Hệ tiêu hóa của con người là một ống dài đi từ miệng đến hậu môn, bên cạnh còn có gan, mật và tụy. Chức năng là nạp thức ăn, sau đó nhồi, trộn để tiêu hóa và hấp thụ các chất dinh dưỡng, loại bỏ các chất cặn bã, độc hại khỏi cơ thể. Việc tiêu hóa, hấp thụ cần sự hỗ trợ của cả một hệ thống các men tiêu hóa. Trẻ em trong năm đầu đời hệ tiêu hóa có những điểm khác biệt về giải phẫu và sinh lý, đến khi trẻ được 10-15 tuổi, bộ máy tiêu hóa mới có chức năng và cấu tạo giống người lớn.
Cấu trúc hệ tiêu hóa
Miệng bé sơ sinh nhỏ, niêm mạc miệng có nhiều mạch máu nhưng khô vì ít nước bọt do tuyến nước bọt chưa biệt hóa tốt, do đó ít men amylase (lý giải vì sao bé chưa thể ăn bột ngay sau sinh), phải đến 6 tháng chức năng này mới hoàn thiện.
Dạ dày trẻ sơ sinh nằm ngang và cao, phải đến 7-10 tuổi mới giống dạ dày người lớn. Lúc mới sinh, dạ dày bé nhỏ xíu, chỉ chứa được 30-35ml, lúc 3 tháng tuổi có thể chứa được 100ml và đạt 250ml khi trẻ được 1 tuổi. Các lớp cơ phát triển còn yếu, co thắt bất thường nên trẻ dễ bị nôn trớ. Thành phần dịch vị của trẻ giống người lớn nhưng số lượng và chất lượng kém hơn. Độ pH trong dịch dạ dày của trẻ nhỏ cao hơn trẻ lớn, do đó chỉ thích hợp trong tiêu hóa, hấp thụ các thành phần lactose, protein trong sữa mẹ hơn là sữa bò. Trẻ bú mẹ, 25% lượng sữa được hấp thụ ở dạ dày và thời gian sữa mẹ ở dạ dày là 2 - 2 giờ 30 phút, trong khi đó đối với sữa bò là 3 - 4 giờ.
Ruột trẻ so với chiều dài của cơ thể dài hơn người lớn. Ở trẻ 6 tháng, ruột già dài gấp 6 lần chiều dài của trẻ, trong khi ở người lớn chỉ dài gấp 4 lần chiều cao. Ruột trẻ phát triển rất nhanh, nhiều nếp nhăn, nhiều mạch máu. Màng treo ruột tương đối dài, manh tràng ngắn và di động nên dễ xoắn. Chức năng ruột cũng tiêu hóa, hấp thụ và vận động nhưng hoạt tính men kém hơn người lớn, nhu động nhiều hơn.
Tụy và gan cũng là những cơ quan của hệ tiêu hóa, về hình thể tụy phải 5-6 tuổi mới giống người lớn, nhưng chức năng tụy có tác dụng tương đối tốt sau khi sinh, chức năng gan phải đến 8 tuổi mới giống người lớn.
Dung nạp sữa ở trẻ
Trước 24 giờ sau khi sinh, ruột bé không có vi khuẩn. Đến ngày thứ 3 sau sinh, mức độ vi khuẩn phát triển cao. Tuy nhiên ở trẻ bú mẹ các khuẩn có lợi như Bifidus, B. lactis aerogenes, B. acidofilus chiếm ưu thế vì sữa mẹ có nhiều men beta lactoza và yếu tố Bifidus rất tốt cho sự phát triển của các khuẩn này và ức chế Ecoli. Ngược lại sữa bò do chứa nhiều alpha lactoza tác dụng tốt đối với Ecoli. Các vi khuẩn có lợi ở ruột tham gia tổng hợp vitamin B, K, tiêu hóa đạm, mỡ, đường do đó khi rối loạn khuẩn thì gây rối loạn hấp thụ.
Nhìn chung, bộ máy tiêu hóa của trẻ nhỏ chưa phát triển hoàn toàn và đầy đủ. Trẻ bú mẹ sẽ dung nạp tốt hơn, có nhiều yếu tố bảo vệ bé hơn, phù hợp với bộ máy tiêu hóa còn non yếu và trẻ ít bị rối loạn tiêu hóa cũng như các bệnh nhiễm khuẩn khác.
Khi trẻ lớn hơn một chút, ngoài sữa mẹ, trẻ cần ăn bổ sung. Nếu sữa mẹ không nhiều thì trong chế độ ăn của trẻ cần thiết phải bổ sung sữa và các chế phẩm từ sữa. Các sản phẩm này giàu calci và các chất dinh dưỡng, rất có lợi cho sức khỏe.
Đa số trẻ em có thể tiêu hóa được sữa bò. Tuy nhiên, một số trường hợp không dung nạp được lactose (một loại đường có trong sữa bò), có thể do yếu tố di truyền hoặc tế bào màng ruột của trẻ không tiết đủ men lactase. Hoặc một số trẻ có thể gặp phải vấn đề này do các tổn thương tại ruột non, thường xuất hiện sau một đợt bị tiêu chảy nặng, hoặc bị bệnh phải hóa trị.
Với trẻ không dung nạp sữa, có thể cải thiện khả năng dung nạp lactose bằng cách tập sử dụng từng ít sữa mỗi lần và tăng dần lượng sữa khi cơ thể đã chấp nhận. Như vậy hệ thống tế bào màng ruột sẽ được kích thích tiết men lactase tăng dần. Hoặc có thể thay bằng sữa đậu nành không chứa lactose, sữa dê chứa ít lactose hơn và dễ tiêu hóa, hấp thụ hơn, hoặc sữa chua trong đó đường lactose đã bị các vi khuẩn lên men trong quá trình chế biến, chuyển hóa thành acid lactic trở nên dễ tiêu hóa, hấp thụ hơn.
Tuy nhiên, việc xác định khả năng dung nạp sữa của bé tốt hay bé không dung nạp được sữa không phải là điều đơn giản. Có thể bạn cần đến sự tư vấn của bác sĩ nếu trẻ có các vấn đề về tiêu hóa. Khi đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bạn cách chăm sóc và chọn lựa sản phẩm thay thế tốt nhất cho bé.
Với trẻ không dung nạp sữa, có thể cải thiện khả năng dung nạp lactose bằng cách tập sử dụng từng ít sữa mỗi lần và tăng dần lượng sữa khi cơ thể đã chấp nhận. Như vậy hệ thống tế bào màng ruột sẽ được kích thích tiết men lactase tăng dần. Hoặc có thể thay bằng sữa đậu nành không chứa lactose, sữa dê chứa ít lactose hơn và dễ tiêu hóa, hấp thụ hơn, hoặc sữa chua trong đó đường lactose đã bị các vi khuẩn lên men trong quá trình chế biến, chuyển hóa thành acid lactic trở nên dễ tiêu hóa, hấp thụ hơn. |
BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt
Thành viên HĐQT Công ty NutiFood