Giữ gìn nghề đóng bánh nổ thủ công

Từ đầu tháng 11 Âm lịch, làng làm bánh nổ truyền thống thôn Điền Trang (xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) lại tất bật đóng bánh nổ để kịp xuất hàng đi khắp mọi miền phục vụ dịp cúng, giỗ tháng Chạp và Tết Nguyên đán.

Người dân giữ nghề làm bánh nổ truyền thống thôn Điền Trang (xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi). Thực hiện: NGUYỄN TRANG

Đã từ lâu, mỗi lễ cúng, giỗ gia tiên vào tháng Chạp ở xứ Quảng, dẫu trên bàn bày biện bao nhiêu thức ngon vẫn không thiếu bánh nổ ở mâm lễ. Do vậy, để kịp phục vụ nhu cầu, ngay từ đầu tháng 11 Âm lịch, người dân thôn Điền Trang rộn ràng làm bánh nổ kịp xuất đi khắp các tỉnh, thành.

Bước vào thôn Điền Trang đã nghe tiếng nổ “to như pháo rang” của những nhà làm bánh nổ, tiếng đóng chày liên tục để ép bánh nổ thủ công và mùi thơm phức pha lẫn hương gừng phả vào không gian.

banh-no-17-1-of-1-8412.jpg
Người dân thôn Điền Trang (xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) giữ gìn nghề làm bánh nổ truyền thống. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Đinh Duy Nam (56 tuổi, thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung) cho biết: “Nghề làm bánh nổ có từ xa xưa và được giữ gìn đến ngày nay. Ban đầu, bánh nổ được làm từ hạt gạo đi mót về (lúa còn sót lại ngoài đồng sau thu hoạch mang về chế biến - PV), về sau, người dân dùng nếp ngự Sa Huỳnh để làm bánh nổ tạo nên hương vị đặc trưng Quảng Ngãi”.

Nếp ngự Sa Huỳnh là sản vật nổi tiếng của vùng đất Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Tương truyền, loại gạo nếp ngự Sa Huỳnh dùng để tiến vua. Hạt nếp mẩy tròn, dẻo thơm và làm bánh rất ngon.

Gạo nếp được đưa vào bếp để rang thủ công đến khi nghe tiếng nổ nghĩa là nếp đã nở như “pháo” và có màu trắng tinh khôi. Bà Trần Thị Vàng (67 tuổi, thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung) tiến hành lựa những hạt nếp nổ không đều, lép khỏi rổ tre. Xong công đoạn sàng lọc, bà Vàng bắc nồi nấu đường, đường sôi độ 15 phút thì giảm lửa riu riu, trộn đều tay, sên cho đến khi đường tới. Sau đó, bà cho gừng đã giã nhuyễn vào nồi đường, tay khuấy đều liên tục để đường không bị cháy xém… Cứ như vậy, đến khi mùi thơm của gừng ngào ngạt lẫn vị đường ngọt lịm. Tùy vào nhu cầu, người thợ cho thêm nước đường nấu trộn với gừng, mè, vani, quế…

Lúc này, bà Nguyễn Thị Cẩm Trang (48 tuổi, thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung) nhanh chóng đổ nước đường gừng đã nấu pha vào nếp nổ, trộn hỗn hợp này lên và cho vào ống gỗ lớn để tiến hành đóng chày ép bánh.

Ông Nam cầm chày giã liên hồi vào ống gỗ để ép bánh nổ thủ công. Những cây bánh nổ dài khoảng 50cm được đưa ra khỏi ống gỗ, xếp ngay ngắn để chờ công đoạn cắt bánh nổ thành hình chữ nhật, hình vuông. Cuối cùng, để bánh nổ giòn ngon, người thợ thủ công phải ủ nóng bánh lần cuối trên giàn phơi đã sẵn than đỏ.

banh-no-2-5128.jpg
Ông Nam dùng chày và búa đóng liên tục vào khung gỗ để ép thành cây bánh nổ. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Công việc làm bánh nổ vất vả thế nhưng ông Nam, bà Vàng, bà Trang… và nhiều hộ dân ở thôn Điền Trang vẫn giữ nghề truyền thống từ cha ông để lại. Bà Trang cho biết: “Thường ngày gia đình tôi vẫn làm bánh nổ nhưng từ tháng 11 Âm lịch thì làm nhiều hơn ngày thường. Nhà nào cúng giỗ gia tiên cũng cần bánh nổ, mỗi ngày làm 500 cây bánh nổ tương đương khoảng 4 tạ bánh/ngày, giá bán bánh nổ dao động 25.000-30.000 đồng/gói”.

