Thành ủy TPHCM vừa ban hành kế hoạch chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ cơ sở và đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở nhiệm kỳ 2025-2030. Kế hoạch được ban hành nhằm triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; Công văn 8413 của Ban Tổ chức Trung ương về việc thống nhất một số nội dung tổ chức đại hội đảng các cấp.

Đại hội điểm vào đầu quý 3-2025
Theo kế hoạch, các Đảng bộ bộ phận, Chi bộ trực thuộc chưa tổ chức đại hội phải nhanh chóng tổ chức trước ngày 31-5. Đại hội đảng viên hoặc đại hội đại biểu Đảng bộ cấp cơ sở hoàn thành trước ngày 30-6. Đại hội đại biểu Đảng bộ xã, phường và Đại hội đại biểu Đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở hoàn thành trước ngày 31-8.
Thành ủy TPHCM chọn phường Sài Gòn, phường Thủ Đức và xã Củ Chi để tổ chức đại hội điểm vào đầu quý 3-2025.
Cũng theo Ban Chấp hành Đảng bộ xã, phường trực thuộc Thành ủy có từ 27-33 đồng chí; Ban Thường vụ Đảng bộ xã, phường trực thuộc Thành ủy có từ 9-11 đồng chí. Định hướng cơ cấu Ban Thường vụ gồm: Bí thư; Phó Bí thư; Chủ tịch HĐND (Bí thư hoặc Phó Bí thư thường trực kiêm nhiệm); Chủ tịch UBND; 1 Phó Chủ tịch HĐND, 1 Phó Chủ tịch UBND; Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra, Trưởng ban xây dựng Đảng; Chỉ Huy trưởng quân sự; Trưởng Công an; Chủ tịch Ủy ban MTTQ và cơ cấu khác (nếu có) do Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, quyết định. 2 Phó Bí thư gồm: 1 Phó Bí thư thường trực và 1 Phó Bí thư, Chủ tịch UBND.
Với Đảng bộ các cơ quan Đảng TPHCM, ban chấp hành có không quá 41 đồng chí, ban thường vụ có không quá 11 đồng chí. Theo định hướng cơ cấu, Ban Thường vụ sẽ có 3 Phó bí thư: 1 Phó Bí thư thường trực là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; 1 Phó Bí thư là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy và 1 Phó Bí thư chuyên trách.
Đối với Đảng bộ UBND TPHCM, Ban Chấp hành có không quá 41 đồng chí; Ban Thường vụ có không quá 11 đồng chí. Định hướng cơ cấu sẽ có 1 Bí thư, 1 Phó Bí thư Thường trực và 1 - 2 Phó Bí thư chuyên trách. Trong đó, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND TPHCM là Bí thư Đảng ủy; Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy.
Thành ủy TPHCM cũng lưu ý, sau khi phân công, kiện toàn nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2025 - 2030, thì Ban Thường vụ Thành ủy mới chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư nhiệm kỳ 2025 - 2030 của các Đảng bộ nêu trên.
Đối với các Đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở khác, số lượng Ủy viên Ban Chấp hành từ 21-27 đồng chí; số lượng Ủy viên Ban Thường vụ từ 7-9 đồng chí và có từ 1-2 Phó bí thư.
Ở cấp cơ sở, với các Đảng bộ (chi bộ) cơ sở trực thuộc Đảng bộ các cơ quan Đảng TPHCM và Đảng bộ UBND TPHCM, Ban Chấp hành có không quá 15 đồng chí, Ban Thường vụ có không quá 5 đồng chí.
Với Đảng bộ thực hiện hợp nhất, sáp nhập (gồm cả Đảng bộ Công an) theo quy định, số lượng Cấp ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Bí thư, Ủy ban kiểm tra cấp ủy tại thời điểm hợp nhất, sáp nhập có thể nhiều hơn số lượng nêu tại kế hoạch này.
