Tờ trình Bộ Chính trị về Đề án tổng kết Nghị quyết 20-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2010 (Tiếp theo)

Giữ vững ổn định chính trị, duy trì tăng trưởng kinh tế

c. Nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại

c. Nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại

- Quy hoạch: chất lượng công tác quy hoạch được nâng lên, gắn quy hoạch thành phố với quy hoạch Vùng đô thị TPHCM, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng Đông Nam bộ, gắn quy hoạch xây dựng chung với quy hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch các ngành - lĩnh vực; tổ chức thi tuyển quy hoạch - kiến trúc và thuê tư vấn quốc tế lập đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị, tăng cường đào tạo cán bộ làm công tác quy hoạch, kiến trúc đô thị.

- Kết cấu hạ tầng đô thị: được tập trung đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng bằng nhiều nguồn vốn trong và ngoài nước; hệ thống đường vành đai, trục xuyên tâm từng bước được đầu tư xây dựng(1). Chú trọng đầu tư thực hiện các dự án phát triển nguồn cung cấp nước và mạng lưới cấp nước (đáp ứng nhu cầu nước sạch cho 93,75% hộ dân nội thành và ngoại thành), thoát nước từng bước khắc phục tình trạng ngập nước trên địa bàn.

- Phát triển nhà ở và chỉnh trang đô thị: khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng chung cư cao tầng để tạo quỹ nhà ở; tạo vốn từ đấu giá quyền sử dụng đất; tổ chức chỉnh trang các khu dân cư lụp xụp, chung cư hư hỏng nặng; đồng thời đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, triển khai xây dựng các khu đô thị mới (Khu Nam, Thủ Thiêm, Tây Bắc); đầu tư xây dựng ký túc xá sinh viên, khu lưu trú công nhân, nhà ở xã hội,… góp phần nâng diện tích nhà ở đến nay đạt bình quân 15,44 m2/người.

- Di dời hệ thống cảng biển: đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển thuộc thành phố và các tỉnh trong khu vực; quy hoạch chi tiết nhóm cảng số 5, quy hoạch di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy Ba Son; đầu tư xây dựng cảng thành phố tại Cát Lái và Hiệp Phước. Việc quy hoạch, xây dựng mới, di dời cảng biển không ảnh hưởng đến hoạt động xuất - nhập khẩu, đã tăng thêm công suất cảng, bảo đảm hoạt động vận tải biển thông suốt, an toàn.

- Công tác quản lý, bảo vệ và xử lý môi trường: được chú trọng thực hiện; hoàn thành cơ bản việc di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường vào các khu công nghiệp theo quy hoạch; tất cả các khu chế xuất - khu công nghiệp đều xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; thực hiện việc trồng cây ở các khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, các chung cư,… phát triển mảng xanh ở vùng ven; quản lý chặt chẽ rừng phòng hộ; tăng cường việc quản lý tài nguyên nước mặt, nước ngầm, đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải, chất thải rắn, hệ thống xử lý chất thải y tế,… tổ chức nạo vét khơi thông kênh rạch, tiếp tục giải tỏa các nhà lụp xụp ven và trên kênh rạch; phối hợp các tỉnh có liên quan xử lý ô nhiễm môi trường.

d. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, giáo dục - đào tạo có chuyển biến tích cực; chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên

TPHCM đã tập trung triển khai thực hiện 7 chương trình nhánh thuộc chương trình phát triển nguồn nhân lực; hoàn thành quy hoạch chi tiết mạng lưới trường học tại các quận - huyện đến năm 2020, bố trí quỹ đất và tăng đầu tư xây dựng trường học theo quy hoạch phát triển giáo dục - đào tạo (2); chuẩn hóa đội ngũ giáo viên ở các ngành học, bậc học vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra,... góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo trên địa bàn thành phố (3); triển khai quy hoạch xây dựng khu đại học Tây Bắc và Đông Bắc thành phố; đưa vào hoạt động Khu Công nghệ cao, Viện Khoa học công nghệ tính toán; thực hiện một số chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Khoa học xã hội và nhân văn được quan tâm đầu tư và phát huy hiệu quả.

Các chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe cộng đồng đạt kết quả thiết thực; cơ sở vật chất ngành y tế được đầu tư nâng cấp, mở rộng; việc phát triển các bệnh viện tư nhân, bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài và một số cơ sở y tế kỹ thuật cao đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám và điều trị bệnh ngày càng tăng của nhân dân thành phố và các địa phương trong khu vực.

