Doanh nghiệp hưởng lợi
Nhằm triển khai các hoạt động hỗ trợ cho các DN công nghiệp hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng hoạt động kinh doanh, từng bước tiếp cận với các đối tác trong và ngoài nước, Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM (Sở Công thương) đã phối hợp với Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TPHCM (VCCI) triển khai thực hiện Chương trình Đào tạo Phát triển doanh nghiệp bền vững (SCORE) với chuyên đề “Hợp tác tại nơi làm việc”. Bước đầu, chương trình đã mang lại nhiều kết quả tích cực về sự tương tác trong môi trường làm việc, cũng như giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động và tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Chia sẻ về nội dung này, đại diện Công ty cơ khí Duy Khanh (quận Tân Phú), cho biết, tham gia chương trình cải tiến theo dự án của sở, thời gian qua, công ty đã đạt được những kết quả tích cực. Chẳng hạn như, giảm hàng lỗi, giảm thời gian tồn kho. Trước đây, hàng hóa của công ty tồn kho tới 46 ngày, nhưng sau khi cải tiến đã giảm xuống còn 22 ngày. Đặc biệt, năng suất lao động tại công ty đã được cải thiện đáng kể, tăng khả năng đáp ứng chỉ từ 1,47 đơn hàng/ngày lên 1,6 đơn hàng/ngày. Không những thế, công ty còn tiết kiệm được nhiều chi phí cho năng lượng, nguyên liệu đầu vào. Mặt khác, thái độ làm việc của công nhân lao động trở nên chuyên nghiệp hơn.
Tương tự, bà Phan Thị Nhung, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại in Minh Mẫn (quận 12) cũng cho biết, sau khi tham gia chương trình, với 75 dự án cải tiến hoàn thành đã giúp môi trường làm việc của công ty luôn sạch sẽ, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất; giúp giảm thao tác thừa, nâng cao năng suất lao động, gắn kết tinh thần làm việc nhóm. Từ đó, góp phần mang lại nhiều lợi ích cho công ty. Bà Nhung dẫn chứng, công ty đã thực hiện cải tiến các khâu trong sản xuất, như cải tiến khâu ép nhiệt sản phẩm chuyển qua dập. Trước khi cải tiến, công ty thực hiện việc ép nhiệt chỉ được 300 sản phẩm/giờ. Sau khi cải tiến, năng suất tăng gấp 3 lần, đã ép nhiệt được 900 sản phẩm/giờ với chi phí chỉ mất 1,5 triệu đồng. Chưa hết, công ty cũng đã cải tiến khâu đục lỗ cho cánh quạt. Thay vì các lao động chỉ đục lỗ thủ công được 500 sản phẩm/giờ, thì nay nhờ cải tiến chuyển qua dập khoan nên số sản phẩm được dập đã tăng lên 1.000 sản phẩm/giờ. Ngoài ra, công ty còn thực hiện cải tiến kho vật tư, kệ để hàng... tạo thuận lợi trong công tác bốc dỡ, xếp hàng, giúp giảm chi phí và thời gian hoạt động của công nhân.
Tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp
Ông Lê Minh Quang, chuyên gia giảng dạy chương trình SCORE đánh giá, các DN công nghiệp hỗ trợ ở TPHCM cơ bản đã có nền tảng sản xuất tốt. Chỉ có điều, lãnh đạo doanh nghiệp thường quản lý theo thói quen và kinh nghiệm nên thường gặp một số vấn đề bất cập, như: vệ sinh nhà xưởng chưa tốt, sản xuất không theo quy cũ, dư thừa, lãng phí, hàng hóa lỗi nhiều, không giao hàng đúng tiến độ… Để có thể nâng cao sức cạnh tranh, DN cần phải đẩy mạnh cải thiện, cải tiến các tiêu chí này. Cũng theo ông Quang, dự án SCORE đang triển khai rất cụ thể và đi thẳng vào từng nội dung yếu kém mà DN đang gặp phải. Mục tiêu quan trọng của chương trình SCORE là hỗ trợ DN đạt được kết quả tốt trong việc cải tiến phương pháp làm việc của cán bộ quản lý và công nhân, tăng cường hợp tác nơi làm việc; xây dựng thói quen làm việc mới, khoa học và hiệu quả hơn. Trước đó, DN cũng được đơn vị hỗ trợ tiến hành khảo sát để xác định những yếu tố bất cập cần phải được cải tiến.
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM, cho biết qua thực tế triển khai tại TPHCM, các DN phản ánh rất tích cực. Nhờ tham gia chương trình đào tạo này mà nhiều DN đã từng bước nâng cao được năng suất lao động, thay đổi cơ bản văn hóa sản xuất trong đơn vị. Từ đó, đã lọt vào tầm ngắm của nhiều đối tác là DN đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay DN FDI lớn; mở ra nhiều triển vọng hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Dự kiến, trong giai đoạn 2018 - 2020, trung tâm sẽ kết nối, hỗ trợ thêm khoảng 40 DN công nghiệp hỗ trợ thành phố tham gia chương trình SCORE. Cùng với đó, bà Oanh khẳng định, trung tâm sẽ luôn là “cầu nối” giúp doanh nghiệp tham gia chương trình tìm kiếm, hợp tác kinh doanh với các đối tác thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối với DN, tập đoàn FDI...