Thành ủy cũng yêu cầu tối đa không quá tổng số lượng hiện có của các Đảng bộ trước khi hợp nhất (không bao gồm các nhân sự đến tuổi nghỉ hưu, nghỉ công tác hoặc chuyển công tác khác); chậm nhất sau 5 năm kể từ ngày thành lập Đảng bộ mới, thì số lượng phải thực hiện theo quy định.
Đối với những đảng bộ cấp xã hợp nhất, sáp nhập, thì thực hiện theo quy định nêu tại kế hoạch. Riêng Đảng bộ Quân đội, Đảng bộ Công an thực hiện theo quy định riêng của Bộ Chính trị.
Giải quyết chế độ cho cán bộ cấp xã không tái cử do không đảm bảo tiêu chuẩn
Thành ủy TPHCM cũng yêu cầu, thực hiện phân công cấp ủy viên khóa mới ngay sau đại hội hoặc sau khi được chỉ định theo phương án nhân sự đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phù hợp với yêu cầu tình hình thực tiễn.

Chủ động làm tốt công tác tư tưởng, động viên nghỉ công tác, nghỉ hưu trước tuổi, hưởng chế độ, chính sách theo quy định đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử. Đối với cán bộ đủ tuổi tái cử mà có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi, thì cho nghỉ hưu và giải quyết chế độ, chính sách theo Kết luận số 75 của Bộ Chính trị và các quy định liên quan.
Cán bộ ở cấp xã sau khi tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã không tái cử do không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện hoặc không thể phân công, bố trí công tác khác, thì thực hiện theo Kết luận số 64-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và giải quyết chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Về thời điểm thôi giữ chức vụ lãnh đạo HĐND, UBND và các chức danh lãnh đạo có cơ cấu cấp ủy cấp xã nhưng không tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2025 - 2030 thì cho thôi giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý ngay sau đại hội hoặc vào phiên họp thường kỳ gần nhất của HĐND cấp xã sau đại hội.
Riêng đối với các chức danh lãnh đạo HĐND cấp xã nếu nhân sự được chuẩn bị thay thế chưa là đại biểu HĐND, thì để cán bộ đương nhiệm tiếp tục giữ chức vụ đến hết nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Lãnh đạo Thành ủy giao Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt thành phố phổ biến, quán triệt chỉ thị của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy sau khi ban hành kế hoạch.
Trong đó, nhấn mạnh làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền gắn với các phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp và kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2025.
Hướng dẫn xây dựng dự thảo nội dung nghị quyết để đại hội thảo luận; hướng dẫn trang trí đại hội; hướng dẫn công tác tư tưởng, nắm bắt tình hình dư luận xã hội, công tác tuyên truyền trước, trong và sau đại hội...
Ban Thường vụ quận ủy, huyện ủy, Thành ủy TP Thủ Đức căn cứ phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, chỉ đạo các xã, phường có liên quan dự thảo nhiệm vụ trọng tâm gắn với sự phát triển của quận, huyện, TP Thủ Đức, TPHCM để định hướng phường mới xây dựng dự thảo văn kiện đại hội và thẩm định, cho ý kiến trước khi trình Ban Thường vụ Thành ủy.
Dự kiến phương án nhân sự tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ (gồm các tổ chức chính trị - xã hội) của các phường mới sau khi sáp nhập, hợp nhất và thông qua Ban Thường vụ quận ủy, huyện ủy, Thành ủy Thủ Đức trước khi gửi về Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, chỉ định khi kết thúc đơn vị hành chính cấp huyện.
Đảng bộ xã, phường (sau khi sắp xếp) chuẩn bị dự thảo văn kiện đại hội Đảng của cấp mình theo chỉ đạo của Ban Thường vụ quận ủy, huyện ủy, Thành ủy TP Thủ Đức; xây dựng kế hoạch đại hội, chuẩn bị phương án nhân sự và tổ chức đại hội...