất khó khăn – và có thể nói chưa bao giờ các cơ sở mầm non lại vật vã đến vậy trong cả núi vấn đề chung và riêng. Nào chuyện giá cả tăng chóng mặt, rồi “đại dịch” melamine mon men đến gần bữa ăn cho trẻ… đến cả cái khó nội tại “nói mãi, khổ lắm” như thiếu hụt trầm trọng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, sĩ số học sinh quá đông, cơ sở vật chất nghèo nàn… Rõ ràng, bậc học quan trọng nhất trong ngành giáo dục – đào tạo đang cần những giải pháp cứu nguy cấp bách.

Từ sĩ số tăng gấp đôi

Chưa đến 6 giờ 30, ở cổng Trường Mầm non tư thục (MNTT) Nguyễn Thị Tú (quận Tân Phú) đã thấy lác đác phụ huynh mang con đến gửi sớm. Hôm nay, cũng như mọi hôm, 18 giáo viên và bảo mẫu của trường lại bắt đầu “quay cuồng” bên 310 trẻ.

Ở phòng học lớp mầm, cô bảo mẫu cặm cụi dọn dẹp, làm vệ sinh, 2 cô giáo chia nhau dạy và chăm sóc cho gần 60 trẻ. “Cô ơi bạn Phú cắn tay con đau quá. - Sao Phú cắn tay bạn? Con nín đi, ngoan cô thương nhé. - Bạn này không cho con chơi xếp hình. - Cô Nhung, cho con búp bê đi. - Cô ơi, cô ơi…”. Cô giáo lại loay hoay đáp ứng mấy chục nhu cầu của trẻ trong cùng một lúc.

Mỗi cô giáo không thể “kham” nổi khi phải chăm sóc tỉ mỉ, chu đáo từng trẻ, từ hướng dẫn trẻ tập thể dục, rồi cho trẻ ăn sáng, vệ sinh, tổ chức sinh hoạt chung, hoạt động ngoài trời, thư viện. Chỉ mới 9 giờ sáng, lên lớp cùng trẻ chưa được bao lâu mà đầu óc của chúng tôi bắt đầu quay cuồng, hoa mắt.

Nhọc nhằn cơ sở mầm non ảnh 1

Một giáo viên không thể “kham” hơn 20 trẻ! Ảnh chụp tại Trường MNTT Nguyễn Thị Tú, quận Tân Phú. Ảnh: T.HÀ

Ở Trường Mầm non 19-5 (quận 1), hơn 10 giờ sáng, các cô đã phải chạy tới chạy lui chuẩn bị bữa ăn trưa của trẻ, và phải lo sớm vậy vì các lớp lá đều có sĩ số trên 60 học sinh trong khi “định biên” cho mỗi lớp chỉ có… 3 cô.

Cầm chiếc muỗng múc cháo cho trẻ, cô giáo Huệ mặt đẫm mồ hôi, như trong một bộ phim về bữa ăn dây chuyền của Chaplin, cứ phải tất tả chạy thoăn thoắt hết bàn này sang bàn khác để đút cho các cháu. “Nhiều cháu mình không đút thì cứ ngậm hoài không chịu nuốt, cực nhưng không thể buông xuôi chị ạ. Những ngày bệnh cũng không dám nghỉ vì bấy nhiêu trẻ đó ai sẽ chăm sóc thay mình” - cô Huệ bộc bạch.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Hiệu trưởng Trường MN 19-5, cho biết: Trước đây, khi xây dựng, chúng tôi chỉ dự trù công suất tối đa là 500 cháu, nhưng bây giờ số lượng HS của toàn trường là 978 cháu. Trong đó, có lớp lá (5 tuổi) phải nhận đến 63 HS. Bà Dung cho biết thêm sĩ số HS/lớp tăng, bắt buộc giáo viên (GV) cũng phải tăng 3 GV/lớp. Đây là vấn đề hết sức khó khăn cho nhà trường.

Hầu hết các trường mầm non ở TPHCM đều nằm trong tình trạng quá tải trầm trọng, kể cả 54 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia của TPHCM.

... Đến bữa ăn thời tăng giá

Các cô giáo không chỉ chịu áp lực vì số HS trong một lớp quá đông mà hàng ngày còn phải đau đầu vì phải tính toán cho bữa ăn của trẻ do giá cả tăng cao mà tiền ăn lại quá thấp. Ở các nhóm trẻ gia đình tiền ăn 3 bữa chỉ ở mức 10.000 đồng/ngày/HS. Trong khi đó như ở Trường MNTT Nguyễn Thị Tú có mức thu từ 12.000 - 14.000 đồng/HS/ngày nhưng cũng không đảm bảo được dinh dưỡng cho trẻ.

Cô Lê Thị Ngọc Ánh, chủ nhóm trẻ gia đình Ánh Ngọc cho biết: Do đa phần trẻ đều là con em lao động nghèo, dân nhập cư nên không thể thu tiền cao. Tiền ăn cho trẻ chỉ 10.000 đồng/trẻ/ngày. Do đó chỉ đáp ứng được khoảng 52% dinh dưỡng cả ngày cho trẻ (mức quy định là 55% - 60%).

Các quận 6, 7, 8, 9, Thủ Đức, Bình Thạnh… tiền ăn ở một số trường mầm non vẫn duy trì ở mức 12.000 - 14.000 đồng/học sinh, bao gồm cả bữa sáng và sữa cho cháu. Giá cả các loại thực phẩm, gạo, gas tăng gần gấp đôi, giáo viên phụ trách bán trú gặp rất nhiều khó khăn khi phải tính toán tiền chợ.

Một số phụ huynh lo lắng về dinh dưỡng cho con mình và đề nghị nhà trường tăng tiền ăn nhưng hầu hết các trường đều không thể thực hiện vì nhiều phụ huynh khác không có điều kiện. Bởi đối với họ tiền trường là gánh nặng từng ngày, từng giờ.

Ngoài ra, còn vô vàn những khó khăn vô hình khác đang bủa vây các cơ sở MN, đặc biệt là ở khối ngoài công lập. Và có khá nhiều cơ sở sau khi khai giảng rầm rộ đã… lặng lẽ đóng cửa vì không chịu nổi áp lực thị trường và vì thiếu sự hỗ trợ cần thiết từ phía các cơ quan chủ quản.

Năm học 2008, TPHCM có trên 235 ngàn HS mầm non, tăng trên 30 ngàn HS.

Tỷ lệ trẻ học ngoài công lập ở nhiều quận tăng cao, từ 50% - 70%. Trong đó số trẻ học tại các nhóm trẻ gia đình chiếm 25% tổng số trẻ đi học, các nhóm trẻ gia đình chỉ đạt mức tối thiểu về chất lượng và điều kiện sống nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho trẻ.

Lê Linh - Tiêu Hà

Tin cùng chuyên mục