Thể dục - thể thao được chú trọng đầu tư phát triển theo hướng xã hội hóa; phong trào thể dục - thể thao, rèn luyện thân thể ngày càng phát triển, góp phần nâng cao thể chất của nhân dân.

e. Chăm lo phát triển văn hóa - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân

Tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư nâng cấp các công trình, thiết chế văn hóa; định hướng phát triển báo chí, xuất bản, văn học - nghệ thuật gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các tiêu cực trong xã hội, từng bước nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, nhất là khu vực nông thôn.

Thực hiện các chính sách xã hội như giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, chăm lo gia đình chính sách, hộ nghèo,... đạt kết quả thiết thực; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí 12 triệu đồng/người/năm đến nay còn 3,79%.

f. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh, nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp và đối ngoại

Tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về quốc phòng, an ninh, gắn quy hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội với xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, thế trận an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân, quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang thành phố vững mạnh toàn diện, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Chủ động luyện tập, diễn tập các phương án, đề ra nhiều biện pháp phòng ngừa, xử lý các tình huống xảy ra trên địa bàn; quan tâm chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý kịp thời, có hiệu quả các vụ khiếu kiện, nhất là các vụ “khiếu kiện đông người”; đẩy mạnh chương trình mục tiêu 3 giảm, đấu tranh phòng, chống, kéo giảm tội phạm, tệ nạn xã hội; bảo đảm giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Công tác cải cách tư pháp được đẩy mạnh, có những chuyển biến tích cực. Chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, tranh tụng tại phiên tòa, thi hành án được nâng lên; tòa án nhân dân quận, huyện thực hiện khá tốt thẩm quyền được tăng thêm và mở rộng; tình trạng truy tố, xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm từng bước được khắc phục; nhiều vụ án và thi hành án dân sự tồn đọng, kéo dài được tập trung xử lý. Thực hiện tốt thí điểm tổ chức thừa phát lại, xã hội hóa hoạt động công chứng.

Hoạt động đối ngoại của thành phố được triển khai đồng bộ và tích cực trên các mặt, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, phục vụ thiết thực mục tiêu phát triển và hội nhập quốc tế của thành phố, tạo thêm thế và lực, uy tín của TPHCM trên trường quốc tế.

g. Tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị thành phố

- Xây dựng Đảng bộ thành phố trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên

Tập trung lãnh đạo nâng cao tính chiến đấu, sức thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới. Đẩy mạnh việc tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong hệ thống chính trị và xã hội, bước đầu đạt một số kết quả thiết thực trong việc ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Chú trọng thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, công tác kết nạp Đảng trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, xuất bản và văn nghệ sĩ. Việc thực hiện thí điểm chủ trương bí thư đồng thời là chủ tịch UBND quận, huyện, phường - xã, thị trấn bước đầu đạt một số kết quả trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phát huy tính chủ động, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, quản lý địa phương.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược cán bộ đến năm 2020; nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình quy hoạch cán bộ dài hạn, chương trình đưa cán bộ trẻ về cơ sở, chương trình đào tạo 300, 500 thạc sĩ, tiến sĩ; chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân, cán bộ nữ, cán bộ trẻ tuổi; tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo đảm yêu cầu xây dựng hệ thống chính trị.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành điều lệ, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, việc phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí và thực hiện nhiệm vụ của các tổ chức Đảng và đảng viên, đặc biệt là các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực. Qua kiểm tra, giám sát, đã kịp thời phát hiện, chỉ đạo bổ sung, điều chỉnh những quy định không còn phù hợp thuộc thẩm quyền thành phố; chỉ đạo các địa phương, đơn vị chấn chỉnh công tác quản lý và kiến nghị Trung ương bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới các quy định, chế độ, chính sách cần thiết.

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và các cấp ủy; qua đó, tăng cường vai trò hạt nhân, nâng cao năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng bộ đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở.

(Còn tiếp)


(1) Giai đoạn 2002 - 2011, tổng chiều dài cầu, đường được sửa chữa, nâng cấp là 523,5km, diện tích cầu, đường tăng thêm là 4.204.800m2.

(2) Chi cho giáo dục chiếm 27,7% ngân sách chi thường xuyên, 20% ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố.

(3) Năm 2011 so với năm 2002 số lớp học tiểu học và trung học tăng 21%, số giáo viên tăng 36%; số học sinh cả 3 cấp tăng 16%; trong đó, số học sinh tiểu học tăng 19%; số học sinh trung học cơ sở tăng 6%, số học sinh trung học phổ thông tăng 31%, số sinh viên tăng 2,4 lần (704.118/212.833 sinh viên).

Thông tin liên quan

- Giữ vững ổn định chính trị, duy trì tăng trưởng kinh tế

Tin cùng chuyên mục