TP Hồ Chí Minh: Tất tả tìm giáo viên mầm non

Trong năm học 2008-2009, ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp, ngành giáo dục mầm non (GDMN) TPHCM đang rốt ráo tìm nguồn giáo viên (GV) mới bù vào khoảng thiếu gần 1.000 GV cho các trường MN công lập và gần 4.000 GV, bảo mẫu cho khối MN ngoài công lập, nhóm trẻ gia đình…
TP Hồ Chí Minh: Tất tả tìm giáo viên mầm non

Trong năm học 2008-2009, ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp, ngành giáo dục mầm non (GDMN) TPHCM đang rốt ráo tìm nguồn giáo viên (GV) mới bù vào khoảng thiếu gần 1.000 GV cho các trường MN công lập và gần 4.000 GV, bảo mẫu cho khối MN ngoài công lập, nhóm trẻ gia đình… 

  • Giáo viên giỏi ra đi  

"Mỗi ngày phải chăm sóc, dạy học, kể chuyện… cho 15 đứa trẻ trong suốt 12 giờ còn cực hơn… công nhân làm tăng ca, vậy mà tiền lương chỉ ngoài 1 triệu đồng, không đủ sống. Thật tình tôi không thể nuôi nổi con ăn học thì không thể yêu trẻ và "bám" nghề dạy trẻ này lâu hơn nữa" - cô Nguyễn Thị Mười, giáo viên Trường MN tư thục An Cư (quận Tân Bình), người có kinh nghiệm nuôi dạy trẻ trên 5 năm, đã nghỉ dạy để đi làm bên ngoài, cho biết.
 
Đúng như cô Mười tâm sự, nhiều GVMN không thể "sống" với nghề vì điều kiện làm việc vất vả, thu nhập thấp. Theo thống kê mới đây của Sở GD-ĐT TPHCM, năm học vừa qua, TPHCM có 246 GVMN bỏ nghề, chiếm 1/3 số GVMN ra trường hàng năm. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng GDMN Sở GD-ĐT lý giải: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều GVMN ra đi là vì thu nhập và đời sống GV quá thấp, nhất là trong thời điểm trượt giá hiện nay. GV không đủ sống sẽ kéo theo chất lượng nuôi dạy trẻ kém, vô hình chung trẻ và phụ huynh "khổ" lây. 

TP Hồ Chí Minh: Tất tả tìm giáo viên mầm non ảnh 1
Trong năm học tới, ngành GDMN TP có đảm bảo đủ GV nuôi dạy trẻ?

Trên thực tế, không chỉ GV cũ bỏ nghề, ngành MN không còn sức hút với nguồn nhân lực trẻ. Cụ thể, trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2008, số thí sinh đăng ký vào khoa Mầm non của các trường: ĐH Sư phạm, ĐH Sài Gòn và CĐ Sư phạm Mẫu giáo Trung ương 3 giảm so với các năm trước.

Một giảng viên đào tạo GVMN của một trường ĐH kể: Sau đợt thực tập tại trường mẫu giáo, nhiều giáo sinh than làm GVMN quá vất vả, đòi hỏi phải biết rành tất tật từ chăm sóc trẻ, đến làm học cụ, nhạc lý, vẽ hình và có sức chịu đựng cao. Thực tế, nhiều giáo sinh đã không còn mặn mà với nghề sư phạm MN và quyết định bỏ nghề từ khi còn ngồi trên giảng đường.
 
Lâu nay, ngành GDMN tồn tại một hiện tượng lãng phí nhưng khá phổ biến là chảy máu chất xám nguồn GV được đào tạo chính quy, giàu kinh nghiệm. Cô Quách Thị Thúy Quỳnh, Hiệu trưởng Trường MN TPHCM cho biết: Lực lượng GVMN bỏ các cơ sở MN công lập đa số lành nghề, nhiều kinh nghiệm. Nguồn thu từ học phí của các trường công lập đã được quy định từ năm 1996 nên không thể đáp ứng được nhu cầu phát triển trường lớp và trả lương cho GV hiện nay, đặc biệt là những GV giỏi, qua đào tạo chuyên môn. Thực tế tại trường MN thành phố, nhiều GV về trường, được đào tạo thực tế 3-9 tháng vững tay nghề sau đó lại tìm đến những trường quốc tế có thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt hơn. Hiện tại, Trường MN TPHCM có nhiều GV sắp về hưu đòi hỏi phải kịp thời có một lực lượng GV mới để thay, nhưng nhà trường bó tay vì không thu hút được nguồn nhân lực trẻ. 

  •  Tăng thu nhập cho GVMN: Bao giờ? 

Để giải quyết thực trạng thiếu GVMN cho năm học mới, bà Nguyễn Thị Kim Thanh cho biết: Trước mắt, Sở GD-ĐT sẽ vận động toàn bộ nguồn GV mới ra trường từ 3 cơ sở đào tạo GVMN của TPHCM; thu hút GV có tay nghề từ các tỉnh, thành khác, kể cả nguồn GV có KT3 hoặc chưa có hộ khẩu tại TPHCM để đáp ứng 1.000 chỗ trống cho các trường MN công lập. Với các trường, lớp MN tư thục, nhóm trẻ gia đình, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp cùng các trường ĐH-CĐ đào tạo nghề các khóa ngắn hạn 3-9 tháng để cung ứng bảo mẫu, GV đảm bảo tay nghề, tránh những tai nạn bạo hành trẻ như thời gian vừa qua.
 
Tuy nhiên, biện pháp căn cơ để chấm dứt tình trạng GVMN bỏ việc là cải thiện mức thu nhập và nâng cao đời sống GV. Ngành GD TP đề xuất UBND TPHCM cho phép tăng học phí và giảm cường độ làm việc để cải thiện đời sống GV. Hiện tại, ngành GDMN TP có hơn 100 trường MN đạt chuẩn quốc gia, tiên tiến cấp TP có đủ khả năng để hạch toán và đóng góp cùng gánh những trường khó khăn ở vùng ven. Sở GD-ĐT sẽ tham mưu cho TP quy hoạch lại mạng lưới trường lớp MN hợp lý, điều phối học phí theo từng bậc học để cải thiện đời sống GV.
 
Theo bà Kim Thanh, trước mắt, các trường cần chủ động làm việc với phụ huynh học sinh (PHHS) để cùng nhau giữ chân GV ở lại. Cụ thể, quận Gò Vấp đã chủ động tăng phí học bán trú của trẻ để cải thiện lương cho GV và mang lại kết quả rất khả quan. Thực tế, nhiều PHHS rất muốn đóng góp cùng nhà trường nâng cao mức sống để GV an tâm chăm lo cho trẻ. Một phụ huynh có con đang học lớp Lá tại Trường Mẫu giáo Sơn Ca 7 quận 11 ủng hộ: "Tôi không yên tâm khi thuê người về nhà trông con vừa tốn kém lại không an toàn vì họ không có chuyên môn nuôi dạy trẻ. Tôi sẵn sàng đóng góp để các cô giáo toàn tâm toàn ý chăm lo cho các cháu…".
 
Trao đổi với một số nhà quản lý của các trường MN, biện pháp các trường tự thân vận động và dựa vào sự đóng góp của phụ huynh để giữ chân GV là không hiệu quả, thiếu căn cơ khoa học. Ban giám hiệu các trường đang mong chờ động thái tích cực từ chính quyền các cấp và ngành GD TP giải quyết rốt ráo, dứt điểm tình trạng thiếu nguồn GVMN đã tồn tại nhiều năm qua  

TIÊU HÀ

Tin cùng chuyên mục