Giữ bản sắc bằng... bản sắc

Tại TPHCM, trong những hoạt động chào mừng các sự kiện lớn của đất nước từ nay đến Tết Tân Sửu 2021, đờn ca tài tử (ĐCTT) đã có sự xuất hiện đáng mong đợi. Bên cạnh 2 đêm Nhạc hội ĐCTT Nam bộ vào cuối tháng 1-2021, ĐCTT sẽ xuất hiện trên những sân khấu di động ở chợ hoa “Trên bến dưới thuyền” (bến Bình Đông, quận 8) dịp Tết cổ truyền tới đây. 

Bản sắc văn hóa của một cộng đồng, đó chính là điều làm cho cộng đồng đó có sự khác biệt so với những cộng đồng khác. Trong ý nghĩa đó, ĐCTT hay cải lương thật sự là một bản sắc văn hóa của miền Nam và người miền Nam.

Bên cạnh đó, trên phương diện kinh tế, ĐCTT thực sự là một “đặc sản” của du lịch Nam bộ nói chung và của TPHCM nói riêng. Nếu làm đúng cách thì có thể khai thác có hiệu quả đặc sản này, vừa đảm bảo yếu tố bảo tồn văn hóa vừa góp phần phát triển du lịch, kinh tế.

TPHCM là một trung tâm kinh tế lớn, hội tụ nhiều nghệ sĩ - nghệ nhân. TPHCM có đủ lý do để đưa ĐCTT trở thành trọng tâm trong thiết kế không gian văn hóa của mình. Bên cạnh việc trưng bày hay trình diễn ĐCTT, TPHCM có thể tạo điểm nhấn khác như triển lãm hay vẽ tranh, treo hình những đoàn hát lớn, những nghệ sĩ - nghệ nhân lớn ở những không gian văn hóa.

Việc làm này không nên chỉ tập trung ở các nhà triển lãm, nhà hát hay nhà văn hóa, mà nên nghĩ đến những không gian văn hóa gần gũi, dễ tiếp cận để người dân, nhất là giới trẻ có thể tiếp cận dễ dàng, nhìn lâu rồi thành quen và đi vào tiềm thức. Những không gian dễ tiếp cận đó có thể là các công viên, vách tường ở các vỉa hè, hay ở các trạm dừng xe buýt…

Chúng ta không lo ngại là nhiều hình ảnh truyền thống sẽ khiến TPHCM mất vẻ hiện đại, mà thiết kế không gian văn hóa đô thị phải tạo điểm nhấn bằng di sản, bằng bản sắc. Thử tưởng tượng ở một nhà chờ xe buýt hiện đại có vẽ hình một rạp hát cải lương xưa hay một buổi ĐCTT thì đẹp biết bao nhiêu!

Cũng nên chú ý đến việc đưa ĐCTT vào các tuyến du lịch. Mỗi đơn vị lữ hành chọn cho mình một điểm biểu diễn ĐCTT, cải lương để du khách thưởng thức. Đâu cần thiết phải sân khấu đèn màu hoành tráng, mà chỉ cần một góc nhỏ trên thảm cỏ xanh như ở Khu du lịch Bình Quới hay Khu du lịch Văn Thánh cũng đủ hay và đủ gần gũi rồi. Làm tốt sẽ tạo được lối thoát cho cái ngõ cụt mà bấy lâu nay nhiều nơi vẫn chưa thoát được: ĐCTT ít người coi, thua lỗ thì làm sao có tiền làm tiếp để góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa như mong muốn?

Trên phạm vi thành phố, cũng nên tạo một không gian văn hóa chung cho ĐCTT. Chúng ta đã có Đường sách TPHCM là một điểm hẹn văn hóa. Có thể lấy một góc nhỏ ở đường sách phục vụ cho ĐCTT và các CLB sẽ đăng ký luân phiên đến biểu diễn. Còn nếu như có nhiều thời gian và để tạo điểm nhấn thực sự, nên tìm một con đường và sử dụng con đường này phục vụ cho nghệ thuật truyền thống nói chung, trong đó có ĐCTT.

Cách thiết kế phải khéo léo làm sao để các thể loại truyền thống đều có không gian trưng bày, biểu diễn. Con đường sẽ trở thành một không gian văn hóa, một địa điểm quan trọng trong các tour du lịch khi du khách ghé TPHCM, vừa làm du lịch vừa bảo tồn nghề tổ truyền. 

Trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế là tất yếu. Hội nhập quốc tế thì phải chú ý đến “hòa nhập mà không hòa tan”, phải làm có bài bản, không quá đà và phải hội nhập trên cơ sở bám cho sâu, cho chắc vào gốc rễ văn hóa dân tộc. Nhìn sang các nước được gọi là phát triển quanh ta như Hàn Quốc hay Nhật Bản, họ hội nhập rất sâu mà giữ gìn bản sắc văn hóa cũng rất tốt. 

Trên tinh thần đó, thiết kế không gian văn hóa tại TPHCM cũng cần chú trọng hơn đến việc kết hợp hài hòa giữa hiện đại và truyền thống. Làm sao để khi du khách đến, nhìn vào các không gian văn hóa đó, người ta thấy được sự trang trọng, bài bản, tinh tế mang đậm tính hiện đại, đồng thời cũng nhận ra chất đặc sắc, điểm nhấn riêng của văn hóa bản địa.

Tin cùng chuyên mục