Hàng quán lề đường mùa dịch tiêu chảy cấp: Vẫn nhộn nhịp ăn uống!

Hàng quán lề đường mùa dịch tiêu chảy cấp: Vẫn nhộn nhịp ăn uống!

Trong khi dịch tiêu chảy cấp đang lan rộng từ tỉnh này sang tỉnh khác thì ở TPHCM thói quen ăn uống vỉa hè, lề đường mất vệ sinh của một bộ phận dân cư vẫn khá nhộn nhịp. Không chỉ ở ngoại thành mà ngay nội thành, nhiều người dân vẫn “hồn nhiên” ăn uống bên miệng cống, bụi đường và vô vàn thứ kém vệ sinh khác, mặc dù đã được ngành y tế khuyến cáo.

Bún riêu miệng cống... vẫn ngon (!)

Hàng bún riêu ngay góc Hai Bà Trưng-Nguyễn Văn Bình quận 1 được bày bán từ khoảng 2 giờ chiều mỗi ngày. Với nồi nước lèo lõng bõng đậu hủ và váng màu gạch cua, đây là một trong nhiều hàng bún, hủ tiếu lề đường khá đông khách dọc trên đường Nguyễn Văn Bình. Tuy nồi nước lèo bắc trên bếp than tổ ong chưa sôi, nhưng bà chủ đon đả: “Ngồi xuống, làm một tô cho nóng. Chú có ăn thêm mắm tôm thì gọi chứ người ta bảo dịch gì đó nên có người không dám ăn”.

Hàng quán lề đường mùa dịch tiêu chảy cấp: Vẫn nhộn nhịp ăn uống! ảnh 1

Vô tư ăn uống ngay hàng tôm, cá sống ở chợ Trần Chánh Chiếu (Q5, TPHCM). Ảnh: THIÊN CHƯƠNG

Ngồi chồm hổm ngay lề đường, chúng tôi được bà chủ cho một tờ báo và cứ thế mà “xơi”. Theo yêu cầu, bà chủ quệt vào tô bún một miếng mắm tôm và kèm theo câu “khuyến mãi”: “Có ăn rau sống thì chị cho. Bún riêu kèm rau sống thì mới ngon”.

Ngay cạnh chúng tôi, nhiều thực khách khác cũng đang say sưa với tô bún nóng. Khi được hỏi có biết dịch tiêu chảy cấp đang lan rộng, một thực khách thản nhiên: “Biết nhưng đã ai chết đâu mà lo”. Đáng nói, qua quan sát nơi chế biến của bà chủ thì mới… rùng mình. Kế bên ngồi nước lèo là rổ bún lòng thòng và cách đó không xa là một cái nắp cống bị sứt một miếng to bằng hai bàn tay.

Cô bé phụ bán đặt ngay nắp cống một cái chậu rửa tô. Thực khách ăn xong, cô bé hắt hết cặn xuống cống và chao cái tô qua chậu nước rửa phập phồng bọt rồi lấy khăn lau qua một cái. Thế là xong. Còn với bàn tay trần, bà chủ thoăn thoắt bốc bún, rau sống, chả lụa vào tô và cứ thế chan nước lèo. Thỉnh thoảng bà lại xuýt lên một cái không biết vì cay ớt hay vì mùi cống xốc lên…

Dạo một vòng quanh các khu vực khác như chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), Cầu Ông Lãnh (quận 1), chợ Trần Chánh Chiếu (quận 5), khu vực Bệnh viện (BV) Phụ sản Hùng Vương, Chợ Rẫy…tình trạng ăn uống mất vệ sinh cũng nhan nhản. Cặp sau BV Phụ sản Hùng Vương, phía đường Nguyễn Kim, phường 12, quận 5 được xem là khu vực quán ăn bình dân “sầm uất” nhất từ nhiều năm qua. Đã hơn 12 giờ trưa nhưng khu vực này vẫn đông đúc thực khách. Nào là quán canh bún, hủ tiếu, cơm bình dân san sát nhau trên một dãy vỉa hè. Chỉ cần một cái ghế nhựa nhỏ, thực khách cứ thế ngồi ăn. Điều đáng nói là tất cả hàng quán ở đây đều phơi ra giữa nắng, bụi. Thức ăn thì như đã ôi thiu.

