Hãy nói tiếng nói của dân

Trong những ngày qua, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu HĐND TPHCM đã lần lượt tiếp xúc, vận động cử tri ở 24 quận - huyện. Tại các cuộc tiếp xúc, cử tri TPHCM đã gửi gắm nhiều kỳ vọng đến các ứng cử viên.
Hãy nói tiếng nói của dân

Trong những ngày qua, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu HĐND TPHCM đã lần lượt tiếp xúc, vận động cử tri ở 24 quận - huyện. Tại các cuộc tiếp xúc, cử tri TPHCM đã gửi gắm nhiều kỳ vọng đến các ứng cử viên.

Cử tri quận 5 TPHCM góp ý chương trình hành động của các ứng cử viên. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cử tri quận 5 TPHCM góp ý chương trình hành động của các ứng cử viên. Ảnh: VIỆT DŨNG

“Nóng” với tham nhũng

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải - ứng cử viên ĐBQH đơn vị bầu cử số 4 (quận 5, 10, 11) đã gây ấn tượng trong buổi tiếp xúc cử tri khi thẳng thắn đề cập tới ưu tiên hàng đầu của ông khi trúng cử ĐBQH là phòng chống tham nhũng và cải cách nền hành chính công. Nhắc lại những vụ việc nổi cộm thời gian qua, cử tri Nguyễn Thị Sâm (phường 8, quận 10) đặt vấn đề: “Chúng tôi mong các ứng cử viên sau khi trúng cử, cần làm rõ ai tham nhũng, tham nhũng như thế nào và phải được xử lý rốt ráo”. Bà Sâm cũng cho rằng, Quốc hội cần lập ra một cơ quan chống tham nhũng một cách độc lập.

Cử tri Nguyễn Chính Tráng (phường 6, quận 8) đề đạt: “Tôi mong các ĐBQH tương lai làm cuộc “cách mạng” với bản thân và gia đình về phòng chống tham nhũng. Cần quan tâm đến việc giáo dục đạo đức đội ngũ cán bộ trên tinh thần lấy nhân dân làm gốc”. Ông Tráng cũng đề nghị các ĐBQH cần đi sâu đi sát vào đời sống người dân và nói đi đôi với làm.

Cử tri Nguyễn Thanh Vân (phường 8 Tân Bình), bày tỏ: “Đảng và Nhà nước đã xác định tham nhũng là quốc nạn, cơ quan nào để xảy ra tham nhũng thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Thế nhưng đã qua một thời gian dài chống tham nhũng nhưng kết quả chưa cao như người dân mong đợi. Tôi mong nhiệm kỳ tới các ĐBQH cần dũng cảm hơn nữa trong công tác chống tham nhũng để củng cố niềm tin người dân với chính quyền…”.

Gần dân, nghe dân

Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 1. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 1. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cử tri Trương Yến (phường 8, quận Tân Bình) gửi gắm: Nếu đắc cử, các ĐBQH nên gần gũi dân hơn, thường xuyên lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân để đề đạt Quốc hội có biện pháp giải quyết kịp thời những bức xúc. Mỗi ĐBQH là đại diện cho ý chí nguyện vọng của dân, vì vậy tại mỗi kỳ họp QH, các ĐB phải thay mặt cử tri phát biểu những vấn đề bức xúc liên quan đến cuộc sống người dân chứ không nên im lặng. Hơn nữa, khi ra ứng cử, ĐB nào cũng hứa hẹn với cử tri nhưng khi trúng cử, không phải ai cũng thực hiện lời hứa của mình. Nếu đại biểu nào không phát huy được vai trò trách nhiệm thì cần bãi nhiệm và bầu người khác thay thế. Có như thế ĐBQH mới thật sự là đại biểu của dân, do dân bầu ra và hết lòng vì dân. 

Cử tri Nguyễn Thị The (phường Tân Quy, quận 7) thẳng thắn: Các ứng viên đều nêu chương trình hành động rất sâu sắc. Nhưng đề nghị các ứng cử viên ĐBQH lời nói phải đi đôi với việc làm. Người dân cần những hành động cụ thể, thiết thực. Tiếp xúc với các ứng cử viên ĐBQH ở quận 1, ông Nguyễn Hữu Lợi (phường Nguyễn Thái Bình) trăn trở về công tác hậu giám sát của QH, Ông nói: “Tôi thấy cần bổ sung các quy định cụ thể về chế tài trong hoạt động giám sát của QH. Kết quả giám sát cần chỉ ra những mặt tồn tại, yếu kém và chỉ rõ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm cụ thể”. Ông Nguyễn Hữu Lợi đề nghị tăng cường giám sát trực tiếp tại cơ sở, tăng cường giám sát việc chống tham nhũng; việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân; giám sát việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong sử dụng tài sản công, trong đầu tư xây dựng cơ bản…

Nhận thấy việc tiếp xúc cử tri vừa qua chưa đem lại hiệu quả cao, cử tri Lê Thị Hậu (phường 2, quận 3) yêu cầu: “Trong những buổi tiếp xúc cử tri, ĐBQH và HĐND TP cần thông báo về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri được nêu lên tại các lần tiếp xúc trước. Ngoài ra, cần tăng cường tiếp xúc cử tri tại phường - xã, tiếp xúc cử tri theo giới, ngành để gặp gỡ và ghi nhận nhiều luồng ý kiến”.  Điều mong mỏi nhất của cử tri Trương Mạnh Nghiêm (quận 1) là những ĐBQH trúng cử làm sao góp sức cùng QH tiếp tục đổi mới, cải tiến công tác xây dựng pháp luật, nếu có nội dung hướng dẫn thì quy định rõ thời gian để thực hiện...


Tiếp xúc các ứng cử viên, cử tri TP kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải thiện đời sống người dân

(SGGP).- Ngày 8-5, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ƯCV ĐBQH) Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư; Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM; Hoàng Hữu Phước, Giám đốc Công ty CP Thương mại dịch vụ tư vấn đầu tư doanh thương Mỹ Á; Nguyễn Đăng Trừng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP và ông Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Phần mềm FPT tiếp xúc với cử tri quận 1. Cử tri đồng tình với chương trình hành động các ƯCV và mong muốn ƯCV góp nhiều công sức để hoàn thiện hệ thống pháp luật, giải quyết kịp thời những kiến nghị của cử tri, đấu tranh không khoan nhượng với tệ nạn tham nhũng. Chiều cùng ngày, các ƯCV tiếp tục tiếp xúc cử tri quận 4. Nhiều cử tri mong muốn các vụ việc tham nhũng sớm được đưa ra ánh sáng và cần có biện pháp mạnh để răn đe. Đồng thời mong muốn Quốc hội thông tin đầy đủ về vấn đề chủ quyền biên giới, biển, đảo để người dân được biết.

* Cử tri Nguyễn Văn Toại (phường 9, quận 10) đề nghị: Các ứng cử viên sau khi trúng cử ĐBQH phải xem xét, thảo luận vấn đề “văn hóa từ chức” đối với cán bộ, công chức khi không hoàn thành nhiệm vụ”.

Sáng 8-5, tại quận Gò Vấp, các ƯCV ĐBQH Bùi Mạnh Hải (Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN), Phạm Khánh Phong Lan (Phó Giám đốc Sở Y tế), Lê Đông Phong (Phó Giám đốc Công an TP), Ung Thị Xuân Hương (Phó Giám đốc Sở Tư pháp), Trần Thị Diệu Thúy (Phó Bí thư Thành đoàn) đã tiếp xúc với hơn 400 cử tri. Tại buổi tiếp xúc, đa số cử tri thống nhất với những chương trình hành động của các ƯCV và nêu một số bức xúc về vấn đề lạm phát, chất lượng các dịch vụ y tế... đồng thời kiến nghị các ƯCV cần quan tâm thêm đến việc cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.

Ngày 8-5, tiếp xúc với các ƯCV ĐBQH Nguyễn Văn Bé (Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TPHCM), Võ Thị Dung (Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ TPHCM), Đỗ Văn Đương (Phó Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát Viện KSND Tối cao), Nguyễn Bách Phúc (Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học TPHCM), Huỳnh Minh Thiện (Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TPHCM), các cử tri quận Tân Phú đề nghị các ĐBQH thường xuyên “vi hành” để tìm hiểu những vấn đề người dân quan tâm. Cùng ngày, các ƯCV ĐBQH Nguyễn Ngọc Đào (Học viện Hành chính quốc gia HCM), Nguyễn Ngọc Hòa (Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM), Đinh Thị Bạch Mai (Chủ tịch Hội LHPN TPHCM), Mach Dares Samael (Trưởng ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo TPHCM), Đặng Thành Tâm (Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn), Nguyễn Văn Trứ (Giám đốc Công ty CP Phần mềm thông tin kinh doanh) đã tiếp xúc với gần 700 cử tri quận Phú Nhuận để trình bày chương trình hành động.

