
… Đoàn người kết thành một khối vững chắc, hiên ngang tiến về phía trước. Nét vẽ đậm, khối hình khỏe, các mảng tối sáng đối lập, tương phản. Phía trên là bầu trời nhiều mây, phía dưới là đất gập ghềnh.
Đoàn người như khối đá núi tạc ấy có già, trẻ, gái trai, trí thức, nông dân… thể hiện khí phách và hào khí của những người khởi nghĩa. Họ là những người Việt Nam yêu nước đã làm nên một “Nam kỳ khởi nghĩa năm 1940”, dù chưa thành công nhưng đã thành danh. Có nhiều tác phẩm mỹ thuật sáng tác về đề tài này, với bức tranh sơn mài khổ lớn 70cm x 140cm cùng với khối người đoàn kết trên, họa sĩ Huỳnh Văn Gấm đã tạo dựng nên khúc bi tráng ca được lưu danh (ảnh).

Giá trị của tác phẩm “Nam kỳ khởi nghĩa năm 1940” không chỉ là việc Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia chọn để lưu giữ cho muôn đời sau, mà còn đặt nhiều vấn đề về sáng tác, đặc biệt về đề tài lịch sử, truyền thống cách mạng hào hùng.
Là bức tranh sơn mài, chứ không phải một loại tranh nào khác, vào loại lớn nhất thời đó, được họa sĩ Huỳnh Văn Gấm sáng tác năm 1960, nghĩa là sau đúng 20 năm cuộc khởi nghĩa Nam kỳ diễn ra, là một công trình nghệ thuật hoành tráng về đề tài chiến tranh cách mạng.
Ấy là khúc bi hùng tráng của danh họa Huỳnh Văn Gấm đối với cách mạng, với đất nước. Họa sĩ Huỳnh Văn Gấm sinh năm 1922 tại thị xã Tân An, Long An và mất năm 1987 tại thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Tạ Thúc Bình… ông là học trò xuất sắc của danh họa Tô Ngọc Vân, khóa 15 (1941-1945), khóa cuối cùng của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương Hà Nội.
Họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Lê Thanh Trừ xếp Huỳnh Văn Gấm vào 1 trong số 12 họa sĩ nổi tiếng nhất của Nam bộ. Ở con người của Huỳnh Văn Gấm có nhiều điều cho chúng ta quý trọng và kính nể. Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia ngay từ ngày đầu. Đang học ở Hà Nội ông trở về quê, rồi lại từ quê ra Hà Nội.
Ông vào Đảng sớm và giữ những chức vụ quan trọng: phụ trách Thanh niên Tiền phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy Long An, đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên (1946); Tổng Biên tập Tạp chí Nghệ Thuật (1977-1979). Họa sĩ Huỳnh Văn Gấm đạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước... Ông còn được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn hóa nghệ thuật đợt đầu.
Huỳnh Văn Gấm sáng tác không nhiều, nhưng trong hội họa đã tạo ấn tượng mạnh. Ngoài những bức tranh cổ động đặc sắc, công lớn của ông là tạo nên bản vẽ đồng tiền Việt Nam sau 1945, các tác phẩm như “Trái tim và nòng súng”, “Cô Liên”, “Công hội đỏ”, “Bác Hồ thời thơ ấu”, “Ngô Gia Tự”, “Võ Thị Sáu”… và nhất là “Nam kỳ khởi nghĩa năm 1940”… đã tạo nên dấu ấn không phai mờ của tên tuổi danh họa Huỳnh Văn Gấm.
Trong tác phẩm “Nam kỳ khởi nghĩa năm 1940”, chúng ta thấy, tài năng, tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc… chính là cơ sở, nền tảng cho thành công của một trong những sáng tác mỹ thuật có giá trị nhất về đề tài chiến tranh cách mạng.
LƯU XÁ