Có lẽ chưa bao giờ, đời sống của sân khấu TPHCM lại có nhiều sóng gió như trong năm 2013. Điểm lại kịch mục của các sân khấu chủ lực hàng đêm vẫn sáng đèn mới thấy phần lớn đều là các vở hài kịch, nếu không thì cũng là những vở đi vào các đề tài có chút bóng dáng ma quái, kinh dị, đại loại như: ma lực…, chờ chết…, oan tình…, con ma… Công chúng thành phố muốn được thưởng thức những vở diễn về đề tài chính kịch, có chút đời sống nội tâm, thời sự xã hội, để lại đôi điều ngẫm ngợi thì phải chờ mãi đến cuối năm mới được xem lại những vở diễn của cố tác giả Lưu Quang Vũ do Nhà hát Tuổi trẻ từ Hà Nội mang vào.
Cũng cần phải chia sẻ một chút với các nghệ sĩ, đạo diễn, nhà sản xuất, ông bầu của làng kịch nghệ. Để cạnh tranh với hàng trăm loại hình giải trí hấp dẫn hiện nay, cũng như giới truyền thông mạng, họ cũng phải vận dụng đủ mọi ý tưởng lạ, giật gân… trước tiên để kéo khách đến với sân khấu, để đủ người xem cho một suất diễn, còn mọi việc khác thì từ từ tính sau. Bài toán: Giáo dục hay giải trí? Nhạt nhẽo hay sâu sắc? - cũng không bằng bài toán “cơm, áo, gạo, tiền” khi chi phí cho đêm diễn, thù lao cho nghệ sĩ… đang đuổi theo sát sau lưng họ, từng ngày, từng giờ.
Nói đi thì cũng phải nói lại, những tụ điểm sân khấu giờ đây đang phải vật vã chống chọi với thị trường, một thời là những điểm sáng, những đơn vị tiên phong và đầy bản lĩnh trong việc tự chủ về tài chính, đi đầu trong các dự án xã hội hóa sân khấu, với mong muốn đưa các vở diễn đến gần với công chúng, tiếp cận với đời thường và trụ vững trên thị trường.
Thế nhưng, sau những thành công ban đầu, giờ đây trước áp lực quá lớn của sự cạnh tranh, với sự đơn độc, tự bươn chải để có thể tồn tại, để có khán giả một số điểm sân khấu dường như đang tự thỏa hiệp với chính mình, với thị trường, với khán giả và đang giậm chân tại chỗ hay đúng hơn, đang có bước trượt ra khỏi những định hướng, đi chệch khỏi mục tiêu, ước vọng ban đầu.
Xem ra, câu chuyện về sự tồn tại và phát triển đúng hướng của sân khấu trong cơ chế thị trường vẫn đang là bài toán khó có lời giải. Về vấn đề này còn có không ít nghịch lý. Trong khi, tại các trường đào tạo nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, chúng ta đầu tư không ít công sức, thời gian và tiền bạc để đào tạo nên những đạo diễn, diễn viên chuyên nghiệp nhưng hầu như lại bỏ qua việc đào tạo các nhà quản lý, kinh doanh nghệ thuật chuyên nghiệp.
Trong thực tế hiện nay, hầu hết những người đứng mũi chịu sào tại các sân khấu đều là các nghệ sĩ làm quản lý nghệ thuật theo kiểu… tay ngang. Vì thế, trong hoạt động hổng chỗ nào, đắp vá chỗ đó, hoạt động sân khấu trong cơ chế thị trường thiếu bài bản, ở thế bị động, không đủ lực để bứt phá, phát triển.
Nhìn lại, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng đội ngũ nghệ sĩ sân khấu của chúng ta cũng còn nhiều tài năng và không ít tâm huyết. Tại Liên hoan Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu 2013, có nhiều đạo diễn trẻ sẵn sàng xả thân vì nghề nghiệp: một Huỳnh Tuấn Anh bỏ tiền túi đầu tư cho vở cải lương Gió Hoàng cung, một Vũ Khắc Duy tạo ấn tượng với phiên bản Chicago, một Phi Long đầy nhiệt huyết với dự án sân khấu từ thiện cho trẻ mồ côi Xin một cái tên… và còn cả sân khấu kịch của NSND Hồng Vân sẵn sàng nhận thù lao 6 triệu đồng/suất diễn để duy trì sân khấu học đường…
Song, tất cả những tài năng, tâm huyết, niềm đam mê, sự xả thân… ấy vẫn chưa đủ. Nếu như chúng ta không tính đến chuyện tập hợp đội ngũ để tạo nên một nguồn lực mạnh, không có những điểm tựa, cú hích cũng như sức mạnh nội lực và cả bản lĩnh vững vàng, họ sẽ không thể đi tiếp, đi dài hơi và đúng hướng trên con đường nghệ thuật đích thực mà họ đã chọn.
VIỆT HÀ