Hiện tượng xã hội

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Ngày 25-5, Vụ Pháp chế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã công bố Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc.

Dài 32 trang với 6 chương, 14 mục, Bộ Quy tắc đặt mục tiêu hướng dẫn việc triển khai những quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản liên quan về việc phòng, chống QRTD tại nơi làm việc cho người sử dụng lao động; tổ chức đại diện của người sử dụng lao động, người lao động và tổ chức công đoàn để giải quyết có hiệu quả tình trạng QRTD; đồng thời đưa ra các khuyến nghị trong việc xây dựng, ban hành, thi hành và giám sát thực hiện tại nơi làm việc về QRTD và khích lệ thúc đẩy xây dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh.

Báo cáo của ILO cho thấy, QRTD đã được thừa nhận là một vấn đề nghiêm trọng mà người lao động có thể phải trải nghiệm tại nơi làm việc. Ở Trung Quốc, điều tra do Women’s Watch China thực hiện năm 2009 cho thấy 20% trong số 1.837 phụ nữ được hỏi cho biết có bị QRTD tại nơi làm việc. Một nghiên cứu của AWARE Singapore năm 2008 cũng cho thấy 54,4% số phụ nữ được hỏi (500 mẫu) cho biết họ đã trải nghiệm QRTD và tất cả đều cảm thấy hoảng sợ.  Tại Mỹ và các nước châu Âu, QRTD bị xem là phạm tội và bị trừng phạt theo luật hình sự. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam vẫn chưa đưa ra định nghĩa cụ thể thế nào là QRTD và việc nhận diện QRTD cũng không có cơ sở pháp lý.

Bởi tính pháp lý không rõ ràng và nhận thức của số đông còn chưa thấu đáo về QRTD nên phản ứng trước thông tin công bố Bộ Quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc, không ít người cho rằng “chẳng ăn thua”, “thiếu thực tế”…

Không chỉ nhắc đến những tấn công tình dục mang tính hình sự, Bộ Quy tắc đã “chạm” đến những hành vi mà lâu nay nhiều người cho rằng vô hại nơi công sở, như những đụng chạm cơ thể không được mong muốn, những lời bông đùa, câu chuyện cười mang tính dung tục, những tin nhắn trêu ghẹo, màn hình máy tính nhạy cảm “vô tư”… QRTD tại nơi làm việc đã trở thành hiện tượng xã hội là điều không cần bàn cãi, và Bộ Quy tắc hẳn khiến người ta giật mình nhìn lại những chuyện “rất gần”: Tôi là nạn nhân của QRTD? Tôi là tội đồ QRTD? QRTD đang diễn ra tại nơi tôi làm việc?...

Thiết nghĩ, dù chỉ mang tính tham khảo, Bộ Quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc cần được xem xét nghiêm túc, vì một môi trường làm việc lành mạnh, văn minh.

SÀI GÒN GIẢI PHÓNG THỨ BẢY

Tin cùng chuyên mục