Trong đợt triển lãm của 9 họa sĩ đến từ Hà Nội đang diễn ra tại Bảo tàng TPHCM từ ngày 3 đến 15-3, họa sĩ Cao Ban Ban để lại cho người xem tranh nhiều ấn tượng qua những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân, cũng như đầy sự chiêm nghiệm từ cuộc sống.
Họa sĩ Cao Ban Ban
Trong số 9 họa sĩ đến từ Hà Nội lần này, ngoài họa sĩ Tô Ngọc Thành (77 tuổi, con trai của danh họa Tô Ngọc Vân) thì họa sĩ Cao Ban Ban là người nhiều tuổi nhất (64 tuổi) trong số những họa sĩ còn lại. Trong khi họa sĩ Tô Ngọc Thành đã được nhiều người biết đến từ lâu thì Cao Ban Ban vẫn còn là một cái tên khá mới mẻ với nhiều người, dù ông hoạt động trong ngành hội họa gần 40 năm.
Ông kể rằng, mình sinh ra tại Nho Quan, Ninh Bình, nhưng quê hương lại ở Lý Nhân, Hà Nam. “Nhiều người nghe tên, nghe cách nói chuyện cứ tưởng mình là người dân tộc, nhưng không phải như vậy. Bố mẹ sinh mình ra ở vùng hoa ban trong những năm kháng chiến, thấy hoa ban đẹp thế là đặt tên là Cao Văn Ban. Lúc đầu chỉ có mỗi chữ Ban, nhưng sau này thấy nhẹ quá nên thêm chữ Ban nữa vào cho mạnh”, ông tâm sự.
Sinh ra trong gia đình không có truyền thống nghệ thuật, nhưng ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, Cao Ban Ban đã yêu thích mỹ thuật. Tuy nhiên, khi ước mơ còn chưa thực hiện được thì năm 1973, khi mới 20 tuổi, ông phải lên đường nhập ngũ. Đến năm 1977 thì ông trở về, làm qua nhiều việc để kiếm sống, rồi lấy vợ sinh con. Vì đam mê, ít năm sau, ông quyết định thi vào trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, đến năm 1985 thì tốt nghiệp, rồi trở thành giảng viên tại đây.
Để có thể theo đuổi được đam mê, sống được với đam mê của mình, Cao Ban Ban đã phải làm rất nhiều việc từ đi vẻ chân dung, rồi đi dạy học từ Bắc vào Nam. Cho đến thời điểm này, khi gánh nặng cuộc sống mưu sinh đã vơi đi, ông mới toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật.
Có lẽ xuất phát từ cuộc sống mưu sinh vất vả mà những tác phẩm của Cao Ban Ban mang nhiều chất liệu cuộc sống, ẩn chứa nhiều chiêm nghiệm về đời sống nội tâm. Trong đợt triển lãm này ông mang tới TPHCM 25 bức tranh, chủ đề chính là con người, cuộc sống vùng quê, những nơi ông đã đi qua.
Trong số 25 bức tranh ấy thì có lẽ bức “Ô lý thần tiên” để lại cho người xem nhiều ấn tượng nhất. Đó là bức tranh ông vẽ về một cô bé người H’Mông lên thị trấn Sapa kiếm sống. “Con bé rất đáng thương, không có cái ăn, tôi đưa cho một cái bánh mì. Ăn xong thì con bé ngủ, ngủ bên chiếc ô giữa vùng đất đầy bụi, nhưng cây thì rất đẹp, thế là tôi quyết định vẽ lại”, Cao Ban Ban chia sẻ.
Tác phẩm ‘’Ô lý thần tiên’’
Tác phẩm ‘’Dấu ấn của tôi’’
Ngoài những tác phẩm được Cao Ban Ban thể hiện theo lối truyền thống, đơn giản thì có những bức tranh phá cách theo phong cách hậu hiện đại. Tác phẩm “Dấu ấn của tôi” là một trong số đó. Tác phẩm này ông vẽ một người đàn ông có khuôn mặt khắc khổ, chân vắt lên cổ, còn tay thì vươn lên trời như đang than thở. Họa sĩ Cao Ban Ban cho biết, đó chính là chân dung của ông. “Dấu ấn của tôi được tạo từ cả một chặng đường gian nan, rồi mới đi được đến ngày nay. Đấy là chặng đường mấy chục năm, phải vắt chân lên cổ để mà vẽ, để mà vừa lo cuộc sống, có lúc mất hết không còn gì”, ông tâm sự.
Niềm đam mê hội họa của họa sĩ Cao Ban Ban đã được Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng giấy khen năm 2003 và tặng thưởng năm 2012. Ông cũng đã có 5 lần triển lãm cá nhân, trong đó có 2 lần triển lãm tại nước ngoài (tại Pháp và Đức).
Nói về tranh của Cao Ban Ban, nhà nghiên cứu và phê bình nghệ thuật Trần Thức chia sẻ rằng, tranh của Cao Ban Ban đã gây được ấn tượng tốt với người xem bằng sự hồn nhiên, ngây thơ, chân thật. Cao Ban Ban không quan tâm nhiều tới chất liệu và kỹ thuật gia công. Mà như sự thừa nhận của ông, mỗi bức tranh với ông là một câu chuyện.
XUÂN THỦY