Họa sĩ Lê Lam: Một tấm lòng vì miền Nam

Hơn 60 năm gắn bó với nghiệp cầm cọ, họa sĩ Lê Lam đã tạo cho mình một kho tàng mỹ thuật không hề nhỏ với hàng ngàn tác phẩm. trong đó có những tác phẩm ký họa vô cùng quý giá, bởi nó được ra đời trong những ngày chiến tranh khói lửa, được ghi chép ngay dưới làn mưa bom bão đạn, ghi lại những khoảnh khắc lịch sử sống động, những người thật việc thật ở chiến trường miền Nam những năm tháng chống Mỹ.
Họa sĩ Lê Lam: Một tấm lòng vì miền Nam

Hơn 60 năm gắn bó với nghiệp cầm cọ, họa sĩ Lê Lam đã tạo cho mình một kho tàng mỹ thuật không hề nhỏ với hàng ngàn tác phẩm. trong đó có những tác phẩm ký họa vô cùng quý giá, bởi nó được ra đời trong những ngày chiến tranh khói lửa, được ghi chép ngay dưới làn mưa bom bão đạn, ghi lại những khoảnh khắc lịch sử sống động, những người thật việc thật ở chiến trường miền Nam những năm tháng chống Mỹ.

Họa sĩ Lê Lam bên tác phẩm Dừng lại

Đi theo tiếng gọi từ trái tim mình

Họa sĩ Lê Lam tên thật là Vũ Quốc Ái, sinh năm 1931 tại Đông Anh, Hà Nội. Ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội khóa Kháng chiến năm 1953. Năm 1958, ông được cử đi học tại Đại học Mỹ thuật quốc gia Kiev, Liên Xô. Về nước năm 1964 thì tháng 1 năm 1965, ông đã mở triển lãm cá nhân đầu tiên tại số 10 Hàng Đào, giới thiệu 114 tác phẩm và ký họa nêu cao tinh thần yêu nước, yêu nghệ thuật trong đó ấn tượng nhất là bộ tranh 20 bức “Từ tuyến đầu Tổ quốc” được vẽ bằng than và phấn màu trên bìa carton, sau đó đã được tặng cho Ban Thống nhất Trung ương. Chính triển lãm đầu tay đã thôi thúc ông phải ra chiến trường để được tận mắt ghi chép các tư liệu thật về những con người đang ngày đêm chiến đấu.

Đi theo tiếng gọi từ trái tim mình, ông tình nguyện vào Nam khi đã có giấy gọi làm luận án Phó tiến sĩ tại Liên Xô và đang là trưởng Khoa Đồ họa của Trường Mỹ thuật Công nghiệp. Để lại người cha già, người vợ trẻ cùng hai con nhỏ, ngày 3-2-1966, Lê Lam cùng   các nhạc sĩ Hoàng Việt, các họa sĩ Thái Binh, Tấn Lực, Trịnh Núi... lên đường. Hành trang của ông là 200 tờ giấy vẽ thuốc nước (25 x 30cm), 3 hộp màu Lêningrad, một bộ dao khắc, bút vẽ, kẹp sắt, bảng vẽ, tẩy và bút chì.

Những ngày hành quân dọc đường Trường Sơn, mặc đói, mặc sốt rét hành hạ ông vẫn say mê ký họa những phong cảnh trên đường. Ông vẽ bất cứ lúc nào rảnh, đó là những ký họa Trên đường Trường Sơn, Suối Trường Sơn, những chân dung bộ đội, những chiến sĩ liên lạc... Đến Trung ương Cục miền Nam không bao lâu, tháng 7 ông được về Long An, lúc này là vùng đấu tranh sôi động nhất. Chỉ hai tháng sống với dân, ông đã có trong ba lô hơn 200 bức ký họa vô cùng sống động. Chân dung đầu tiên ông vẽ là Xã đội trưởng Tám Ngọt được mọi người rất thích đã khiến ông phấn khích, vẽ chân dung các dũng sĩ như: Em Đèo giao liên, chị Tư Cào, ông Hai Điểm, đồng chí Đường, ông Sáu Mắm, Má Bảy, Má Ba, Má Chín... Càng vẽ ông càng hứng thú, chẳng ai giống ai về hình dáng, khuôn mặt, trang phục nhưng điểm chung ở họ khiến ông khâm phục: những con người rất kiên cường trong chiến đấu lại vô cùng bình dị, gần gũi trong cuộc sống đời thường.

