Hiệu quả kép từ dự án tiết kiệm năng lượng

Thời gian gần đây, dự án tiết kiệm năng lượng (TKNL) được nhiều doanh nghiệp (DN) lựa chọn đầu tư mang lại hiệu quả rất lớn trong sản xuất kinh doanh. Đáng chú ý, Việt Nam được đánh giá rất tiềm năng về thị trường TKNL nên hiện đang thu hút nhiều quỹ tín dụng nhằm hỗ trợ DN trong quá trình đầu tư.

Tiết kiệm tiền tỷ mỗi năm

Theo Bộ Công thương, thời gian qua đơn vị đã phối hợp với các tổ chức triển khai Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam”. Thông qua việc đánh giá, tìm hiểu công nghệ TKNL của 2.409 DN sử dụng năng lượng trọng điểm, dự án đã lựa chọn 10 DN thực hiện kiểm toán năng lượng dưới sự giám sát của các chuyên gia năng lượng. Kết quả, 108 giải pháp TKNL được đề xuất. Thực hiện các giải pháp, các DN có tiềm năng tiết kiệm chi phí khoảng 78.000 USD/năm với mức đầu tư dự kiến gần 200.000 USD, thời gian hoàn vốn 2,6 năm, cắt giảm 606.000 tấn CO2/năm. Thực hiện các dự án TKNL không chỉ giúp DN giảm chi phí cho sản xuất mà còn góp phần đạt được các mục tiêu về TKNL mà Chính phủ đã đặt ra. Trong giai đoạn 2019-2025, Chính phủ phấn đấu đặt mục tiêu TKNL từ 0,5%-7,0% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại toàn quốc và từ 8%-10%  trong giai đoạn 2019-2030. 

Hiệu quả kép từ dự án tiết kiệm năng lượng ảnh 1 Doanh nghiệp sản xuất có nhiều cơ hội tiếp cận các dự án tiết kiệm năng lượng. Ảnh: THÀNH TRÍ
Đơn cử, kết quả kiểm toán năng lượng tại Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (sản xuất thức ăn chăn nuôi), cho thấy sau khi lắp biến tần cho quạt thông gió và quạt hút khí thải, đã tiết kiệm được 550,454 tấn/năm, chi phí tiết kiệm gần 1,3 tỷ đồng/năm. 

Ngoài ra, DN cũng đã và đang triển khai các giải pháp giảm tiêu hao năng lượng trong thu hồi nhiệt từ khói thải lò hơi, lắp đặt đường ống hút khí nóng... Các giải pháp này đã giúp DN tiết kiệm được một số tiền lớn từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm. Tương tự, tại Công ty CP Giấy An Hòa, thực hiện các giải pháp TKNL được đề xuất, DN đã tiết kiệm được gần 10 triệu kWh/năm và hơn 8.000 tấn than/năm tương đương 33,8 tỷ đồng.

Trong đó, giải pháp thay thế máy ép công nghệ thông thường bằng máy ép công nghệ shoe press đã giúp DN tiết kiệm được 4.801 tấn than/năm, chi phí tiết kiệm 11,04 tỷ đồng/năm. Một giải pháp nữa cũng mang lại nhiều lợi ích cho DN đó là lắp đặt máy thổi khí chân không thay thế cho hệ thống bơm chân không tại dây chuyền xeo giấy. Giải pháp này đã giúp DN tiết kiệm được gần 7 triệu kWh/năm, chi phí tiết kiệm 10,674 tỷ đồng/năm.

Cơ hội tiếp cận nguồn tài chính xanh 

Đại diện Bộ Công thương cho biết thêm, các dự án TKNL có một Quỹ chuyên biệt hợp tác với các cơ quan tài trợ khác và Quỹ khí hậu toàn cầu với sự tham gia của các ngân hàng thương mại bao gồm BIDV, VCB. Chương trình cho vay đầu tư các dự án TKNL trị giá khoảng 156 triệu USD thực hiện trong vòng 10 năm. Trong đó, vốn vay từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) là 100 triệu USD. Khoản vay này sẽ được Bộ Tài chính cho các ngân hàng vay lại. Các ngân hàng tham gia sẽ cho các DN công nghiệp, công ty dịch vụ năng lượng vay để thực hiện các dự án TKNL. Mức tối đa cho vay khoảng 70%-80% tổng giá trị đầu tư của dự án, lãi suất giao động từ 2,6%-9,5 %/năm tùy thuộc vào quy định, yêu cầu của từng ngân hàng, quỹ đầu tư. 

Ngoài ra, các DN còn được tiếp cận với nhiều quỹ tín dụng khác như Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam; Qũy khí hậu toàn cầu; Ngân hàng thế giới; Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và một số ngân hàng thương mại của Việt Nam như nêu trên. Dẫn chứng về mức vay vốn đầu tư cho TKNL, ông Nguyễn Duy Phong, đại diện ngân hàng BIDV cho biết, trị giá khoản vay tại BIDV là 50 triệu USD tương đương 1.150 tỷ đồng, trong vòng 10 năm, trong đó có 5 năm ân hạn. Dự án tham gia sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi so với lãi suất thông thường. Các lĩnh vực được khuyến khích đầu tư bao gồm thay thế các công nghệ kém hiệu quả bằng các công nghệ TKNL như nồi hơi công nghiệp, kho đông lạnh, các hệ thống trao đổi nhiệt hiệu suất cao; các dự án đầu tư thiết bị thu hồi nhiệt thừa, hơi thừa từ các nhà máy; tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà thương mại, công cộng... 

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương, cho rằng, để đảm bảo đủ cung ứng năng lượng cho nền kinh tế - xã hội, Bộ Công thương luôn quan tâm đến vấn đề năng lượng và an ninh năng lượng. Dự tính nguồn điện lưới quốc gia tầm nhìn đến năm 2030 sẽ ngày càng hạn hẹp khi Chính phủ chủ trương dừng các dự án điện hạt nhân. Ngoài ra, hiện nay các nguồn hồ đập thủy điện lớn và trung bình đã gần như khai thác triệt để, do đó đầu tư vào TKNL cho các ngành công nghiệp là vấn đề rất cấp thiết. Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả giai đoạn 2019-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, đầu tư cho các dự án TKNL trong lĩnh vực công nghiệp sẽ giúp DN có cơ hội để tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi từ các quỹ đầu tư, từ đó giúp TKNL, chi phí và bảo vệ môi trường hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục