Thực hiện sứ mệnh ý nghĩa
Ngày 1-10-2018, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 (BVDC 2.1) lên đường nhận nhiệm vụ ở Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB) tại Nam Sudan. Sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt khi lần đầu tiên Việt Nam đưa một đơn vị quân đội tham gia nghĩa vụ quốc tế cao cả, thực hiện sứ mệnh hòa bình.
Nhớ lại những ngày tháng chuẩn bị lên đường, Đại úy Phạm Thị Thu Trang cho biết, từ khi nhận quyết định tham gia BVDC 2.1, chị đã sắp xếp công việc gia đình, gửi con gái về quê nhờ ông bà ngoại chăm nom. Nhờ vậy, chị có thể tập trung tối đa cho công tác huấn luyện, đảm bảo các yêu cầu gắt gao của một quân nhân GGHB theo yêu cầu của Liên hợp quốc.
Trước khi rời quê hương lên đường, cha của chị nhắn nhủ: Tham gia nhiệm vụ GGHB là vinh dự rất lớn của bản thân con và gia đình. Bởi lẽ, đất nước mình đã trải qua chiến tranh khốc liệt nên luôn quý trọng hòa bình; nơi nào còn chiến tranh, đói khổ mà quân nhân Việt Nam đến giúp đỡ, đó là điều đáng quý, là vinh dự!

Đối với Thượng tá Bùi Đức Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, cuối năm 2014, khi BVDC 2.1 được thành lập, anh được cử làm giám đốc bệnh viện và phải tập dượt, chuẩn bị suốt hơn 3 năm trước khi lên đường.
Bệnh viện thường xuyên phải thực hiện các khóa huấn luyện nghiệp vụ GGHB, công tác hậu cần bảo đảm và huấn luyện tiền triển khai; sàng lọc, lựa chọn những người có tiêu chuẩn đáp ứng được yêu cầu của Liên hợp quốc về ngoại ngữ, chuyên môn, phẩm chất. Trải qua giai đoạn cam go ấy, bệnh viện thành lập được bộ khung 70 người (63 chính thức, 7 dự bị), được đào tạo bồi dưỡng chuyên nghiệp, triển khai các trang thiết bị theo tiêu chuẩn và yêu cầu của Liên hợp quốc.
Toàn bộ nhân viên bệnh viện cũng được huấn luyện các kỹ năng sinh tồn trong điều kiện môi trường châu Phi, sử dụng hệ thống thông tin liên lạc, nhận diện bom, mìn, vật liệu nổ; huấn luyện về luật giao tranh của Liên hợp quốc, luật nhân đạo theo công ước quốc tế, các chuẩn mực hành xử trong chống lạm dụng tình dục và các kỹ năng quân sự khác phục vụ cho hoạt động ở môi trường độc lập.
Theo Thượng tá Bùi Đức Thành, một trong những khó khăn không tránh khỏi là tâm lý của cán bộ, nhân viên. Hầu hết mọi người đều rất lo lắng về tình hình xung đột, an ninh, thời tiết của Nam Sudan. Khó khăn còn từ việc thay thế BVDC cấp 2 của Vương quốc Anh - khi họ từng làm rất tốt, chuyên nghiệp. Do đó, BVDC 2.1 của Việt Nam phải cố gắng phấn đấu để đạt kết quả như bạn.
Sự đoàn kết như một gia đình là sức mạnh của BVDC 2.1 và điều tự hào nhất là công tác dân vận. Ở cạnh BVDC 2.1 có các khu bảo vệ thường dân, nên cuối tuần cán bộ và nhân viên thường sang dạy học, tặng sách vở, tập tô màu có hình ảnh cờ đỏ sao vàng, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
“Những hình ảnh đó đã tạo ấn tượng trong lòng các em nhỏ ở Nam Sudan. Nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng trên ngực áo của các cán bộ chiến sĩ là các em reo lên: Việt Nam!”, Thượng tá Bùi Đức Thành hồi tưởng.
Hoạt động GGHB là cơ chế đặc biệt dựa trên sự đóng góp của các quốc gia thành viên về nguồn lực và lực lượng, được đặt dưới sự chỉ huy của Liên hợp quốc theo các quy định về an ninh tập thể của Hiến chương Liên hợp quốc. Từ năm 1996, Việt Nam đã tham gia đóng góp nghĩa vụ tài chính hàng năm cho hoạt động GGHB. Đến nay, Việt Nam đã cử hơn 1.100 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và cán bộ công an đi thực hiện nhiệm vụ GGHB tại nhiều phái bộ.
