Trước khi ra Hà Nội dự họp Hội đồng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về văn học, tôi có ghé vào Bệnh viện Thống Nhất thăm anh Trần Thanh Đạm. Vài năm gần đây sau khi chị Phạm Thị Hảo, vợ anh, một nhà Hán học uyên bác ra đi, anh Đạm yếu nhiều, suy thận, suy tim… Gặp tôi, anh mừng rỡ xúc động; gặp lại một người em, một người bạn lâu năm. Tôi có nói ý định ra Hà Nội sẽ bảo vệ Giải thưởng Nhà nước cho anh, cho những tác phẩm của anh. Anh cười “Bây giờ chỉ mong có chút sức khỏe…”.
Sáng 2-11, tôi gọi điện thoại cho cháu Phương Phương, con gái anh để báo tin là Hội đồng đã nhất trí đề nghị giải Nhà nước cho anh, vừa nhấc máy lên chưa kịp nói gì thì cháu Phương Phương đã nói “Bố cháu mất rồi!”. Tôi thảng thốt kêu lên “Trời ơi!”. Không thể ngờ được là anh ra đi nhanh như thế; tôi không kịp gặp lại anh sau khi ở Hà Nội về như đã hẹn.
Tôi gặp anh Trần Thanh Đạm lần đầu sau 30-4 năm 75, lúc anh vào tiếp quản Đại học Văn khoa rồi Đại học Sư phạm Sài Gòn. Anh trẻ trung, hồng tươi trong bộ quần áo bộ đội, với giọng Huế ngọt lịm. Hồi còn ở Hà Nội, anh cũng là một giảng viên nổi tiếng trong số các thầy ở khoa Văn đại học. Chính cái giọng Huế ngọt ngào của anh lại là ưu điểm trong những cuộc tranh luận văn học gay gắt, phức tạp thời bấy giờ. Khuôn mặt rạng rỡ của anh hôm ấy thể hiện niềm vui lớn lao của anh, của cả dân tộc sau những ngày chiến đấu gian lao để giành thắng lợi và vỡ òa ra trong hạnh phúc thiêng liêng. Làm hiệu trưởng một đại học lớn của miền Nam là một trách nhiệm lớn. Anh đã say mê trong công việc vì hình như anh sinh ra là để làm giáo dục. Anh nói “Đối với tôi, giáo dục và văn học là hai vòng nguyệt quế của Tổ quốc Việt Nam, là hai nguồn tin yêu và hạnh phúc của cuộc đời tôi”. Anh lại có bài thơ:
Giữa cuộc đời bao la
Dòng người thì vô tận
Mỗi một lời viết ra
Nhỏ nhoi như số phận
Màu hồng và vị mặn
Như giọt máu lòng ta
Mang chút tình trân trọng
Gởi bạn bè gần xa…
Các học trò cũ mừng thọ GS - NGND Trần Thanh Đạm Ảnh: AN DUNG
Anh đến với cuộc đời, đến với giáo dục và văn học bằng một niềm tin yêu, bằng một tình yêu lớn. Đó cũng chính là tình yêu nhân dân, tình yêu đất nước, tình yêu kháng chiến và cách mạng mà anh đã bồi đắp nên từ thuở thiếu thời trong một gia đình Nho học cách mạng. Anh đã trải qua những năm tháng khốc liệt của Bình Trị Thiên khói lửa, của khu IV gan góc - nơi anh học dự bị đại học và sư phạm cao cấp với các thầy Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh… Người học trò ấy rất xứng đáng với các thầy dạy nổi tiếng của mình về trình độ, sức suy nghĩ, sự uyên bác. Anh sử dụng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga và cả tiếng Hán cổ để làm thơ như một thích thú văn hóa và để dịch Văn tâm điêu long, một tác phẩm lý luận cổ xưa và rất khó của văn học Trung Quốc. Nhưng mặc dầu uyên bác như vậy, anh vẫn rất mực khiêm nhường, cái khiêm nhường đức độ của một thầy giáo, của một người càng biết nhiều thì càng thấy mình ít biết giữa cái mênh mông vô tận của kiến thức nhân loại. Trong cái cách mà GS Trần Văn Giàu, GS Đinh Gia Khánh… ứng xử với anh, tôi biết rằng họ quý trọng anh, thậm chí coi anh không chỉ là người kế nghiệp mà còn như một người đồng nghiệp để có thể góp ý, cố vấn khi cần thiết. Riêng tôi, tôi nghĩ rằng Trần Thanh Đạm là một gương mặt trí thức rạng rỡ, đáng yêu, sản phẩm của thời đại cách mạng kháng chiến, thời đại Hồ Chí Minh. Anh là đứa con tinh thần xứng đáng của thời đại ấy.