Những tác phẩm vô giá

Một bữa, chú Tư Hoạt xã đội trưởng dẫn Lê Lam đến nhà chị Tư Cào. Chị tên thật là Võ Thị Cào chưa đầy 30 tuổi, người xã An Ninh huyện Đức Hòa tỉnh Long An. Chị chuyên nghề “bà mụ” đỡ đẻ, người nhỏ nhắn, chân đi hơi khập khiễng, miệng nhai trầu liên tục. Chị Tư kể: “Hôm ấy nghe tiếng động cơ rầm rầm, tui chạy ra xem sao thì thấy cả đoàn xe đang quần cánh đồng lúa. Lúa đang chín như vầy, nó quần nát hết thì lấy gì ăn. Một ý nghĩ bộc phát lóe lên, tui chẳng còn biết sợ gì, nhảy ra dang hai tay thét liên tục “Dừng lại! dừng lại!”. Một thằng Mỹ có lẽ chỉ huy nhảy xuống xe xì xồ hỏi. Tui chỉ ruộng lúa rồi đưa chỉ vô miệng hét “ăn!”, sau đó làm hiệu chỉ cho xe lên đường mà đi. Dường như nó hiểu ý, cho tất cả xe quay lên đường”. Xe địch đi rồi, du kích, bộ đội phục kích gần đó túm lại vừa reo hò vừa ôm lấy chị. Lần đó, chị được cấp trên khen thưởng đặc biệt. Được nghe chị kể tường tận câu chuyện, họa sĩ có ngay ký họa về chị Tư Cào. Bức tranh cổ động “Dừng lại!” ra đời và nhanh chóng nổi tiếng. Tỉnh ủy Long An sau đó toàn miền Nam đã phát động phong trào học tập gương chị Tư Cào.

Từ Long An, ông qua Mỹ Tho rồi về Bến Tre. Những tháng ngày sống cùng khí thế đồng khởi hừng hực của quân dân Bến Tre, chiếc thùng đạn đại liên của người họa sĩ ngày càng thêm nặng với hàng ngàn bức ký họa và phác thảo. Đi đến đâu ông cũng vẽ và triển lãm cho đồng bào, chiến sĩ cùng xem, động viên tinh thần chiến đấu. Hàng trăm gương chiến đấu anh dũng của phong trào Đồng Khởi Bến Tre đã lần lượt hiện lên trên những trang giấy của họa sĩ, từ Má Hai, Má Hai Tặng, Má Tư, chiến sĩ biệt động, anh Ba Đào, bộ đội Thu Hà, Má Ba An Thạnh, Bác Hai Hùng, Út Tiên giao liên, Bà Tư Thé, Má Năm, Bác Ba Cừ, lão đồng chí Sáu... hàng chục tranh cổ động khổ lớn tiêu biểu như: Đồng Khởi Bến Tre, Chính quyền về tay nhân dân, Đội quân tóc dài, Má Bến Tre, Em bé Linh Phụng, Chân dung Anh hùng đặc công thủy Hoàng Lam… Đặc biệt, tác phẩm khắc gỗ Hết lòng vì tiền tuyến ông sáng tác năm 1967 ca ngợi tinh thần quật khởi của nhân dân Bến Tre đã được nhà nước Cuba chọn in lưới thành khổ lớn để tuyên truyền trên thế giới về cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam, đồng thời ca ngợi tinh thần đoàn kết một lòng của quân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc. Tháng 3 năm 1968, ông về Trung ương Cục phụ trách công tác Phòng Hội họa Giải Phóng sau đó về Trường Văn nghệ Giải phóng, trực tiếp giảng dạy các học viên mảng ký họa, vẽ màu, khắc gỗ và tranh cổ động. Năm 1971 - 1972, ông sống và sáng tác tại Phnom Penh, Campuchia.

Chín năm sống, chiến đấu ở chiến trường miền Nam, gia tài để đời của ông là hơn 3.000 ký họa và phác thảo. Với Lê Lam, những tình cảm của các chiến sĩ, các má, các chị và những năm tháng ở miền Nam mãi là những ký ức hào hùng, không thể nào quên.

Nằm trong chương trình tri ân những họa sĩ có nhiều công lao, đóng góp cho hai cuộc kháng chiến của dân tộc do Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM khởi xướng thực hiện, một triển lãm cá nhân quy mô lớn với hàng trăm tác phẩm của họa sĩ Lê Lam sẽ ra mắt giới nghệ thuật và công chúng TPHCM, dự kiến khai mạc vào trung tuần tháng 4 tới đây. Sau họa sĩ lão thành cách mạng Huỳnh Phương Đông, Lê Lam là nhân vật thứ hai được tôn vinh. Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực của mỹ thuật TPHCM chào mừng 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục