Hiểm họa cháy nổ từ việc hàn cắt kim loại ở các khu sản xuất và khu dân cư vẫn đang thường trực, đe dọa trực tiếp tính mạng và tài sản của người dân. Vụ cháy tại karaoke trên đường Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội đầu tháng 11-2016 lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các cơ quan chức năng.
Chỉ trong tích tắc, ngoài căn nhà cao tầng bị thiêu rụi, 13 người đang sống khỏe mạnh đã bỏ mạng ngay trong đám cháy. Dư luận cả nước bàng hoàng, thương xót.
Nguyên nhân ban đầu trong quá trình điều tra đã xác định vụ cháy do hàn bảng quảng cáo tại lầu 2 của quán karaoke. Biết được nguyên nhân gây ra thảm họa thương tâm đó, không ai có thể che giấu được sự phẫn nộ. Phẫn nộ bởi cháy do hàn cắt kim loại đã được các cơ quan chức năng cảnh báo lâu nay nhưng không hiểu vì sao các vụ cháy nổ thương tâm như thế vẫn thường xuyên xảy ra, gây ra những hậu quả đau lòng.
Cháy có nguyên nhân liên quan đến hàn, cắt kim loại đã xảy ra tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Vụ việc ở Hà Nội khiến dư luận gợi nhớ lại thảm họa cháy nổ với nguyên nhân tương tự tại Trung tâm thương mại Quốc tế (ITC) ở TPHCM cách đây hàng chục năm. Vụ cháy đã cướp đi sinh mạng 60 người, làm 91 người khác bị thương. Cả nước bàng hoàng, dư luận quốc tế cũng chấn động.
Theo Thượng tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Cảnh sát PCCC TPHCM - từng giữ chức vụ Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC các quận 4, quận 1, qua các vụ cháy trên, các nguyên nhân dẫn đến cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản chủ yếu là do hàn cắt kim loại không đảm bảo an toàn PCCC. Mà chủ yếu là do chủ các cơ sở chủ quan, thiếu trách nhiệm và quan tâm đến an toàn PCCC; công nhân, thợ hàn thiếu kiến thức về PCCC. Theo thống kê, khảo sát nhận thấy phần lớn các cơ sở hàn cắt kim loại là những cơ sở nhỏ và vừa nên việc huấn luyện về nghiệp vụ PCCC rất hạn chế, thiếu quan tâm, công nhân không được tập huấn nghiệp vụ chuyên môn về PCCC; khi hàn cắt kim loại không có các biện pháp an toàn PCCC; sử dụng các thiết bị hàn cắt (bình O2, gas, C2H2…) không đảm bảo an toàn PCCC. Chính vì vậy, trong quá trình hàn cắt, do thiếu người, họ không cử người trông coi và không có biện pháp cách ly các vật liệu, hàng hóa dễ cháy ra khỏi khu vực hàn cắt. Người trực tiếp tổ chức hàn cắt kim loại không được trang bị những kiến thức cơ bản về PCCC; không nắm được những đặc tính nguy hiểm cháy, nổ của hàn cắt kim loại; không biết các biện pháp phòng ngừa sự cố cháy, nổ; không biết sử dụng các loại dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ… Do vậy, khi xảy ra cháy, người thợ hàn thường không giữ được bình tĩnh, lúng túng, sợ hãi. Họ không biết cách xử lý để dập tắt đám cháy ngay khi mới phát sinh, thậm chí còn bỏ chạy làm cho đám cháy lan nhanh dẫn đến cháy lan, cháy lớn, gây ra những hậu quả khó lường.
Hàn cắt kim loại cần giải pháp phòng chống cháy nổ thật hiệu quả.
Để xử lý hành vi bất cẩn nêu trên, Luật sư Nghiêm Xuân Lý, cho biết: “Hành vi hàn cắt kim loại gây cháy bị xử lý rất nghiêm qua các Nghị định 167 và Bộ luật Hình sự. Tùy theo mức độ sai phạm sẽ có hình thức xử lý hành chính, hình sự và phạt tiền. Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình nêu rất rõ việc xử lý hành vi bất cẩn gây cháy. Theo mục b, khoản 3, Điều 33 quy định vi phạm về PC và CC trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi hàn, cắt kim loại mà không có biện pháp đảm bảo an toàn về PC và CC theo quy định. Điều 240, Bộ luật Hình sự quy định rất rõ tội danh vi phạm quy định về PCCC.
Theo đó ở từng mức độ khác nhau, người nào vi phạm quy định về PCCC gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 12 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.
Giải pháp phòng chống cháy, nổ khi cá nhân, tổ chức hàn cắt kim loại cũng như xử lý hành vi sai phạm rất cụ thể và không khó thực hiện. Vấn đề còn lại là việc chấp hành như thế nào đòi hỏi chủ đầu tư, giám sát thi công và người dân cần có thái độ kiên quyết hơn nữa để giảm thiểu tổn thất, thiệt hại do bất cẩm trong thi công diễn ra…
| |
Đoàn Hiệp