Chọn đam mê để nghiên cứu
GS Đàm Thanh Sơn là cựu học sinh khối chuyên Toán - Tin, Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ông từng đoạt huy chương vàng tại Olympic Toán quốc tế 1984 tổ chức ở Praha (Cộng hòa Séc) với số điểm tuyệt đối 42/42 (khi ấy mới 15 tuổi); bảo vệ luận án tiến sĩ tại Trường ĐH Tổng hợp Moskva (Liên Xô) năm 25 tuổi… “Sau này người ta cho tôi được lựa chọn để học đại học, tôi đã chọn môn Vật lý. Lý do là từ bé tôi đã rất thích môn này. Hồi nhỏ tôi có đọc một số sách khoa học phổ biến về vật lý. Tôi nhớ có 2 cuốn sách về vật lý cổ điển và cuốn thứ hai là vật lý hiện đại. Tôi thấy vật lý lý thuyết tương đối, cơ học điện tử vẫn là những cái rất hay nên tôi muốn tìm hiểu… Năm 1993, tôi vẫn còn là nghiên cứu sinh, khi ấy có sự kiện gặp gỡ khoa học đầu tiên tại Việt Nam do GS Trần Thanh Vân khởi xướng. Tôi đã có cơ hội mở rộng tầm nhìn, được gặp các nhà khoa học từ nhiều nước khác nhau; những người đang làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong vật lý. Nhiều người tôi gặp năm 1993, trở thành những người bạn lâu dài của tôi sau này”, GS Đàm Thanh Sơn kể lại và chia sẻ.
Khi tốt nghiệp đại học và may mắn tìm được một giáo sư hướng dẫn rất giỏi mà GS Đàm Thanh Sơn ngưỡng mộ, đó là GS Valery Rubakov, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Moskva. Bản thân GS Valery Rubakov, khi làm nghiên cứu sinh đã tìm ra một hiệu ứng trong lĩnh vực vật lý nổi tiếng, được giới khoa học đánh giá cao. GS Đàm Thanh Sơn làm việc với GS Valery Rubakov 4 năm và bảo vệ luận án tiến sĩ tại đây năm 25 tuổi. Sau đó thành giáo sư ở Trường Đại học Colombia ở Mỹ.
Hướng về cội nguồn
Tuy học tập, nghiên cứu ở những môi trường khoa học lớn trên thế giới, trong tâm thức GS Đàm Thanh Sơn luôn hướng về quê hương. Mới đây, tại lễ kỷ niệm 25 năm Gặp gỡ khoa học Việt Nam ở ICISE (thung lũng Quy Hòa, Quy Nhơn, Bình Định), GS Đàm Thanh Sơn, nhìn nhận: “Từ năm 1993, khi có Gặp gỡ khoa học Việt Nam đầu tiên tới nay, đã có nhiều thay đổi trong vị thế của Việt Nam và trên thế giới cũng như trong kiến thức của chúng ta về Vật lý. Chúng ta hiểu rất nhiều về thành phần vũ trụ so với năm 1993. Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế phát triển rất nhanh. Nhiều sinh viên Việt Nam được gửi ra nước ngoài học, trong nhiều lĩnh vực, kể cả trong ngành Vật lý. Tuy vậy, chúng ta còn đó nhiều thách thức khẩn thiết hơn. Việt Nam vẫn cần những viện nghiên cứu, trường đại học tầm cỡ quốc tế. Vì không có những các viện và những trường đại học này thì trong giới trẻ làm khoa học, sự “chảy máu chất xám” sẽ vẫn tiếp tục. Trong thời gian qua, nhiều người trong số chúng tôi đã nghĩ và tìm cách nâng cao chất lượng khoa học tại Việt Nam và chúng tôi hiểu rằng đây là 1 bài toán khó. Hôm nay, Trung tâm ICISE này là một ví dụ cho chúng tôi thấy được, tin tưởng vào triển vọng của khoa học ở Việt Nam tươi sáng hơn”.
Với học sinh ưu tú, giới trẻ đam mê khoa học tại Việt Nam, GS Đàm Thanh Sơn khuyên bảo: Nếu có điều kiện, các em cần phải ra ngoài để mở mang tầm nhìn. Tuy vậy, ông cũng luôn hướng các em học sinh Việt Nam, khi đã thành công thì phải hướng về phụng sự cho quê hương, đất nước mình. Căn dặn với học sinh ưu tú Việt Nam, những cái mình không hiểu thì đừng nên tốn nhiều thời gian để tìm hiểu. Mà nên hỏi đồng nghiệp, thầy giáo để vượt qua nhanh chóng hơn. Việc giao tiếp và cộng tác với những người đồng nghiệp rất quan trọng. GS Đàm Thanh Sơn chia sẻ bí quyết giúp thành công: “Chỉ có hai phẩm chất, một là niềm đam mê, thứ hai là trí tò mò. Phải luôn giữ được hai thứ đó là sẽ thành công”.
GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam, nhấn mạnh: “Đây là một vinh dự rất lớn cho Việt Nam. Lần đầu tiên chúng ta có 1 nhà khoa học danh tiếng được sự kính trọng của quốc tế như thế. Giải thưởng này không chỉ là vinh dự riêng cho GS Đàm Thanh Sơn mà còn là vinh dự cho giới khoa học Việt Nam và là niềm hãnh diện cho nước nhà. Các nhà khoa học thế giới cũng đánh giá GS Đàm Thanh Sơn là người đầu tiên kết hợp được Vật lý chất rắn và Vật lý công nghệ cao, mở ra một con đường mới cho tương lai”.
Theo ICTP, GS Đàm Thanh Sơn là người đầu tiên hiểu rằng tính hai chiều của đo/trọng lực có thể được sử dụng để giải quyết các câu hỏi cơ bản trong những vấn đề tương tác mạnh của nhiều nguyên tử từ nguyên tử bị mắc kẹt lạnh đến plasma quark-gluon. Ông có thể chỉ ra rằng người ta có thể tính toán các hệ số vận chuyển, chẳng hạn như độ nhớt và độ dẫn điện, phân tích trong các hệ thống này, và kết đôi mạnh thường dẫn đến giới hạn cho các hệ số này. |