Hãy bảo vệ môi trường trước khi thu thuế

Sau nhiều lần tạm hoãn do dư luận phản ứng không đồng tình với việc tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu, mới đây, Bộ Tài chính tiếp tục lấy ý kiến về dự thảo nghị quyết trình Chính phủ về mức thuế này. 

Theo nội dung dự thảo, mức tăng sẽ rất lớn đối với mặt hàng xăng dầu, tạo ra nguồn thu được khoảng 15.700 tỷ đồng/năm cho ngân sách. Tuy nhiên, dự thảo này lại một lần nữa tạo nên làn sóng phản đối mạnh mẽ từ dư luận vì còn nhiều điểm chưa hợp lý lẫn không thuận lòng dân. Thay vào đó, dư luận mong muốn thay vì một mực nằng nặc đòi thu thuế BVMT, Bộ Tài chính nên đề xuất giải pháp BVMT trước khi tận thu lên kịch trần đối với xăng dầu.

Theo nội dung dự thảo đưa ra, Bộ Tài chính đề xuất thuế BVMT mặt hàng xăng sẽ tăng thêm 1.000 đồng/lít, tức từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/lít. Ngoài tăng thuế BVMT với xăng, mặt hàng dầu diesel tăng thuế thêm 500 đồng/lít, còn dầu mazut, dầu nhờn và mỡ nhờn cũng bị đề nghị tăng 1.000 đồng/lít so với hiện nay. Theo lý giải của Bộ Tài chính, đề xuất tăng thuế BVMT của xăng dầu căn cứ vào tình hình thực tiễn xã hội từng thời kỳ và các mặt hàng tác động gây ô nhiễm môi trường để điều chỉnh thuế suất. Và việc tăng thuế BVMT sẽ góp phần giảm tác động do thực hiện cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế và điều chỉnh mức thuế MFN (nguyên tắc tối huệ quốc) hiện hành bằng mức thuế ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định thương mại tự do. Dự kiến dự thảo này có hiệu lực từ ngày 1-7.

Phản ứng trước dự thảo của Bộ Tài chính, nhiều chuyên gia khuyến cáo việc tăng kịch khung thuế BVMT đối với xăng dầu sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và người tiêu dùng lãnh đủ. Trước mắt, thuế BVMT tăng đồng nghĩa với việc giá xăng dầu tăng làm mớ rau, quả trứng cũng tăng giá theo. Điều này chắc chắn tác động đến giá hàng hóa, dịch vụ và người chịu thiệt nhất vẫn là người dân! Bởi hiện nay 1 lít xăng đang phải chịu 7 loại thuế, phí như: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế BVMT, chi phí định mức, lợi nhuận định mức, chi quỹ bình ổn. Tổng các loại thuế, phí chiếm khoảng 8.500 đồng/lít xăng. Trong khi đó, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là yếu tố đầu vào của nền kinh tế. Do đó, nếu tăng thuế chắc chắn giá xăng dầu trong nước sẽ tăng theo, chi phí đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tác động trong khi sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế, chưa kể chi phí sinh hoạt của người dân sẽ bị ảnh hưởng trong bối cảnh mức sống còn thấp. Chỉ tính riêng ở lĩnh vực vận tải, các doanh nghiệp vận tải đang gặp nhiều khó khăn do những chi phí khác như phí bảo trì đường bộ, phí BOT..., do đó việc tăng thuế là một gánh nặng cho doanh nghiệp bởi làm tăng giá cước vận tải, giảm năng lực cạnh tranh. Còn khách hàng sử dụng các dịch vụ vận tải hàng hóa cũng phải chịu thêm chi phí, bởi giá thành nhiên liệu chiếm 30% - 40% giá thành vận chuyển. Vì vậy, nhà nước cần xem xét giảm bớt thuế BVMT để tạo điều kiện phát triển vận tải hàng hóa thay vì cứ chăm chăm đòi tăng. Ở khía cạnh khác, nhiều ý kiến cho rằng, tiền thuế từ trước đến nay thu đối với mặt hàng xăng dầu để BVMT được dùng vào việc gì, đúng mục đích hay không, dư luận vẫn chờ Bộ Tài chính công khai để dân biết. Bởi lâu nay, tăng thuế BVMT nhưng hiệu quả cải thiện môi trường chưa rõ rệt. Người chịu thuế chưa được hưởng môi trường trong sạch mà vẫn phải chịu đủ thứ ảnh hưởng của môi trường.

Trên thực tế, những giải trình mà Bộ Tài chính đưa ra khi đề xuất tăng thuế BVMT không thuyết phục. Bởi trên danh nghĩa là thu thuế BVMT nhưng thực ra là thuế để bù đắp cho việc cắt giảm thuế xuất nhập khẩu, như bộ này đã nhìn nhận. Và khi Bộ Tài chính thực hiện việc tăng thu ngân sách nhà nước thông qua thuế BVMT sẽ khiến dư luận nhầm lẫn thông điệp về BVMT. Vì số tiền thu về không dùng nhiều cho mục đích BVMT, mà dùng cho hoạt động chi khác. Từ trước đến nay, trong các báo cáo của mình, Bộ Tài chính không giải trình được điều này! “Dù có đủ lập luận hay gọi dưới tên gì đi nữa cũng không thể che lấp sự thật rằng tăng thuế BVMT là nhằm bù đắp nguồn thu ngân sách đang khó khăn. Bởi các khoản chi thường xuyên hiện chiếm tới 70% thu ngân sách quốc gia, trong đó chủ yếu chi cho tiền lương và các hoạt động không sinh lợi khác, chỉ còn phần ít ỏi còn lại chi cho đầu tư phát triển, buộc Bộ Tài chính phải tìm thêm nguồn thu cho ngân sách”, một chuyên gia kinh tế phân tích. 

Với những “khuất tất” qua phân tích trên, nên chăng ngành tài chính nên mở rộng nguồn thu, bên cạnh chống thất thu thuế, thay vì chỉ quan tâm đến việc tăng thuế. Trước mắt, việc Bộ Tài chính nên làm là phải mạnh tay rà soát, gỡ dần tiến tới xóa bỏ những khoản chi bất hợp lý, đồng thời tăng cường chống thất thoát và giải quyết nợ đọng thuế. Chỉ có thế mới xóa bỏ được thói quen khó khăn lại nghĩ đến tăng thuế. Việc cân bằng ngân sách cần được đặt trên một loạt các giải pháp tổng thể, trong đó bao gồm cả việc thắt chặt chi tiêu của Chính phủ và hạn chế tham nhũng, thua lỗ xảy ra tại các dự án đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước. Cuối cùng, trước khi ban hành thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính cần lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, người dân không nên áp đặt thu phí bằng mệnh lệnh hành chính. Và để làm tròn vai trò tham mưu cho Chính phủ, Bộ Tài chính nên đề xuất giải pháp bảo vệ BVMT trước khi tận thu lên kịch trần đối với xăng dầu.

Tin cùng chuyên mục