Gìn giữ và phát huy các giá trị nghệ thuật tuồng, hát bội

Sở VH-TT TPHCM vừa phối hợp Sở VH-TT tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị chuyên đề Công tác bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống và di sản văn hóa phi vật thể tại tỉnh Bình Định và TPHCM.

Tại đây, nhiều ý kiến đã nêu ra những khó khăn, hiến kế các mô hình, giải pháp để bảo tồn cũng như đưa nghệ thuật tuồng, hát bội đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ.

Trích đoạn Tạ Ôn Đình chém Khương Linh Tá của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM


Cạn kiệt nguồn nhân lực

Công tác đào tạo, truyền nghề, thu hút lực lượng trẻ tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật tuồng, hát bội đang gặp phải muôn vàn khó khăn, từ khâu tuyển dụng, điều kiện tham gia vào nhà hát, đến công tác đào tạo truyền nghề, đời sống nghệ sĩ… Nghệ sĩ Đặng Minh Ngọc, Phó trưởng đoàn tuồng, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định, tâm tư: “Theo dự tính, nguồn nhân lực của nhà hát trong 5 năm tới sẽ cạn kiệt. Dù rằng tỉnh đã cho cơ chế mở trong tuyển diễn viên vừa học vừa làm, thế nhưng, việc tuyển chọn không hề dễ. Cơ chế thì cho nhưng buộc phải tuyển bạn trẻ có bằng cấp, trong khi đó, lương khởi điểm của các bạn trẻ mới vào nhà hát lại quá thấp, chỉ 2-3 triệu đồng/tháng, các em lại phải tự đi thuê chỗ ở. Tiền lương không đủ trang trải những điều căn bản của cuộc sống thì làm sao giữ chân các em theo nghề, bám trụ với nghề?”. 

Thực trạng này cũng hiện diện trong công tác tuyển dụng nguồn nhân lực của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội của TPHCM. Không chỉ thiếu về nhân lực, nghệ thuật tuồng, hát bội còn đang lâm vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng cả về cơ sở vật chất. TS Võ Minh Hải (khoa KHXH-NV, Trường ĐH Quy Nhơn) cho biết: “Bình Định là nơi ghi dấu nhiều tác giả lừng lẫy của sân khấu tuồng như Đào Duy Từ, Đào Tấn. Thế nhưng, đến nay tỉnh vẫn chưa có được bảo tàng hát tuồng, không gian trưng bày trang phục, đạo cụ, kịch bản, mặt nạ tuồng..., hay trong thời đại số hóa hiện nay là xây dựng các mô hình trưng bày nghệ thuật tuồng, hát bội trên nền tảng không gian 3D, xây dựng ấn phẩm du lịch. Có được những không gian văn hóa hát bội, tuồng như thế sẽ hỗ trợ cho việc tuyên truyền, quảng bá nét đẹp đặc sắc của loại hình nghệ thuật này đến khách du lịch, giúp hát bội đến với nhiều người trẻ”.

Cần hợp đồng với nghệ sĩ

Trước rất nhiều luồng ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh đầu tư cho nghệ thuật truyền thống, trong đó có việc tăng đãi ngộ đối với nghệ sĩ mà tiêu biểu là tăng nguồn tiền hỗ trợ, NSND Trần Ngọc Giàu nêu ý kiến: “Tôi hoàn toàn ủng hộ quan niệm rằng nghệ thuật truyền thống có giá trị văn hóa và cần phải bảo tồn. Cụ thể nhất là bảo tồn, duy trì chính các nghệ sĩ. Thế nhưng, nếu xem việc bảo tồn nghệ sĩ trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống chỉ thuần túy là hỗ trợ tiền thông qua chính sách đãi ngộ đặc thù thì tôi không tán thành. Nếu làm không khéo sẽ giống như nghệ sĩ phải đi xin chế độ chính sách. Thay vào đó, Nhà nước nên xây dựng những hợp đồng với nghệ sĩ để họ gìn giữ văn hóa phi vật thể. Thỏa thuận trong hợp đồng đó phải làm sao để nghệ sĩ cảm thấy vinh dự khi đang trực tiếp thực hiện sứ mệnh gìn giữ văn hóa truyền thống. Và việc trả tiền thông qua hợp đồng cũng cần có đảm bảo sự minh bạch, thỏa đáng để nghệ sĩ phải tập trung rèn luyện, trau dồi tay nghề, gìn giữ văn hóa nghệ thuật quý giá đó cho Nhà nước…”. 

Nhà báo - đạo diễn Thanh Hiệp, Trưởng ban Lý luận phê bình Hội Sân khấu TPHCM, chia sẻ: “Nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật dân tộc đang thiếu sự đồng bộ trong hoạt động và phát triển. Cần thiết phải đẩy mạnh và mở rộng hơn công tác lý luận phê bình, xây dựng các giáo trình giáo án bộ môn hát bội mang tính đúc kết khoa học, đầy đủ để hỗ trợ công tác truyền nghề, đào tạo. TPHCM và Bình Định nên thành lập trang web về tuồng, hát bội để ghi nhận những ý kiến và hiểu hơn nhu cầu của khán giả. Khán giả trẻ luôn gắn với công nghệ hiện đại, vậy thì nghệ thuật truyền thống cũng phải vận dụng công nghệ để quảng bá, lan tỏa, tiếp cận nhiều hơn với khán giả trẻ. Nghệ thuật hát bội nên quan tâm và chú trọng đến lực lượng kế thừa, đặc biệt là quan tâm những người thầy đang bám trụ công tác đào tạo truyền nghề ở cả các đơn vị nghệ thuật công lập lẫn đơn vị nghệ thuật xã hội hóa tại TPHCM…”.

Tin cùng chuyên mục