Đã từng là sĩ quan tăng - thiết giáp của Lữ đoàn 203, có mặt trong ngày 30-4-1975 tại Sài Gòn; ký họa hàng trăm bức về chiến tranh, đặc biệt Sài Gòn trước, trong và sau ngày 30-4; họa sĩ Lê Trí Dũng (ảnh), Ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam, đã có buổi trò chuyện cùng PV Báo SGGP.
- PV: Được biết “kho” ký họa về chiến tranh của ông rất phong phú và chưa công bố, chỉ những người quen mới được họa sĩ cho xem. Và nghe nói, có người nước ngoài trả 500 - 600 USD một bức?
- Họa sĩ LÊ TRÍ DŨNG: Làm sao có thể quy ra tiền được, bởi đó là những kỷ niệm vô giá tôi muốn giữ làm của riêng mình. Những bức ký họa trong chiến tranh là những ghi chép thiêng liêng trong thời gian tôi tham gia quân đội và chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị năm 1972, rồi suốt từ Quảng Trị vào đến Sài Gòn năm 1975. Nói về ký họa thì lớp trẻ không thể nào địch được với các tiền bối của hai cuộc kháng chiến. Hoàn cảnh bức bách ngẫu nhiên đã tạo ra một thế hệ vàng về ký họa với nhiều tay bút tuyệt vời. Tôi nghĩ, giá như chúng ta in được một tổng tập ký họa Việt Nam chắc là đẹp lắm.
- Bức tranh nổi tiếng Vượt trọng điểm của ông được sáng tác khi ông còn rất trẻ và đã được Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia mua và trưng bày. Nhiều họa sĩ dường như ngại khi vẽ về đề tài chiến tranh, ông cảm thấy thế nào?
- Gia đình tôi là gia đình họa sĩ (bố là họa sĩ Lê Quốc Lộc, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật), bố tôi có nhiều ký họa và tranh rất thành công về cuộc kháng chiến chống Pháp. Tôi cũng may mắn có ký họa và tranh về một giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đối với tôi, hai mảng đề tài lớn sẽ đi suốt cuộc đời là vẽ ngựa và vẽ về chiến tranh. Những năm qua tôi vẽ rất nhiều về đề tài chiến tranh, đến nỗi có người tưởng nhầm tôi là họa sĩ quân đội.
- Nói về vẽ ngựa thì hiện nay họa sĩ Lê Trí Dũng là số một của Việt Nam. Con ngựa trong tranh Lê Trí Dũng luôn khiến người xem phải ngỡ ngàng bởi cái thần thái mà họa sĩ đã “phả” vào. Ông vẽ ngựa từ khi nào?
- Tôi vẽ ngựa từ khi 6 tuổi và đam mê đến hôm nay. Nhiều họa sĩ thích vẽ các con vật trong 12 con giáp và mỗi người có những thành công riêng, như họa sĩ bậc thầy Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, hay Phạm Viết Hồng Lam, Thành Chương, Đỗ Phấn... Tôi vẽ các con vật khác vài lần thấy chán, nhưng riêng vẽ ngựa thì vẽ mãi vẫn đầy hưng phấn, không chán; mỗi lần vẽ lại thấy khác, thiên biến vạn hóa đến vô cùng.
- Cuộc sống hôm nay đầy đủ mọi bề nhưng hội họa hình như chững lại...?
- Giới họa sĩ giống như một đầm sen, có hoa, có lá, lá non, lá già, hoa tàn, nụ nhú, có cọng, cỏ lác, cua, cá, bìm nước... Một cái đầm mà hoa cứ nở tung tóe thì chịu không nổi. Lạ thay, các họa sĩ trẻ ngày nay chỉ thích làm hoa nở tung tóe. Việc sáng tác hệ trọng ví như mài ngọc quý và phải khổ luyện. Vẽ cũng là người. Bậc hào kiệt phóng bút thì “đại khí” lộ. Người thanh cao thì “thượng khí” lộ. Kẻ vẽ mưu sinh thì “hạ khí” lộ. Kẻ bon chen danh lợi thì “tiểu khí” lộ. Còn tranh chép, hoặc phần lớn tranh thương mại thì không có khí – nó chỉ là những cái xác không hồn mà thôi.
Sáng tác, theo tôi phải là những người dũng lược, chí cao tài cả; phải ngay thẳng, không màng danh lợi, lại phải chịu được khổ (vật chất và tinh thần). Thời mở cửa hôm nay, tranh bán ào ào, nhiều người vẽ trong “ngạo khí”. Có một số người đang cố gắng vẽ những cái gì khó hiểu. Họ quan niệm rằng, càng khó hiểu càng giỏi. Nhiều họa sĩ trẻ dồn sức cho những tìm tòi thuần về hình thức. Tôi đoán chắc đó là biểu hiện rõ nét nhất của sự bế tắc. Chỉ có những người bế tắc trên con đường sáng tác mới đi tìm kiếm lối thoát ở hình thức.
Trong hội họa đã và đang xảy ra “đại dịch” vẽ vời. Không ít người nghĩ rằng tất cả những ai vẽ thì đều là họa sĩ hết, không có gì dễ bằng vẽ cả! Một bức tranh “trừu tượng” ư, gồm một đống màu và những cú trát hỗn loạn... Giống như người ta cứ tưởng mình là nhà thơ khi xếp chữ thành vần hoặc thật rối rắm không ai hiểu nổi. Tôi quan niệm cứ sống giản dị và làm những gì mình thích, hợp với mình. Và tôi tin rằng vẫn còn những bậc trí giả trong làng vẽ.
- Ông là họa sĩ đã dám rời cơ quan nhà nước từ mấy chục năm nay, vật lộn với mưu sinh và vẽ để mình là chính mình, vẽ để có một nhân cách họa sĩ Lê Trí Dũng hôm nay...?
- Tôi cho rằng mục đích của cuộc sống là vươn tới cái nhân bản của con người. Con người là cao quý. Vì thế tôi ghét thói giả dối, ích kỷ, háo danh, tham lam bổng lộc, chức tước...; không chịu được những thói rởm đời, kệch cỡm. Không bao giờ thỏa mãn với những gì đã có, tôi vẽ đều, vẽ say mê và hưng phấn.
CAO MINH thực hiện