Hai thế hệ sáng tác về Hà Nội

Nếu chỉ có bấy nhiêu cái tên để nói rằng họ là những nhạc sĩ tiêu biểu có các sáng tác hay về Hà Nội thì sẽ là một thiếu sót, bởi còn rất rất nhiều những nhạc sĩ khác sáng tác về Hà Nội thành công. Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên họ được chọn làm đại diện để nhà sản xuất thực hiện những album ca nhạc làm công trình chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội... Hai thế hệ, hai cách cảm nhận khác nhau nhưng cùng chung một tình yêu Hà Nội.

Nếu chỉ có bấy nhiêu cái tên để nói rằng họ là những nhạc sĩ tiêu biểu có các sáng tác hay về Hà Nội thì sẽ là một thiếu sót, bởi còn rất rất nhiều những nhạc sĩ khác sáng tác về Hà Nội thành công. Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên họ được chọn làm đại diện để nhà sản xuất thực hiện những album ca nhạc làm công trình chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội... Hai thế hệ, hai cách cảm nhận khác nhau nhưng cùng chung một tình yêu Hà Nội.

Tứ quý Hà Nội (1)

Đó là bốn nhạc sĩ Phó Đức Phương, Dương Thụ, Trần Tiến, Nguyễn Cường. Những câu chuyện, những lời tâm tình về Hà Nội được kể bằng giai điệu, bằng chất thơ lắng đọng, sâu sắc. Đó là thứ nhạc vừa sang trọng lại vừa mộc mạc, chân chất như mảnh đất và con người Hà Nội.

Đó là một Hà Nội với cái rét đặc trưng mùa đông khiến cho bất cứ người con nào đi xa cũng nhớ “Em có yêu Hà Nội anh không, với ngọn gió mùa đông ngày đông. Em có yêu Hà Nội anh không, với gió bấc, mưa phùn nghiêng nghiêng, cái rét rất riêng, rất riêng Hà Nội…” (Nguyễn Cường - Một chiều gió bấc); và “Ngoài phố xao xác heo may về. Vội vã em bước đi trên hè, rực rỡ trong chiếc khăn len hồng, đường phố như có thêm nắng hồng, thật ấm áp…” (Dương Thụ - Phố mùa đông).

Đó là dòng sông Hồng uốn lượn quanh Hà Nội với tên gọi sông Cái (Bên dòng sông Cái - Phó Đức Phương); hay tuổi thơ của nhạc sĩ Nguyễn Cường với hình ảnh “Phía sông Hồng, những cánh buồm những cánh buồm nâu, những con thuyền dắt nhau về đâu. Bãi sâu chiều khuất xa. Sóng Tây Hồ, tiếng chuông chùa khuất xa. Những mái nhà ngói xô bài ca, những gì đã qua, lại bao la gọi về…”. Hà Nội của nỗi nhớ, của mùa đông, tuổi thơ và của cả nỗi buồn. Dường như nỗi buồn ấy với tâm hồn nhạy cảm của các nghệ sĩ lại càng sâu thẳm và mênh mông hơn. Đó là một “Phố nghèo” và buồn trong tâm trí của Trần Tiến…; một “Hà Nội ngày ấy” buồn với con sông tràn nước lũ, cây bàng đứng trước nhà, cô hàng nước chưa già đã lấy chồng xa, mái nhà xưa cũ tiếng kinh cầu, đôi guốc reo vào khuya vắng, Hà Nội của một thời đạn bom chiến tranh; hoài niệm để thấy một Hà Nội nay thay đổi “ngỡ như Hà Nội của ai”… “Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có đắt nhất bạn bè thôi. Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có đắt nhất tình người thôi…” (Ngẫu hứng phố). Những lời ca mang đậm tính chiêm nghiệm của cả một đời người…

Chỉ 10 sáng tác, qua giọng ca của Trọng Tấn, Mỹ Linh, Thanh Lam, Hà Anh Tuấn, Tùng Dương… nhưng khiến người nghe một lần lại muốn nghe lại lần hai, lần ba và thấm dần với nỗi nhớ Hà Nội.
Nồng nàn Hà Nội (2)

So với các bậc cha anh, những Nguyễn Đức Cường, Nguyễn Vĩnh Tiến, Lê Đăng Khoa, Giáng Son, An Hiếu, Lê Minh Sơn, Đỗ Bảo… có cách bộc lộ tình yêu với Hà Nội hoàn toàn khác. Đó không còn là sự hoài niệm với quá khứ mà là sự sống động màu sắc hiện tại “bước xuống phố sáng tinh mơ, dạo qua góc công viên, thấy bao điều, người chào bình minh đang đến, từng cụ già tập dưỡng sinh…, một Hà Nội rất thân quen” (Nồng nàn Hà Nội). Đó là một Hà Nội với giai điệu rock, sôi nổi, trẻ trung và căng tràn nhựa sống. Và ngay cả đến cả lời ru trong sáng tác trẻ cũng nhuốm màu sắc hiện đại “Taxi đi ngủ, đèn đường rong chơi…, đại lộ tìm về…, nỗi nhớ  bỗng lạ, chiếc lá quá xa…” (Lời ru @); Rõ ràng, tình yêu muôn hình vạn trạng và đại lễ là dịp để người ta nhìn lại và tuôn trào cảm hứng. Một loạt những sáng tác trong “Nồng nàn Hà Nội” cho thấy một thế hệ nhạc sĩ dần trưởng thành, độc lập, tự tin và sáng tạo. Những giai điệu, lời ca mang trong mình sức trẻ nhưng cũng không kém phần sâu sắc. Góc quan sát từ cuộc sống hàng ngày với “hàng hoa xuống chợ, Hà Nội phố náo nhiệt, căng mình trong nhựa sống…” (Gánh hàng hoa);  hay thậm chí nói về cái rét cũng khác: “đường trắng, quán vắng, nắng lạnh…” (Rét đầu mùa); nỗi nhớ về tuổi thơ cũng khác, đó là một tuổi thơ dù nghèo nhưng vẫn mang màu sắc vui tươi “Hai mươi năm rồi, Hà Nội bồng bềnh trong tôi, nhớ khi đi tàu điện mặc áo bông, ăn kem…” (Gọi tôi Hà Nội); Thưởng thức những sản phẩm tinh thần trong “Hoa sữa đầu mùa – Nồng nàn Hà Nội” với các chất giọng dễ thương, trẻ trung của Nguyễn Đức Cường, Khánh Linh, Nguyên Thảo, Đức Tuấn, Hoàng Nghiệp, Thùy Chi, Ngọc Khuê, Ngọc Anh... và có dịp so sánh với các sáng tác của các bậc tiền bối để thấy rằng “món ăn” nào cũng có vị riêng thật độc đáo.


(1), (2): Hai công trình chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội của Hãng phim Trẻ.

HÀ GIANG

Tin cùng chuyên mục