Với vốn kiến thức tích lũy như vậy, anh đã đi vào giảng dạy và nghiên cứu văn học, anh say mê nhân loại nhưng để hoàn thiện tình yêu đó, trước hết anh yêu văn hóa, văn học Tổ quốc mình; Tổ quốc xiết bao anh hùng, đau khổ: Tổ quốc như bà mẹ nghèo thì thào cùng ta qua nước mắt như một câu thơ của Chế Lan Viên, người bạn, người anh lớn của anh. Nhưng phải hiểu Việt Nam qua nhân loại và học nhân loại chính là để hiểu thêm mình - dân tộc và nhân loại sẽ cùng gặp nhau trong suy tư, đối sánh. Khi được tín nhiệm làm Hiệu trưởng Đại học Sư phạm TPHCM, anh bị cuốn vào hàng vạn công việc của một trường đại học lớn. Sau 10 năm làm quản lý, anh lại được sung sướng quay về nghề cũ, giảng dạy văn học cho các thế hệ sinh viên và giáo viên ở miền Nam. Anh tiếp tục đi sâu nghiên cứu những vấn đề lý luận rất cơ bản của văn học nghệ thuật. Cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa nhân văn của văn học và của lý tưởng cách mạng là một hành trình khó khăn, phức tạp. Anh luôn kiên định lòng son yêu nước, lòng thương yêu nhân dân và đất nước, lòng yêu người như yêu mình và càng yêu người nên yêu nghề, yêu văn. Đó là ánh sáng soi đường cho anh ở những luận điểm lớn của văn học và giáo dục.
GS Trần Thanh Đạm đã viết nhiều bài nghiên cứu, có bài ngắn mà dậy sóng trên văn đàn và trên cả chính trường. Có bài như bài “Một thế kỷ sai lầm của lý luận văn học phương Tây” là một bài báo tiên tri, một bài báo rất hay, tâm huyết, sáng soi giữa lúc nhiều người thần phục lý luận văn học phương Tây mà không thấy những nhược điểm cơ bản của nó. Mấy năm sau đó, Tzvetan Todorov, một bậc thầy của lý luận văn học phương Tây thừa nhận sai lầm này trong cuốn sách nổi tiếng thế giới Văn chương lâm nguy (La Littérature en péril, 2004). Sai lầm chính mà Todorov đã thấy và Trần Thanh Đạm đã thấy trước đó là tuyệt đối hóa hình thức, phế bỏ nội dung.
Trong lĩnh vực giáo dục, anh là nhà giáo dục học kiên trì những quan điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”. Tức là vấn đề chất lượng giáo dục, chất lượng con người và chất lượng kiến thức. Trên cơ sở đó chúng ta sẽ học nhân loại rất nhiều điều về tổ chức giáo dục để đổi mới, làm cho nó xứng đáng là hạ tầng trí tuệ của đất nước. Trong văn học cũng vậy, cũng như trong giáo dục, anh bao giờ cũng bảo vệ những quan điểm cơ bản của một nền văn học cách mạng và kháng chiến, được sản sinh ra từ xương máu hy sinh của hàng triệu đồng bào chiến sĩ. Đó là một nền văn nghệ vì nhân dân, vì cuộc đời, vì những lẽ sống lớn, vì đức hạnh, mà nếu sa sút thì đó sẽ là nguy cơ của cách mạng. Giữa cuộc đời phức tạp, chuyển biến khó lường, vừa thuận lợi vừa gặp những thách thức chưa từng có, Trần Thanh Đạm bao giờ cũng rạng rỡ một nụ cười hiền, tin yêu, dịu dàng. Anh ra đi, chúng ta mất một cây bút chính luận, mất một con người dào dạt lòng tin yêu đối với con người, đối với cuộc đời. Chúng ta tiếc thương anh vô hạn bằng cách tiếp tục sự nghiệp của anh, sự nghiệp đào tạo và văn học cần thiết hơn bao giờ hết trong công cuộc hội nhập quốc tế, trong sự nghiệp đổi mới toàn diện của đất nước.
MAI QUỐC LIÊN
Nhớ mãi thầy Trần Thanh Đạm của chúng tôi!
