Hai bức phù điêu Chămpa được công nhận bảo vật quốc gia

Đây là 2 hiện vật 1.000 năm tuổi quý hiếm, độc bản, được trang trí theo kiểu kiến trúc đền tháp Chăm nửa cuối thế kỷ 9, mỗi bức phù điêu được chạm khắc rất tinh xảo trong mặt đá sa phiến.
Hai bức phù điêu Chămpa được công nhận bảo vật quốc gia

(SGGPO).- Đây là 2 hiện vật 1.000 năm tuổi quý hiếm, độc bản, được trang trí theo kiểu kiến trúc đền tháp Chăm nửa cuối thế kỷ 9, mỗi bức phù điêu được chạm khắc rất tinh xảo trong mặt đá sa phiến.

Hai hiện vật lá nhĩ Trà Liên 1 và 2 đang được trưng bày tại khuôn viên Bảo tàng Quảng Trị

Ngày 23-12, ông Lê Đình Hào, Giám đốc Bảo tàng Quảng Trị cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ra quyết định công nhận 2 bức phù điêu: lá nhĩ Trà Liên 1 và lá nhĩ Trà Liên 2 (Bảo tàng Quảng Trị) là bảo vật của quốc gia.

Cùng đợt này, có 12 hiện vật, nhóm hiện vật khác trong cả nước được công nhận bảo vật quốc gia.

Hai hiện vật trên được tìm thấy tại khu phế tích tháp Trà Liên ở xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), có trên 1.000 năm tuổi.

Đây là 2 hiện vật quý hiếm, độc bản, được trang trí theo kiểu kiến trúc đền tháp Chăm nửa cuối thế kỷ 9, mỗi bức phù điêu được chạm khắc rất tinh xảo trong mặt đá sa phiến, theo hình bán nguyệt.

Cụ thể, bức phù điêu lá nhĩ Trà Liên 1 có mặt trước chạm hình thần mặt trời Surya cùng hai vị thần bảo vệ ở hai bên, dưới chân thần Surya có hình bảy đầu ngựa tượng trưng cho bảy ngày, mỗi đầu ngựa ứng với một đôi chân trước phía dưới.

Bức phù điêu lá nhĩ Trà Liên 2 có toàn bộ mặt trước được thể hiện làm ba mảng: hai mảng chính được thể hiện bởi hai hình tượng Siva và Uma và được chạm nổi trong khung hình bán nguyệt khoét lõm xuống so với bề mặt đá sa phiến, một mảng phụ khác thể hiện hình tượng cây vũ trụ với kỹ thuật chạm chìm nằm phía trên đầu giữa hai mảng chính.

Đây là 2 hiện vật 1.000 năm tuổi quý hiếm, độc bản, được trang trí theo kiểu kiến trúc đền tháp Chăm nửa cuối thế kỷ 9

Ông Lê Đình Hào cho biết: “Trước đó, Hội đồng khoa học của bảo tàng đã tiến hành lựa chọn 2 bức phù điêu trên để đưa ra nghiên cứu các tiêu chí và quy định đối với hiện vật, sau đó làm hồ sơ trình lên Hội đồng Khoa học thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thẩm định mới trình lên trên. Hai bức phù điêu này đã được các hội đồng đánh giá phù hợp với các tiêu chí và quy định để trở thành bảo vật của quốc gia. Bên cạnh đó, hai hiện vật cũng có giá trị lịch sử văn hóa - nghệ thuật Chămpa, được tạo ra cách đây trên 1.000 năm tuổi”.

Hiện tại, hai bức phù điêu trên đang được trưng bày ngoài trời, sau khuôn viên Bảo tàng Quảng Trị, các họa tiết đang dần phai mờ dẫn đến nguy cơ làm mất giá trị của bảo vật nên cần được bảo tồn cẩn thận hơn.

NGỌC OAI

Tin cùng chuyên mục