Hạnh phúc khi được cho đi

Vì lý do dịch bệnh, lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay được nhiều trường trên địa bàn TPHCM tổ chức theo hình thức trực tuyến. Nhưng không vì thế mà hình ảnh, sự đóng góp của những người thầy, người cô mất đi giá trị thiêng liêng và cao quý.  

Giữ vững tinh thần lạc quan

Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay đối với cô Trương Thị Thu Hương, giáo viên Trường Mầm non 15 (quận Tân Bình) mang ý nghĩa thật đặc biệt. Cô, trò chỉ thấy nhau qua màn hình vi tính.  

Hơn 2 tháng qua, cô cùng các giáo viên ở Trường Mầm non 15 quay clip gửi phụ huynh hướng dẫn trẻ cách thực hiện các thói quen vệ sinh, ăn uống tại nhà. “Cảm giác ngồi một mình trước máy quay, không có học sinh nhưng phải tưởng tượng ra hình ảnh các con đang háo hức ngồi nghe cô kể chuyện là một trải nghiệm rất đáng nhớ”, cô Thu Hương tâm sự. 

Chia sẻ về những khó khăn trong nghề, cô Thu Hương cho biết, hiện nay, giáo dục đã thay đổi theo hướng “lấy trẻ làm trung tâm”, giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn, khuyến khích trẻ phát biểu ý kiến cá nhân, chủ động lựa chọn hình thức học tập phù hợp năng lực và sở thích của các em. Yêu cầu đổi mới phương pháp buộc giáo viên phải thường xuyên cập nhật kiến thức, kịp thời nắm bắt tâm lý trẻ cũng như trau dồi kỹ năng sư phạm.

Nhưng, như bao người mẹ, người vợ khác, các cô giáo mầm non cũng đối mặt với nhiều lo toan trong cuộc sống cá nhân. Bí quyết của cô Thu Hương là luôn giữ tinh thần lạc quan, không nản lòng khi gặp khó khăn, vất vả. Động lực giúp cô Hương và các thầy, cô giáo gắn bó với nghề chính là lòng yêu trẻ, ý thức trách nhiệm, hạnh phúc khi được nhìn thấy sự khôn lớn, trưởng thành của học trò.  

Trách nhiệm với cộng đồng

Chúng tôi đến Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp) tìm gặp thầy giáo Lê Quý Tùng, giáo viên thể dục. Tiếp chuyện chúng tôi từ khoảng cách xa, thầy giáo trẻ với vóc người cao lớn, làn da rám nắng cho biết, hai vợ chồng thầy vừa được xác định mắc Covid-19 sau chuỗi ngày tình nguyện tham gia các hoạt động phòng chống dịch. Nhưng với tinh thần lạc quan, thầy Tùng nói rằng sẽ tạm “nghỉ dưỡng” vài tuần, sau khi khỏe lại vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động tình nguyện.  

Hai vợ chồng đều theo nghề giáo. Thu nhập ít ỏi hàng tháng buộc thầy giáo trẻ phải tranh thủ buổi tối làm thêm nhiều việc khác (như dạy kỹ năng ở các câu lạc bộ, chạy xe công nghệ, chở hàng thuê…) kiếm tiền trang trải cuộc sống. Ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thu nhập bị suy giảm, hai vợ chồng chắt chiu từng đồng trả tiền thuê nhà trọ và gửi về quê nuôi con. 

Khó khăn là thế, nhưng khi nghe địa phương thông báo cần tình nguyện viên hỗ trợ công tác phòng chống dịch, hai vợ chồng thầy Tùng đã hăng hái tham gia. Chồng hỗ trợ công tác nhập liệu tiêm phòng vaccine, vợ tham gia phát lương thực cho các hộ dân nghèo.

Những ngày lăn lộn cùng nhân viên y tế đã giúp thầy giáo trẻ hiểu hơn về ý nghĩa cuộc sống, ý thức và trách nhiệm với cộng đồng. Chính những trải nghiệm thực tế từ cuộc sống giúp người thầy làm giàu hơn vốn sống của bản thân, trở thành tư liệu dạy học quý giá để truyền đi những giá trị sống tích cực cho nhiều thế hệ học trò.

* Thầy Võ Kim Bảo, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1):

Thầy cũng được phép sai

Trở thành thầy giáo không đồng nghĩa với việc gì cũng biết, sẽ có lúc thầy cũng “được phép” sai. Khi đó, tôi không ngại nhận sai với học trò vì điều này càng giúp học trò tin tưởng, tôn trọng thầy của mình nhiều hơn. Vai trò của thầy, cô giáo có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc gắn kết giữa nhà trường và gia đình trong giáo dục các em.

* Thầy Phan Thanh An, Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận): 

Thích ứng với đổi mới

Trong bối cảnh xã hội không ngừng thay đổi, công nghệ chiếm vị trí ngày càng quan trọng trong mọi mặt đời sống, vị thế của người thầy cũng có nhiều thay đổi. Khi đó, dạy học không còn là truyền thụ kiến thức một chiều mà trở thành quá trình tương tác liên tục giữa học sinh và giáo viên, qua đó giúp người học phát triển các kỹ năng và phẩm chất. 

Tin cùng chuyên mục