Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), để tìm hiểu rõ thông tin trên.
* PHÓNG VIÊN: Ông đánh giá như thế nào về khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung và Tập đoàn Samsung nói riêng của các DN Việt Nam?
- Ông TRƯƠNG THANH HOÀI: Có 3 yếu tố để đánh giá năng lực cung ứng của DN sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ là chất lượng, giá cả và thời gian giao hàng. Hiện tại, rất ít DN Việt Nam đáp ứng được cả 3 tiêu chí trên. Tính trên cả nước, đang có khoảng 100 DN trong nước có khả năng cung ứng sản phẩm phụ trợ ở cấp 1 và 2. Còn lại là DN cung ứng cấp thấp, khoảng cấp 3 và 4.
Thực tế cho thấy, những tiêu chí phía DN sản xuất sản phẩm đầu cuối đưa ra rất ngặt nghèo, thậm chí có những DN sản xuất sản phẩm đầu cuối ngoài yêu cầu về 3 tiêu chí nói trên còn có thêm yêu cầu về những tiêu chí khác (như đảm bảo an toàn về môi trường, lao động và trách nhiệm xã hội…). Điều này xuất phát từ yếu tố an toàn, chất lượng và uy tín đối với sản phẩm của DN đầu cuối trên thị trường. Với DN Việt vốn có xuất phát điểm thấp, lại chưa có kinh nghiệm tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng sản phẩm phụ trợ toàn cầu nên rất khó khăn để đáp ứng được yêu cầu này. Tuy nhiên, nói như thế không phải là phủ nhận những cố gắng, nỗ lực của các DN Việt trong thời gian qua. Hiện đã có những DN làm rất tốt, nhưng để có thể tham gia bền vững vào các chuỗi cung ứng, đòi hỏi các DN Việt cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc cải thiện hiệu suất sản xuất của mình.
* Để có thể cải thiện năng lực sản xuất, theo ông, DN trong nước cần phải làm gì? Bộ công thương đã có những chính sách hỗ trợ như thế nào?
- Để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng, DN Việt Nam phải cải tiến quản lý, nâng cao chất lượng sản xuất, giảm thiểu hàng tồn kho, giảm tỷ lệ hàng lỗi, giảm giá thành sản phẩm đủ để cạnh tranh với các DN cung ứng sản phẩm phụ trợ không chỉ tại Việt Nam mà là toàn cầu. Tập đoàn Samsung đã cử chuyên gia từ Hàn Quốc sang hỗ trợ DN Việt Nam áp dụng chương trình cải tiến hiệu suất sản xuất bằng việc áp dụng thực hiện giải pháp 5S và Kaizen. Tính đến nay, đã có 26 DN được hỗ trợ và từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng của Tập đoàn Samsung. Một số ít DN trong số này còn tham gia vào những chuỗi cung ứng khác, như cung ứng cho các hãng Toyota, Honda...
Tuy nhiên, số lượng DN có khả năng trên còn quá ít so với số DN đang tham gia hoạt động trong lĩnh vực sản xuất. Nguyên nhân là do số lượng chuyên gia của Tập đoàn Samsung cũng rất giới hạn. Do vậy, thời gian qua, Bộ Công thương đã phối hợp với sở công thương các tỉnh/thành, Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) TPHCM tổ chức khóa đào tạo chuyên gia tư vấn Việt Nam trong lĩnh vực CNHT. Theo đó, từ nay đến hết năm 2019, sẽ có 200 học viên của các trường đại học, cơ quan chức năng, DN được hỗ trợ đào tạo. Có thể nói, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của chuyên gia hàng đầu từ Hàn Quốc, sau khi kết thúc khóa học, các học viên Việt Nam sẽ có đủ năng lực để tư vấn và đào tạo lại cho các DN cung ứng trong ngành CNHT của Việt Nam, giúp các DN nâng cao năng lực cạnh tranh để nắm bắt được cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
* Ý kiến của nhiều DN cho rằng, Chính phủ cần có những ràng buộc nhất định trong quá trình thu hút đầu tư của DN nước ngoài, nhằm tạo những khoảng trống thị trường nhất định cho DN trong nước phát triển. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Phải thấy rằng, DN sản xuất sản phẩm đầu cuối rất mong muốn xây dựng chuỗi cung ứng tại địa phương - nơi nhà máy sản xuất sản phẩm đầu cuối đầu tư. Bởi đây là giải pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ mất an toàn do phải nhập khẩu sản phẩm phụ trợ, sản phẩm lỗi tăng do quá trình vận chuyển xa hoặc không đảm bảo yếu tố giao hàng đúng thời gian, làm ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất… Thế nhưng, ở chiều ngược lại, DN địa phương nói chung muốn tham gia vào chuỗi cung ứng của họ thì trước hết phải hoàn thiện năng lực sản xuất của mình, đáp ứng tiêu chí mà họ đưa ra. Trên thực tế, những tiêu chí này đều được các tập đoàn sản xuất sản phẩm đầu cuối minh bạch trên thị trường. Do đó, DN cần phải nhìn nhận rằng, mình đang tham gia vào sân chơi toàn cầu mà ở đó, tất cả các DN cung ứng sản phẩm phụ trợ đều phải cạnh tranh công bằng với nhau.
Riêng nói về khoảng trống thị trường thì tại Việt Nam, khoảng trống dành cho DN cung ứng sản phẩm phụ trợ hiện rất lớn. Chỉ tính riêng Samsung đã công bố cần khoảng 500 DN cung ứng từ nay đến năm 2020. Mặt khác, các DN nội cần thấy rằng, không thể ngay lập tức chúng ta có thể tham gia và trở thành nhà cung ứng cấp 1 hoặc cấp 2, mà cần phải đi từ cấp thấp đến cao. Đây cũng là cách để DN tự nỗ lực và ngày càng hoàn thiện mình để từng bước gia nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.