HĐND quận Thủ Đức thông qua nghị quyết thành lập Thành phố Thủ Đức

Tại kỳ họp, 100% đại biểu đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc sắp xếp quận 2, quận 9, quận Thủ Đức thành đơn vị hành chính cấp huyện mới, lấy tên là Thành phố Thủ Đức.

Sáng 10-10, HĐND quận Thủ Đức khóa IV, nhiệm kỳ 2016-2021 tổ chức kỳ họp chuyên đề để thông qua chủ trương sắp xếp 3 quận (2, 9, Thủ Đức) thành đơn vị hành chính cấp huyện mới là Thành phố Thủ Đức. Cùng với đó, xem xét, thông qua đề án xây dựng đô thị thông minh quận Thủ Đức giai đoạn 2020-2025.

HĐND quận Thủ Đức thông qua nghị quyết thành lập Thành phố Thủ Đức ảnh 1 HĐND quận Thủ Đức tổ chức kỳ họp thông qua chủ trương sáp nhập 3 quận, thành lập Thành phố Thủ Đức
Tại kỳ họp, ông Trương Trung Kiên, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức đọc tờ trình của UBND quận về việc xin chủ trương nhập toàn bộ diện tích quận Thủ Đức với gần 48km² và dân số 532.377 người, cùng với quận 2, quận 9 thành một đơn vị hành chính cấp huyện mới, tên là Thành phố Thủ Đức.

Trước đó, UBND quận Thủ Đức đã thực hiện lấy ý kiến cử tri trên địa bàn quận. Cụ thể, quận đã phát ra 60.409 phiếu (theo hộ gia đình), thu vào 59.981 phiếu với 196.258 cử tri tham gia bỏ phiếu (đạt tỷ lệ 99,35%). Trong đó, 192.545 cử tri đồng ý với phương án sắp xếp 3 quận thành đơn vị hành chính cấp huyện mới (đạt tỷ lệ 98,11%); 191.697 cử tri đồng ý với việc đặt tên cho đơn vị hành chính cấp huyện mới là Thành phố Thủ Đức (đạt tỷ lệ 97,68%).

Ông Trương Trung Kiên cũng đọc tờ trình về đề án xây dựng đô thị thông minh quận Thủ Đức giai đoạn 2020-2025. Theo đó, lộ trình triển khai đề án gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2020-2023; giai đoạn 2 từ 2023-2025. Kinh phí thực hiện đề án lấy từ 5 nguồn gồm: nguồn vốn đầu tư phát triển của TP và quận; nguồn vốn sự nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông; nguồn vốn chi thường xuyên của quận; sử dụng nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp có thu và nguồn xã hội hóa.

Tại kỳ họp, các đại biểu thống nhất cao với chủ trương sáp nhập 3 quận. Song, các đại biểu cho rằng Thành phố Thủ Đức cần có cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng. Đại biểu Lê Minh Tuấn (phường Linh Đông) cho rằng TP cần kiến nghị Trung ương xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn, thẩm quyền của lãnh đạo Thành phố Thủ Đức.

HĐND quận Thủ Đức thông qua nghị quyết thành lập Thành phố Thủ Đức ảnh 2 Cử tri quận Thủ Đức bỏ phiếu cho ý kiến sáp nhập 3 quận, thành lập Thành phố Thủ Đức. Ảnh chụp ngày 3-10-2020
Các đại biểu cũng lo lắng, khi sáp nhập 3 quận, lượng cán bộ công chức dôi dư sẽ được sắp xếp, bố trí thế nào. Ở góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Hồng Yến (phường Bình Chiểu) băn khoăn, Thành phố Thủ Đức là đơn vị hành chính cấp huyện, khi thực hiện tinh giản biên chế nhằm tinh gọn bộ máy theo quy định thì số lượng cán bộ công chức của TP Thủ Đức có đủ để phục vụ nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân của cả 3 quận cộng lại (dự kiến dân số TP Thủ Đức lên tới 1 triệu dân); cũng như đảm bảo công tác quản lý nhà nước trên địa bàn?

Cũng theo đại biểu Nguyễn Hồng Yến, hiện quy hoạch chi tiết 1/2.000 của quận Thủ Đức đã hoàn tất. Do đó nhiều cử tri lo lắng, khi thành lập Thành phố Thủ Đức sẽ phải điều chỉnh quy hoạch, như vậy sẽ có sự xáo trộn, tác động không nhỏ đến người dân.

Ngoài ra, các đại biểu cũng truyền tải ý kiến của cử tri về việc đặt tên cho thành phố trong thành phố; công tác tuyên truyền cần sâu rộng hơn; nêu kiến nghị của cư tri về việc hỗ trợ thay đổi hồ sơ, giấy tờ nhà đất, giấy tờ tùy thân.

Dù còn một số băn khoăn nhưng tại kỳ họp, các đại biểu đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc sắp xếp quận 2, 9, Thủ Đức thành đơn vị hành chính cấp huyện mới, lấy tên là Thành phố Thủ Đức. Các đại biểu cũng thông qua nghị quyết về đề án xây dựng đô thị thông minh quận Thủ Đức giai đoạn 2020-2025.

Tại kỳ họp, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ thông tin, kỳ họp HĐND TPHCM sắp tới sẽ xem xét các vấn đề liên quan đến đề án thành lập Thành phố Thủ Đức và thảo luận các phương án đảm bảo việc giải quyết nhu cầu hành chính của người dân.

Theo ông Huỳnh Thanh Nhân, việc lấy ý kiến cử tri về đề án sáp nhập tương đối gấp rút là để TP kịp trình trong kỳ họp Quốc hội sắp tới, bởi nếu không kịp thì TP phải lùi lại 5 năm nữa. Cũng theo Giám đốc Sở Nội vụ, nếu tới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đề án thành lập Thành phố Thủ Đức thì TPHCM chỉ có 60 ngày để sắp xếp, tổ chức lại bộ máy của 3 quận để đi vào hoạt động. 

Tin cùng chuyên mục