Chúng tôi biết tiếng thầy Trần Thanh Đạm từ hồi ở Đại học Vinh, mặc dù chúng tôi học ở Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tôi sinh ra ở Vinh, mà hồi đó cả miền Bắc chỉ Hà Nội và Vinh là 2 địa phương có trường đại học. Chính hai trường đại học này đã góp phần tạo nên những tên tuổi lớn của giới khoa học, văn học nghệ thuật cho cả nước. Giáo sư Trần Thanh Đạm là một nhà văn hóa - giáo dục trong số ấy.
Sau ngày chiến thắng 30-4-1975, chúng tôi được gặp giáo sư Trần Thanh Đạm. Ấy là buổi Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức đọc thơ của các anh em tham gia kháng chiến chống Mỹ. Trong số các nhà thơ ở chiến trường về hôm ấy, ngoài một số nhà thơ lớn tuổi, có một số anh em làm thơ vốn là sinh viên Sài Gòn và Hà Nội. Sau buổi đọc thơ, thầy Trần Thanh Đạm trò chuyện thân mật với chúng tôi. Thầy luôn nở nụ cười hiền lành nhân hậu. Thầy nói: “Tụi mình không lập đề cương. Cứ để anh em đọc thơ, sinh viên lắng nghe và tìm một sự đồng cảm”. Tôi trân trọng cách cư xử của thầy, kính trọng một vị thầy có dáng nho nhã thư sinh, giọng nói nhỏ nhẹ từ tốn… rất Huế. Thầy yêu thơ, là nhà thơ và có nhiều công trình nghiên cứu về thơ trữ tình, phê bình thơ có uy tín, chuẩn mực. Và sau này, qua ông, chúng tôi được quen biết và tiếp xúc với nhiều nhà văn hóa nổi tiếng khác nữa.
Riêng tôi, một học trò “dở hơi” của thầy, tôi luôn tự hào được sống và… cộng tác với thầy. Tôi ngạc nhiên vì những bài báo nhỏ vẫn được thầy nhận ra và có ý kiến. Một lần giáo sư Trần Thanh Đạm đọc bài báo tôi viết về ca sĩ Tân Nhân - người hát tuyệt vời bài hát Xa khơi của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, ông điện thoại hỏi tôi: “Khoa lấy tư liệu ở đâu mà có nhận xét về Tân Nhân như vậy”. Tôi nói: “Dạo ấy em ở Vinh nghe các chị các anh nói, em ghi lại”. Thầy im lặng hồi lâu rồi nói: “Nền ca nhạc cách mạng có những huyền thoại, Tân Nhân là một huyền thoại”. Tôi rất bất ngờ vì chỉ duy nhất một lần khai tên thật “Vũ Khoa” với thầy Đạm, ấy vậy mà thầy nhớ, sau này mỗi lần có dịp gặp thầy là thầy hỏi: “Khoa, nhà cửa ra sao? Vợ con sao? Vẫn làm thơ “văn xuôi” đó chớ?”. Giáo sư Trần Thanh Đạm là nhà giáo dục, là nhà thơ, là nhà lý luận phê bình về thơ. Ông hỏi vậy là trông chờ, là gửi gắm…
Giáo sư Trần Thanh Đạm có cốt cách tỏa sáng từ cái hiền hòa dung dị, từ trí tuệ Đông - Tây, từ nền văn hóa dân tộc, mà miền Trung là xứ sở của nhiều thiên tài. Các thế hệ nhà báo SGGP đều kính trọng ông. Ông còn là một nhà báo uy tín và là thầy giáo của nhiều thế hệ nhà báo SGGP.
Mùa hè vừa qua, thầy Trần Thanh Đạm không đi dự Đại hội nhà văn Việt Nam. Tôi linh cảm có điều gì? Và thầy Đạm của chúng tôi, giáo sư Trần Thanh Đạm của nền quốc học Việt Nam, nhà thơ - nhà lý luận Trần Thanh Đạm của văn học nước nhà đã ra đi mãi mãi!
Có những mối tình kết nối mãi mãi! Vợ GS Trần Thanh Đạm, nhà Hán học uy tín Phạm Thị Hảo cũng ra đi vài năm trước. Giáo sư Trần Thanh Đạm nay đã theo bà, để còn mãi một huyền thoại: Văn hóa Việt Nam là sự kết hợp giữa văn hóa phương Đông và phương Tây! Và trên bàn làm việc, đêm nay tôi lần giở từng trang bài nghiên cứu về thơ Thi pháp và thi học của giáo sư Trần Thanh Đạm!
VŨ KHOA VŨ ÂN THY