Năm học 2017-2018, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Bình Phước có 341 học sinh, trong đó có đến 97,36% là con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh theo học. Xác định được việc học sinh bỏ học để lại hậu quả không tốt cho chính bản thân các em trong tương lai; đồng thời còn gây lãng phí ngân sách nhà nước và làm chậm tiến độ phổ cập bậc THPT của tỉnh, nên trường đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ giảng dạy - chú trọng đến việc tiếp thu kiến thức của học sinh dân tộc thông qua việc đổi mới phương pháp dạy học phù hợp từng bài, từng môn học và với đối tượng học sinh dân tộc thiểu số.
Nói về nhiệm vụ trong năm học mới 2018-2019, thầy Dương Minh Châu (hiệu trưởng nhà trường) cho biết, trường tiếp tục tập trung thực hiện tốt phương châm dạy thực chất - học thực chất - thi thực chất; tổ chức các kỳ thi học kỳ và thi học sinh giỏi nghiêm túc từ khâu ra đề, coi thi, chấm thi và lên điểm; đảm bảo kỷ cương nề nếp học đường, khắc phục tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp, bỏ học. Bên cạnh đó, trường cũng đẩy mạnh cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”, thông qua cách ứng xử chuẩn mực, có lối sống lành mạnh với đồng nghiệp, với học sinh. Tích cực đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào soạn giảng và quản lý để học sinh noi theo. |
Kết quả xếp loại học lực cuối năm có 63 em đạt loại giỏi (tỷ lệ 18,48%), 205 em đạt loại khá (60%), 71 em trung bình và 2 em yếu (tỷ lệ 0,59%). Về hạnh kiểm, có 326 em xếp loại tốt và 15 em xếp loại khá, không có em nào bị xếp loại hạnh kiểm trung bình.
Đặc biệt, 2 năm liền trường có tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 100%, với điểm trung bình các môn thi đứng thứ 3 toàn tỉnh (sau Trường THPT chuyên Quang Trung và Trường THPT chuyên Bình Long). Tỷ lệ học sinh đậu vào cao đẳng, đại học đã tăng từ 52,50% của năm học 2016-2017 lên 68,63% trong năm học vừa qua. Đây là một trong những nguồn nhân lực quan trọng, bổ sung thường xuyên cho các xã, huyện trong tỉnh, nhất là khu vực có đông đồng bào dân tộc sinh sống (như các huyện Lộc Ninh, Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia Mập…)