Lan tỏa thông điệp hòa bình
Nhận nhiệm vụ công tác tại Văn phòng Cảnh sát địa bàn Bor, Bang Jonglei, Nam Sudan, từ giữa năm 2024 với vai trò là sĩ quan điều hành tác chiến, Đại úy Trần Thị Thu Trang nhớ lại, nơi chị đóng quân là tiểu bang lớn nhất trong 10 tiểu bang của Nam Sudan. Do thiếu thốn cơ sở hạ tầng, mức độ mất an ninh và mưa lớn kéo dài trong năm, điểm nóng xung đột Jonglei được coi là một thách thức hậu cần lớn đối với tất cả hoạt động nhân đạo.
Dù vậy, Đại úy Trần Thị Thu Trang vẫn luôn tự dặn mình, cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ GGHB để thể hiện nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam, góp phần tích cực thực hiện sứ mệnh duy trì hòa bình, an ninh trên thế giới, thúc đẩy Chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh, nhất là vai trò của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Ngày đầu đặt chân tới Nam Sudan, người dân chưa biết nhiều về Việt Nam và những gì họ biết chỉ về cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân Việt Nam. Qua các hoạt động tuần tra, kiểm soát, xây dựng và phát triển năng lực cho cảnh sát địa phương cũng như các hoạt động tiếp xúc với cộng đồng…, người dân sở tại nhanh chóng có nhiều thiện cảm với lực lượng Cảnh sát GGHB nói chung và sĩ quan Công an nhân dân Việt Nam nói riêng.
“Làm nhiệm vụ ở những khu vực giao tranh, phức tạp và luôn tiềm ẩn mất an toàn đã mang lại cho tôi nhiều kinh nghiệm, bài học quý báu và là động lực nhắc nhở bản thân cần mạnh mẽ hơn”, Đại úy Trần Thị Thu Trang chia sẻ.
Đối với Trung tá Nguyễn Thu Hà, những ngày thực hiện nhiệm vụ tại Tổ công tác số 2 UNMISS, Nam Sudan (từ tháng 8-2023 đến 2-2025) là khoảng thời gian khó quên nhất trong cuộc đời chị. Những ngày đầu nhận nhiệm vụ, chị có 2 tuần được đào tạo, định hướng cơ bản về môi trường công tác và cơ cấu tổ chức. Sau đó, chị được điều động đến Văn phòng Cảnh sát Malakal, Bắc Nam Sudan - địa bàn xa nhất của Nam Sudan. Ở Malakal có 1 trại bảo vệ thường dân với hơn 30.000 người tị nạn, trong đó có nhiều sắc tộc khác nhau.
“Thời gian đầu, thực sự khó khăn, bỡ ngỡ và có phần sốc. Ở Malakal chỉ có 2 mùa khô và mưa. Mùa mưa đường sá lầy lội, ra khỏi nơi ở, anh em mang ủng, không đi được giày. Nơi dựng các lều bảo vệ thường dân là mảnh đất rất rộng, xung quanh là mương nước với đủ mùi rác thải. Người dân nơi đây là “nạn nhân” của tình trạng thù hằn sắc tộc, khiến cuộc sống của họ bế tắc, thiếu ăn, trẻ con không có điều kiện đến trường và đói khát bủa vây. Thậm chí, nhiều người bị ảnh hưởng bởi những trận đánh, giết, trả thù lẫn nhau”, Trung tá Nguyễn Thu Hà kể lại.
Sau 1 tháng công tác tại Malakal, chị được về công tác tại sở chỉ huy phái bộ, với nhiệm vụ quản lý phương tiện và nhà ở. Đây là công việc hành chính, nhưng không hề đơn giản để thích nghi với cách làm việc, trình độ chuyên môn của nhiều nước.
“Người Việt mình đi đâu cũng nổi tiếng về chăm chỉ, nỗ lực, không ngại khó, ngại khổ nên tôi sớm hòa nhập không khí làm việc tại trụ sở. Sau khi kết thúc nhiệm vụ, chúng tôi được bạn bè quốc tế đánh giá cao và tặng thưởng các huân chương, huy chương, giấy khen. Đây là điều vinh dự của những người con đất Việt khi kết thúc nhiệm kỳ ở phái bộ”, Trung tá Nguyễn Thu Hà chia sẻ và tự hào bản thân là người Việt Nam, được sống trong một đất nước hòa bình…
Việt Nam nhất quán theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, là bạn và đối tác tin cậy, một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam mong muốn tiếp tục tăng cường tham gia hoạt động GGHB cả hình thức và quy mô triển khai; đồng thời, tăng cường cử cán bộ tham dự các hoạt động do Liên hợp quốc tổ chức…
Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng