Nguy cơ dịch tiêu chảy cấp lan vào TPHCM, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Châu: Kiểm tra, giám sát chặt nguồn lây bệnh

Song vẫn nguy hiểm với các tỉnh bị lũ lụt
Nguy cơ dịch tiêu chảy cấp lan vào TPHCM, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Châu: Kiểm tra, giám sát chặt nguồn lây bệnh

Nguy cơ dịch tiêu chảy cấp lan vào TPHCM, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Châu: Kiểm tra, giám sát chặt nguồn lây bệnh ảnh 1

Dịch tiêu chảy cấp đang lây lan mạnh đến các tỉnh thành và có nguy cơ tràn vào TPHCM. Lao động nhập cư, các khu nhà trọ, khu vực ven các kênh rạch, ngập nước, ô nhiễm… đang được coi là những nơi tiềm ẩn bệnh tiêu chảy cấp. Làm gì để ngăn chặn dịch? SGGP đã có cuộc trao đổi với BS Nguyễn Văn Châu (ảnh), Giám đốc Sở Y tế TPHCM.

- PV: Trước nguy cơ dịch tiêu chảy cấp lan vào TPHCM, Sở Y tế đã có những động thái gì, thưa bác sĩ?

BS NGUYỄN VĂN CHÂU: Khi dịch tiêu chảy cấp khởi phát ở phía Bắc, TPHCM đã chủ động phòng ngừa vì hiểu rõ sự lây lan của căn bệnh này.

Trong đó chú trọng đến công tác tăng cường truyền thông. Sở Y tế đã triển khai giáo dục truyền thông sức khỏe cho người dân trên báo, đài phát thanh truyền hình và phát tài liệu, bài viết về dịch tiêu chảy cấp đến từng trạm y tế xã phường.

Ngoài ra đã in ấn tờ bướm, tờ rơi để tuyên truyền đến từng khu dân cư, đưa một số xe loa lưu động truyền thông vào tận học đường, khu công nghiệp… Nội dung tuyên truyền chính là khuyến cáo người dân ăn chín uống sôi, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi cầu, không ăn các thực phẩm như hải sản sống, rau sống, mắm tôm, tiết canh…

Sở Y tế cũng đã tham mưu cho UBND TP chỉ đạo chính quyền các quận huyện tham gia tích cực vào công tác phòng ngừa dịch tiêu chảy cấp.

- Tuy nhiên, nếu không có sự giám sát thì cũng khó ngăn ngừa được dịch bệnh này?

Song song với công tác truyền thông, Sở Y tế đã triển khai ngay việc giám sát các nguồn có thể lây dịch bệnh như nguồn nước, mắm tôm… Trung tâm Y tế dự phòng TP đã lấy nhiều mẫu mắm tôm để xét nghiệm phẩy vi trùng tả nhưng đến nay chưa thấy dấu hiệu khả nghi.

Những ngày qua, Sở Y tế yêu cầu lấy thêm nhiều mẫu thực phẩm khác như rau sống, chả lụa… để xét nghiệm xem có vi trùng tả hay không.

Sau đó, Sở tiếp tục chỉ đạo thu thập mẫu nước, lập bản đồ dịch tễ để tìm xem khu vực nào nguồn nước bị ô nhiễm nghi nhiễm khuẩn tả thì cô lập ngay. Bên cạnh đó là việc giám sát các ca bệnh. Sở đã yêu cầu các cơ sở y tế phải báo cáo ca bệnh tiêu chảy theo từng cấp một cách nhanh chóng.

Nếu cơ sở y tế nào chậm trễ trong việc ghi nhận và báo cáo ca bệnh bị tiêu chảy cấp thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm. Các cơ sở y tế được yêu cầu cấy phân của bệnh nhân tiêu chảy để xem có phẩy khuẩn tả hay không. Nếu có phải thông báo kịp thời về Sở Y tế. Hơn nữa, công tác thanh tra cũng được xúc tiến.

Không chỉ thanh kiểm tra và tịch thu mắm tôm không rõ nguồn gốc được cho là “nghi can” gây tiêu chảy cấp của những cơ sở, sạp hàng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP mà còn kiểm tra những thực phẩm khác được nghi vấn có nguy cơ gây dịch tiêu chảy cấp, nhất là rau thủy sinh các loại.

- Biện pháp triển khai phòng ngừa như trên liệu đã đủ và nếu khi TP phát hiện có dịch thì phải đối phó ra sao, thưa bác sĩ?

Những biện pháp đã triển khai tuy chưa đủ nhưng đó là những biện pháp căn cơ. Trong quá trình triển khai phòng ngừa sẽ bổ sung những biện pháp khác đảm bảo hạn chế tối đa phát sinh dịch tiêu chảy cấp ở TP. Nếu lỡ phát sinh dịch, vấn đề mấu chốt là giám sát thật tốt, khoanh vùng dịch thật nhanh để bao vây và dập dịch kịp thời.

Tuy nhiên, biện pháp là vậy, còn rủi ro dịch bệnh lây truyền là không kiểm soát được. Bởi đặc điểm của dịch bệnh tiêu chảy cấp là lây rất nhanh, người bệnh không có triệu chứng rõ rệt trước khi bị tiêu chảy nên rất khó phân biệt. Ngay cả những người trông khỏe mạnh nhưng trong người đã nhiễm vi khuẩn gây tiêu chảy cấp.

Hiện hệ thống ngành y tế TP đã chuẩn bị sẵn sàng nếu có dịch. Các cơ sở y tế đã được tập huấn phác đồ điều trị tiêu chảy cấp do Bộ Y tế ban hành, chuẩn bị cơ số thuốc, dịch truyền, hóa chất sát khuẩn… Quan điểm của ngành y tế là tất cả các bệnh nhân đều được điều trị tại chỗ trong khu cách ly, không chuyển tuyến để hạn chế dịch lây lan.

Các bệnh viện (BV) gồm BV Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng 1, 2 nhận điều phối bệnh nhân nặng, có biến chứng. Ngoài ra, Sở Y tế làm việc với BV Chợ Rẫy để BV này nhận tiếp viện trong trường hợp dịch lây lan rộng.

Tường Lâm

Dịch tiêu chảy cấp có giảm
Song vẫn nguy hiểm với các tỉnh bị lũ lụt

Chiều 12-11, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho biết, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đang có chiều hướng giảm dần số ca mắc ở nhiều tỉnh miền Bắc, đặc biệt là số trường hợp mắc tả.

Tính tích lũy từ đầu vụ dịch tới nay, có 1.661 ca tiêu chảy cấp nguy hiểm tại 14 tỉnh, thành phố, trong đó Thái Nguyên là địa phương mới nhất. Số trường hợp xét nghiệm dương tính với tả ghi nhận thêm 2 ca ở Hà Nội và Thái Nguyên, nâng tổng số trường hợp tả trong dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm lên 204 ca.

Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn cũng thừa nhận, năng lực xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương hiện chưa thể phân lập tìm được vi khuẩn tả và các vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa khác trong mắm tôm.

Vì vậy, Bộ Y tế đang đề nghị Tổ chức Y tế thế giới hỗ trợ việc xét nghiệm để tìm vi khuẩn gây bệnh trong mắm tôm và các thực phẩm có nguy cơ cao khác.

Nhận định về tình hình dịch, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, mặc dù miền Bắc dịch đang có xu hướng giảm nhưng nguy cơ dịch lan ra miền Nam, miền Trung và đặc biệt là các tỉnh bị lũ lụt là rất lớn.

Do đó, Bộ Y tế đã đề nghị với Chính phủ cho lập 8 đoàn kiểm tra do lãnh đạo một số bộ dẫn đầu để đi kiểm tra về ATVSTP và vệ sinh môi trường, tập trung tại các tỉnh miền Trung bị lũ lụt.

Trong tuần tới, Bộ Y tế cũng chỉ đạo, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh và Nha Trang tiến hành tập huấn về giám sát, vệ sinh môi trường và phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm cho các tỉnh miền Nam và miền Trung.

N. Khánh

Tin cùng chuyên mục