Hệ lụy từ xung đột và biến đổi khí hậu

Theo báo cáo do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa công bố, các quốc gia dễ bị tổn thương và có xung đột (FCS) càng bị tác động nặng nề hơn bởi biến đổi khí hậu và ít có khả năng giảm thiểu những tác động đó.
Hạn hán và xung đột ở Iraq, quốc gia nằm trong FCS, càng làm gia tăng tình trạng nghèo đói
Hạn hán và xung đột ở Iraq, quốc gia nằm trong FCS, càng làm gia tăng tình trạng nghèo đói

Khoảng 1/5 quốc gia trên toàn cầu được phân loại là FCS với dân số gần 1 tỷ người. Phần lớn các quốc gia này nằm ở châu Phi, trong đó có một số quốc gia ít chịu trách nhiệm nhất về biến đổi khí hậu do con người tạo ra, bởi lượng khí thải carbon của họ thấp hơn so với lượng khí thải của các nước châu Âu và Bắc Mỹ hay của các nước phát thải quy mô lớn khác.

Báo cáo của IMF cho biết, hầu hết FCS phụ thuộc vào nông nghiệp, khiến họ dễ bị tổn thương trước thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu. Đó cũng là những quốc gia dễ xảy ra xung đột, cản trở khả năng phục hồi sau các trận thiên tai (trung bình 4 năm một lần). Tình trạng này dự kiến sẽ còn tồi tệ hơn khi nhiệt độ Trái đất tiếp tục tăng. Đến năm 2040, các FCS sẽ chứng kiến 61 ngày nhiệt độ trên 35oC so với chỉ 15 ngày như dự báo ​​ở các quốc gia khác.

Theo IMF, mặc dù các cú sốc về khí hậu có thể không gây ra xung đột mới nhưng làm trầm trọng thêm cường độ xung đột. IMF ước tính, các FCS sẽ thiệt hại khoảng 4% GDP 3 năm sau các hiện tượng thời tiết cực đoan (con số này chỉ khoảng 1% ở các nước khác). Hạn hán ở các FCS làm giảm khoảng 0,2% mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người hàng năm.

IMF dự báo, nếu thế giới tiếp tục đi theo quỹ đạo phát thải cao hiện tại thì số ca tử vong do xung đột và do thiên tai ở các FCS có thể tăng từ mức 8,5% hiện nay lên 14% tổng số ca tử vong vào năm 2060. Vì FCS có xu hướng phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp nên những thay đổi của thời tiết, ví dụ như hạn hán gia tăng, sẽ làm giảm sản lượng lương thực, tăng lạm phát và đẩy thêm 50 triệu người vào tình trạng đói vào năm 2060.

Từ thực trạng này, IMF kêu gọi các FCS đưa ra các chính sách thích ứng với khí hậu, bao gồm: nông nghiệp thông minh với khí hậu, tăng quy mô chi tiêu xã hội và cơ sở hạ tầng thích ứng với khí hậu, tăng cường mạng lưới an toàn xã hội. Bản thân IMF đang tăng cường hỗ trợ các FCS đang phải đối mặt với những thách thức về khí hậu thông qua tư vấn chính sách, hỗ trợ tài chính và phát triển năng lực.

IMF cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ FCS. Nếu không, các tác động lan tỏa có thể trầm trọng hơn, bao gồm cả việc buộc phải di dời và di cư sang các quốc gia khác nhiều hơn. Các nước châu Phi đã và đang khẩn cấp kêu gọi các nước giàu hơn giúp chi trả cho việc thích ứng với khí hậu và chuyển đổi năng lượng.

Từ Cộng hòa Trung Phi đến Somalia và Sudan, các quốc gia này phải hứng chịu lũ lụt, hạn hán, bão và các cú sốc liên quan đến khí hậu hơn các quốc gia khác, trong khi họ ít gây ra biến đổi khí hậu nhất. Mỗi năm, số người bị ảnh hưởng bởi thiên tai ở các FCS nhiều gấp 3 lần so với các quốc gia khác.

Tin cùng chuyên mục