Thời gian gần đây, nghề làm bánh nổ ứng dụng kỹ thuật hiện đại hơn, thay vì rang nếp bằng củi than, người ta rang bằng lò điện, công việc đóng bánh cũng bằng máy móc, tăng sản lượng lên gấp chục lần. Thế nhưng, nhiều gia đình còn giữ nếp nghề xưa vẫn giữ cách làm truyền thống như nét đẹp của người dân thôn Điền Trang.

Ông Nguyễn Đình Vinh, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung cho biết, nghề làm bánh nổ truyền thống có từ rất lâu đời, tuy nhiên đến nay chỉ hơn 10 hộ còn giữ nghề làm bánh nổ, tập trung chủ yếu thôn Điền Trang. Hiện nay địa phương đang định hướng xây dựng bánh nổ trở thành sản phẩm OCOP, xuất đi khắp các tỉnh, thành cả nước.

>>Giữ nghề làm bánh nổ truyền thống thôn Điền Trang

banh-no-16-1-of-1-2960.jpg
Nếp đã được rang nổ như "pháo" để chuẩn bị làm bánh nổ. Ảnh: NGUYỄN TRANG
banh-no-15-1-of-1-8274.jpg
Nếp ngự khi rang nổ có màu trắng tinh khôi, rất thơm và ngon. Ảnh: NGUYỄN TRANG
banh-no-4-1521.jpg
Bà Trần Thị Vàng (67 tuổi, thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung) đang nấu đường. Ảnh: NGUYỄN TRANG
banh-no-6-4787.jpg
Sau khi đường sên lại thì đổ vào nồi nhỏ hơn để nấu chung với gừng và các gia vị khác. Ảnh: NGUYỄN TRANG
banh-no-7-1-of-1-3747.jpg
Bà Nguyễn Thị Cẩm Trang (48 tuổi, thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung) trộn đều nếp nổ với nước đường gừng đã nấu để cho vào khung gỗ ép thành bánh. Ảnh: NGUYỄN TRANG
banh-no-10-1-of-1-2716.jpg
Công đoạn này rất quan trọng để bánh nổ được ép chặt, đều và đẹp. Ảnh: NGUYỄN TRANG
banh-no-8-1-of-1-9835.jpg
Ông Đinh Duy Nam (56 tuổi, thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung) dùng chày, búa gõ liên hồi vào ống gỗ để ép bánh. Ảnh: NGUYỄN TRANG
banh-no-3784.jpg
Ông Nam đã làm công đoạn này trong suốt hơn 30 năm qua. Ảnh: NGUYỄN TRANG
banh-no-13-1-of-1-7602.jpg
Bánh nổ được đưa đến bàn của ông Nớp để cắt lại cho đều. Ảnh: NGUYỄN TRANG
banh-no-6-1-of-1-8166.jpg
Bánh nổ được cắt lại cho đều, đẹp mắt. Ảnh: NGUYỄN TRANG
banh-no-5-1-of-1-487.jpg
Bánh nổ là đặc sản truyền thống của người dân Quảng Ngãi và luôn có trong dịp cúng, giỗ gia tiên. Ảnh: NGUYỄN TRANG
banh-no-3-1-of-1-2101.jpg
Những chiếc bánh nổ trải qua rất nhiều công đoạn. Ảnh: NGUYỄN TRANG
banh-no-17-1-of-1-8412.jpg
Phơi bánh nổ và đóng gói. Ảnh: NGUYỄN TRANG
banh-no-1-1-of-1-3792.jpg
Hiện nay chỉ còn khoảng trên 10 hộ giữ nghề làm bánh nổ. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Tin cùng chuyên mục