Theo Bộ trưởng Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia Darell Leiking, dự án mới hoàn toàn do tư nhân cấp vốn, chính phủ có thể chỉ hỗ trợ một phần về thuế và tài trợ nghiên cứu. Mục tiêu của dự án là áp dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật và đảm bảo chiếc xe hơi nội địa thứ ba được phát triển hoàn chỉnh ở Malaysia. DreamEDGE, một công ty có trụ sở ở thành phố Cyberjaya thuộc bang Selangor, được chọn đóng vai trò chính thực hiện dự án. Trong khi đó, hãng chế tạo ô tô Daihatsu của Nhật Bản là đối tác hỗ trợ công nghệ tiên tiến cho dự án. Dự kiến, nguyên mẫu chiếc xe hơi nội địa thứ ba của Malaysia sẽ được xuất xưởng vào tháng 3-2020 và lần ra mắt đầu tiên có thể diễn ra sau đó 1 năm.
Công nghiệp ô tô là một trong những ngành công nghiệp chế tạo quan trọng nhất ở Malaysia. Đây là ngành góp phần đẩy nhanh tốc độ trở thành nước công nghiệp phát triển của đất nước này. Việc công bố dự án mới cho thấy quyết tâm đẩy mạnh việc phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad sau khi trở lại nắm quyền lãnh đạo vào năm 2018. Tuy nhận được nhiều sự đồng thuận nhưng dự án cũng vấp phải chỉ trích lẫn nghi ngại từ dư luận trong nước. Lý do là thị trường xe hơi Malaysia đang thay đổi nhanh chóng. Dòng xe hơi nội địa bỏ trống phân khúc xe sang cho các công ty nước ngoài, trong khi tầng lớp người giàu tại Malaysia đang tăng trưởng chóng mặt. Bên cạnh đó, việc Chính phủ Malaysia đã phải rót hàng tỷ ringgit để cứu Proton Holdings, hãng xe hơi quốc gia đầu tiên của Malaysia, một trong những dự án ghi dấu ấn dưới thời ông Mahathir Mohamad làm Thủ tướng lần thứ nhất (1981-2003) đã vấp phải nhiều sự phản đối.
Ở thời kỳ huy hoàng nhất, thị phần của Proton ở Malaysia đạt đỉnh 74% vào năm 1993. Tuy nhiên, doanh thu của Proton đã sụt giảm sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á từ năm 1998, khiến giấc mơ ô tô của Malaysia trở nên dang dở. Kiểu dáng thiết kế lỗi thời, dây chuyền lạc hậu, không đạt tiêu chuẩn an toàn nên không thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính là nguyên nhân khiến Proton đi xuống. Ngoài ra Proton cũng chịu sự cạnh tranh từ Perodua, công ty ô tô ra đời vào năm 1993 và các dòng sản phẩm đến từ nước ngoài.
Dù nhận tiền trợ cấp, nhưng thương hiệu ô tô đầu tiên của Đông Nam Á tiếp tục gặp rắc rối nghiêm trọng về mặt tài chính. Proton đã phải bán một nửa cổ phần cho hãng Geely của Trung Quốc để có thể giữ cho các nhà máy mở cửa và phát triển những mẫu xe mới. Cựu Thủ tướng Mahathir từng kịch liệt phản đối thương vụ mua bán này bởi theo ông đó không chỉ đơn thuần là một chiếc xe ô tô mà là cả ngành công nghiệp ô tô của Malaysia.
Theo giới chuyên gia kinh tế, bài học từ Proton cho thấy việc phát triển dự án phát triển dòng xe hơi nội địa ở Malaysia không dễ dàng. Ngành công nghiệp chế tạo ô tô cần phải đầu tư vốn lớn, từ chi phí xây dựng nhà xưởng, mua sắm, lắp đặt máy móc, thuê nhân công đến việc đầu tư cho nghiên cứu, phát triển. Nếu chỉ nhắm tới thị trường nội địa thì hãng ô tô quốc gia mới cần phải tạo ra sự đột phá trong thiết kế lẫn sản xuất