Ngày 8-5, các ƯCV ĐBQH Nguyễn Minh Hương (Trưởng Văn phòng Luật sư A Hòa), Trần Hoàng Ngân (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM), Lê Trọng Sang (Phó Giám đốc Thường trực Sở LĐTB-XH TPHCM), Nguyễn Khắc Thanh (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM) và Nguyễn Thị Kim Tiến (Thứ trưởng Bộ Y tế) thuộc đơn vị bầu cử số 10 (quận 8 và huyện Bình Chánh) tiếp xúc với các cử tri tại huyện Bình Chánh.

Cùng ngày, các ƯCV ĐBQH Huỳnh Thành Lập (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM), Trần Thanh Hải (Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TPHCM), Nguyễn Thanh Dương (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), Diệp Dũng (Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM) và Phạm Văn Gòn (Phó Viện trưởng VKSND TPHCM) đã tiếp xúc với đông đảo cử tri quận 6 và Bình Tân để trình bày chương trình hành động.

Nhóm PVCT

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên:
Tránh tình trạng “cử tri chuyên nghiệp”

Tính từ hôm nay 9-5, chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến ngày bầu cử. Công tác chuẩn bị cho hoạt động chính trị quan trọng của toàn dân này đã vào giai đoạn nước rút và chính vì thế mà hoạt động tuyên truyền cần phải tăng liều lượng và thay đổi cách thức”  – Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên trao đổi với phóng viên Báo SGGP.

- Phóng viên: Qua thực tế kiểm tra, giám sát bầu cử, còn có những vấn đề nào cần lưu ý?

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN ĐỨC KIÊN: Nhìn chung các địa phương được kiểm tra giám sát đều thực hiện nghiêm túc những hướng dẫn từ trung ương, đồng thời chủ động kế thừa cách làm, kinh nghiệm từ những cuộc bầu cử trước nên cơ bản đã đảm bảo được thời gian, quy trình thủ tục của pháp luật về bầu cử. Một số vấn đề phát sinh đã được các địa phương kiến nghị sớm và đã được hướng dẫn (như tổ chức bầu cử sớm, thực hiện quy định về xin ý kiến tín nhiệm của cử tri nơi cư trú hay việc kê khai tài sản của các ứng cử viên) nên công việc khá thông suốt. Theo luật định, các hội nghị tiếp xúc giữa ứng cử viên với cử tri đang được xúc tiến. Khối lượng thông tin cần chuyển tải đến cử tri rất lớn, do đó cần tăng thêm thời lượng cho công tác tuyên truyền. Đặc biệt, phải đảm bảo tính công bằng khi giới thiệu về tiểu sử các ứng cử viên và chương trình hành động của họ.

Cũng cần làm cho cử tri hiểu rõ rằng các ứng cử viên  trung ương được phân bổ về địa phương khó có thể đưa ra những lời hứa quá cụ thể kiểu như sẽ làm được gì cho huyện nhà, cho xã nhà... (dù cử tri thường muốn nghe những lời hứa như vậy) nhưng nếu họ thực sự làm tốt những vấn đề vĩ mô cũng là đem lại lợi ích chung cho cộng đồng dân cư. Có như vậy việc bỏ phiếu của cử tri mới sáng suốt, khách quan. Khi tổ chức tiếp xúc cử tri, cần dành đủ thời gian cho tất cả các ứng cử viên và phải tuyên truyền sao để càng có đông cử tri thuộc nhiều tầng lớp đến dự càng tốt, tránh tình trạng “cử tri chuyên nghiệp”.

- Là một cử tri kỳ cựu, ông có lời khuyên nào cho các công dân trẻ lần đầu đi bỏ phiếu?

Tôi chắc họ sẽ có nhiều bỡ ngỡ và có những cái khó nhất định khi phải đưa ra quyết định bầu cho ai. Lời khuyên của tôi là nên đọc rất kỹ tiểu sử ứng cử viên; tìm hiểu để nắm chắc quy trình và thể lệ bầu cử. Và dù còn trẻ, nhưng ở thời đại hiện nay, một người trưởng thành không thể không dành sự quan tâm thích đáng đến tình hình thời sự, chính trị, kinh tế xã hội của đất nước, từ đó có đủ hiểu biết để lựa chọn những đại biểu đủ đức đủ tài vào Quốc hội và HĐND các cấp.

Bảo Vân thực hiện

Tin cùng chuyên mục