Ngày 28-5, tại cuộc họp giao ban báo chí, Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông Tây, đơn vị tư vấn giám sát dự án (Công ty tư vấn Phương Đông – OC), nhà thầu Obayashi (Nhật Bản) đã cung cấp thông tin và giải trình về những vết nứt gây thấm nước của các đốt hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn. Ngoài đốt hầm số 1 và số 2 bị ẩm, thấm nước mà báo chí đã nêu sau khi 2 đốt hầm đã được dìm xuống đáy sông, tại cuộc họp, các đơn vị liên quan còn cho biết, đốt hầm số 3 (dìm xuống sông vào ngày 6-5-2010) cũng bị thấm và rò rỉ nước.
Theo báo cáo của OC, dựa trên kết quả quan trắc kiểm tra vào ngày 18-5 (tức sau 20 ngày so với đợt kiểm tra trước đó vào ngày 27-4) cho thấy: đối với đốt hầm số 1 chỉ còn khoảng 33 vị trí bị ẩm, thấm (tức giảm khoảng 30% vị trí). Tuy nhiên, đốt hầm số 2 trước đây chỉ có 83 vị trí bị ẩm, thấm thì kết quả quan trắc vào ngày 18-5, tăng lên 107 vị trí bị ẩm, thấm (trong đó 61 vị trí bị thấm và 46 vị trí bị ẩm), tăng 28% so với kết quả trước đó. Điều đáng nói, ngoài 107 vị trí bị ẩm, thấm nói trên, đợt kiểm tra mới đây lại phát hiện 11 vị trí mới tại bản đỉnh hầm bị rò rỉ nước (dưới 3cc/giờ).
Điều đáng lo ngại nữa là đốt hầm số 3 (được dìm xuống sông Sài Gòn vào ngày 6-5 vừa qua) cũng bị ẩm, thấm và rò rỉ, theo kết quả quan trắc ngày 18-5. Cụ thể: có 101 vị trí bị ẩm, thấm (51 vị trí thấm, 50 vị trí ẩm) và 8 vị trí tại bản đỉnh hầm bị rỉ nước (dưới 3cc/giờ).
Tuy nhiên OC khẳng định, tình trạng các đốt hầm bị ẩm, thấm và thậm chí bị rò rỉ nước như hiện nay vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Theo lý giải của OC, tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế cho phép độ thấm bên trong hầm không được vượt quá 5ml/giờ/m² (thực tế chỉ 2ml/giờ/m²); tương tự mức cho phép rò rỉ không quá 5cc/giờ (hiện nay chỉ rò rỉ dưới 3cc/giờ ). Những tiêu chuẩn này dựa trên cơ sở của một số hầm cảng Sydney (Úc), hầm MRT Bangkok…
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban QLDA Đại lộ Đông Tây, về nguyên tắc có 5 vị trí bên trong hầm có thể xảy ra hiện tượng bị thấm, rò rỉ (mối nối giữa các đốt hầm, bản đáy, bản đỉnh, tường và vách ngăn bên hông), nhưng đến nay vị trí quan trọng nhất là tại mối nối giữa các đốt hầm không xảy ra các hiện tượng trên.
Nguyên nhân gây thấm và rò rỉ nước mà đơn vị tư vấn đã đưa ra trước đây là do khe hở giữa bê tông và bù loong neo, đồng thời ống thổi cát có thể gây nên ẩm, thấm bên trong hầm.
Ông Lương Minh Phúc cho rằng, do hiện chưa hoàn tất hệ thống thông gió của hầm cũng như chưa tháo dỡ hết các bể nước bên trong nên có thể hơi nước bốc lên làm cho nhiều vị trí bị ẩm, thấm (!?). Giải pháp căn cơ để khắc phục là dùng keo Epoxy bơm với áp lực cao vào các khe nứt, sau đó phủ một lớp vật liệu để chống thấm bên ngoài.
Ban QLDA đã yêu cầu đơn vị tư vấn trình phương án khắc phục chi tiết các vị trí trên trong tháng 7 này và dự kiến bắt đầu khắc phục từ tháng 9-2010, tức là sau khi đường hầm đã được kết nối thông suốt.
QUỐC HÙNG
- Thông tin liên quan:
Thông tin liên quan |