Ghé vào một quán hủ tiếu, chúng tôi gọi 2 tô hủ tiếu bò viên, nhưng ăn chưa hết nửa tô đã có cảm giác dờn dợn, buồn nôn. Kiểm tra lại món bò viên mới phát hoảng vì có mùi thum thủm. Chúng tôi cự nự thì bà chủ quát: “Không ăn thì thôi. Đã có ai chết đâu mà sợ”. Trước cổng BV Chợ Rẫy, phía đường Nguyễn Chí Thanh, cũng có hàng loạt hàng quán di động. Từ quán cơm, bún, cháo, phở cho đến những xe thực phẩm có tên và không tên khác. Tại một xe cơm di động, gần cả chục khách đang xì xụp ăn trưa, còn anh chủ hàng thì chạy vô chạy ra cái xe cơm đang phơi giữa nắng liên tục lấy thức ăn cho khách. Nhìn cái xe đồ ăn này, chúng tôi không khỏi rùng mình vì ruồi bâu, thức ăn dẫy mỡ rệu váng dưới ánh nắng chói chang.

Tiêu chảy cấp - không chỉ tại mắm tôm

Trong những ngày qua, tuy TPHCM chưa phát hiện trường hợp nào bị tiêu chảy cấp nguy hiểm, nhưng tiêu chảy thông thường và một số trường hợp tiêu chảy nặng có xu hướng tăng. Qua ghi nhận của Trung tâm Y tế dự phòng TP (TTYTDP TP), ngày 2-11, toàn TP chỉ có 19 ca mắc tiêu chảy thì ngày 3 và 4-11 tăng lên tới 47 ca và tiếp theo các ngày sau đó số ca mắc tiêu chảy vẫn tăng cao ở mức 50-60 ca/ngày.

Số liệu tổng hợp của TTYTDP TP từ các BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, BV Bệnh Nhiệt đới, tổng số ca tiêu chảy cấp ghi nhận từ ngày 2 đến 11-11 là 358 trường hợp, tăng hơn so với các tuần trước đó. Theo các bác sĩ khoa tiêu chảy BV Bệnh Nhiệt đới, hầu hết các trường hợp tiêu chảy được chẩn đoán tiêu chảy thông thường, người bệnh bị rối loạn tiêu hóa, kiết lỵ do ăn phải rau sống, hải sản sống, các thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, ôi thiu… Qua ghi nhận, đa phần người bệnh bị tiêu chảy có dính líu tới việc ăn uống vỉa hè, lề đường. BS Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TPHCM, cho biết môi trường TP đang ngày một ô nhiễm, các loại thức ăn vỉa hè, lề đường luôn tiềm ẩn những vi khuẩn đường ruột.

Vì vậy, nguy cơ mắc tiêu chảy từ thức ăn lề đường rất cao do thường ôi thiu, không được kiểm dịch, chế biến không hợp vệ sinh… Tại công văn thượng khẩn của Ban Chỉ đạo Liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) gửi các địa phương tăng cường kiểm soát dịch tiêu chảy cấp cũng cho biết theo kết quả điều tra dịch tễ học, phần lớn người bị bệnh tiêu chảy cấp đều có liên quan đến sử dụng thực phẩm như mắm tôm, mắm tép, rau sống, thức ăn chế biến sẵn mất vệ sinh, bị ô nhiễm bụi, nắng, tay bẩn…Ban Chỉ đạo Liên ngành VSATTP cũng yêu cầu tăng cường các biện pháp kiểm soát các dịch vụ ăn uống, đặc biệt thức ăn đường phố…

Trao đổi với PV Báo SGGP, BS Nguyễn Văn Châu, GĐ Sở Y tế, cảnh báo đang trong mùa dịch tiêu chảy cấp người dân cần lưu ý đến việc ăn uống. Không chỉ mắm tôm bị nghi ngờ gây tiêu chảy cấp mà nhiều thực phẩm khác cũng tiềm ẩn vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy cấp. Trong tuần qua, Sở Y tế đã chỉ đạo TTYTDP TP lấy các mẫu rau, thực phẩm có nguy cơ cao để xét nghiệm và không loại trừ có những thực phẩm có vi khuẩn gây tiêu chảy. Vì vậy, tốt hơn hết là không nên ăn các loại thức ăn vỉa hè, lề đường mất vệ sinh, ít nhất cũng là trong thời gian dịch tiêu chảy cấp đang lây lan mạnh. 

TƯỜNG LÂM

Thông tin liên quan

* Nguy cơ dịch tiêu chảy cấp lan vào TPHCM, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Châu: Kiểm tra, giám sát chặt nguồn lây bệnh

* Đã có 1.500 ca tiêu chảy cấp nguy hiểm

* TP Hồ Chí Minh 
Giám sát kịp thời một trường hợp có dấu hiệu tiêu chảy cấp

* Vận động phụ nữ cấp bách phòng chống bệnh tiêu chảy cấp

* Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm : Có hơn 150 bệnh nhân tả

* Thêm 2 tỉnh ghi nhận có dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm

* Không loại trừ xảy ra dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm tại TPHCM 

Tin cùng chuyên mục